Tin tức kinh tế ngày 22/7/2024: giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng
Giá vàng thế giới bật tăng; giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng; lãi suất vay mua nhà tăng trở lại… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 22/7.
Giá vàng thế giới bật tăng
Giá vàng thế giới trong ngày 22/7 giao ngay ở 2.402,9 USD/ounce, tăng 4,4 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 22/7, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 78- 80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78 – 80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và ổn định chiều bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Ghi nhận giá vàng nhẫn hôm nay tăng nhẹ, cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch mua vào 75,8 triệu đồng/lượng, bán ra 77,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng so chốt phiên trước đó. Vàng PNJ mua vào ở mức 75,85 triệu đồng/lượng và bán ra mức 77,19 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng chiều mua vào so kết phiên trước đó.
Giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản đồng loạt tăng
Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024 (từ 1/7 - 15/7) Việt Nam mang về 898 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản thuộc nhóm nông nghiệp, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong nửa đầu tháng 7, cùng với đà tăng về lượng (ngoại trừ cà phê), giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng thuộc nhóm này cũng tăng, góp phần đẩy kim ngạch cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất vay mua nhà tăng trở lại
Lãi suất huy động đi lên kéo theo lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đang tăng trở lại, nhiều người lo ngại thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm chấm dứt. Bởi về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn đối với các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, việc tăng lãi suất đã được dự báo trước đó. Khi lãi suất vay tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà của người dân, vì phải tính toán lại các khoản chi phí. Tuy nhiên, ông nhìn nhận từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ tăng nhưng không quá mạnh như trước, dòng tiền rẻ vẫn còn. Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì mức lãi suất hợp lý để vừa kiểm soát được lạm phát vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Ngành nông nghiệp dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến tháng 7/2024, ngành nông nghiệp đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch.
Ngay từ đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân. Một trong những biện pháp quan trọng là yêu cầu các chủ đầu tư lập phương án chi tiết và cụ thể cho từng dự án.
Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để phân bổ vốn một cách hợp lý và hiệu quả. Nhờ vào việc theo dõi sát sao tiến độ từng dự án, Bộ NN&PTNT đã có thể kịp thời điều chỉnh và xử lý những vướng mắc phát sinh, đảm bảo quá trình giải ngân diễn ra suôn sẻ.
Bộ NN&PTNT đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán; ngay khi có khối lượng được nghiệm thu, chủ đầu tư, chủ dự án hoàn thiện đầy đủ thủ tục thanh toán vốn đầu tư gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán cho nhà thầu, không để dồn thanh toán vào cuối tháng, cuối quý, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát chi.
Trong nhóm này, hàng rau quả có kim ngạch lớn nhất với 238 triệu USD, tuy nhiên đây lại là mặt hàng có mức tăng trưởng thấp nhất với +0,5%.
Việt Nam giữ vị trí top 5 xuất khẩu thủy sản vào Singapore 2 quý liên tiếp
Số liệu thống kê của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 546,14 triệu SGD, giảm 3,42% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tại, trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu với thị phần chiếm 13,55%, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2 với 11,34%, Indonesia xếp thứ 3 với 11,06%, Trung Quốc xếp thứ 4 với 10,24% và Việt Nam lần đầu tiên duy trì vị trí thứ 5 trong 2 quý liên tiếp với 9,46%.
Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, để đảm bảo an ninh thực phẩm, Singapore thực hiện chính sách đa dạng nguồn cung này để liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu bằng nhiều chính sách khác nhau. Điều này khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn.