Tin tức kinh tế ngày 3/8/2024: thu ngân sách cán đích 1 triệu tỷ đồng

Giá vàng bất ngờ lao dốc; 7 tháng năm 2024, thu ngân sách cán đích 1 triệu tỷ đồng; thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục khởi sắc, đạt gần 75 tỷ USD sau 7 tháng… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 3/8.

Giá vàng bất ngờ lao dốc

Giá vàng thế giới trong ngày 3/8 giao ngay ở 2.441,7 USD/ounce, giảm 23,87 USD/ounce so với giá vàng ngày hôm qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 3/8, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 78,3 – 79,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78,3 – 79,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn 9999 tại Bảo Tín Mạnh Hải niêm yết ở mức 75,4 - 77,35 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và ổn định chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

7 tháng, thu ngân sách cán đích 1 triệu tỷ đồng

Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Tin tức kinh tế ngày 3/8/2024: thu ngân sách cán đích 1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Tin tức kinh tế ngày 3/8/2024: thu ngân sách cán đích 1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 74,7% so với dự toán, tăng 2,3% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 985.325 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

14/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá, trong đó một số khoản thu lớn như thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; phí-lệ phí; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; thu từ hoạt động xổ số… Về tổng thể, 26/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá.

Tổng cục Thuế đánh giá thu ngân sách 7 tháng năm 2024 mặc dù đạt khá, song số thu đạt khá chủ yếu tập trung tại các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận chênh lệch của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và khối các công ty xổ số, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước, do cơ bản đến nay đã thu xong 4/5 kỳ. Nếu không kể 3 khoản này thì thu nội địa do cơ quan thuế quản lý mới đạt được 62,3% dự toán.

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục khởi sắc

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ.

Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều nhóm mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép…

Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ nhiều sản phẩm phục vụ cho sản xuất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu…

Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt 74,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng mạnh ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7/2024 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê chỉ ra, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Cụ thể, trong 7 tháng, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Việt Nam, Thái Lan đua giành thị phần gạo tại Philippines

Hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Thái Lan và Việt Nam đang cạnh tranh để giành thị phần gạo tại Philippines, với lợi thế giá thuộc về Việt Nam.

Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu tới 4,1 triệu tấn gạo trong năm nay sau khi đã nhập khẩu 3,2 triệu tấn vào năm 2023, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Cả 2 con số đều cao hơn nhiều so với mức trung bình các năm là 2 triệu đến 2,5 triệu tấn.

Để giảm bớt tác động đến người tiêu dùng trong nước, Philippines đã giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% vào tháng 6. Động thái này đã thúc đẩy Thái Lan và Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới - tiếp cận Philippines.

Việt Nam đã xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang Philippines trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam thường cung cấp khoảng 80% lượng gạo nhập khẩu hàng năm cho Philippines.

Trong khi đó, Thái Lan đã xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang Philippines trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 388% so với mức khoảng 62.000 tấn cùng kỳ năm ngoái và khoảng 100.000 tấn trong cả năm 2023.

Đoàn Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-3-8-2024-thu-ngan-sach-can-dich-1-trieu-ty-dong.html