Tin tức kinh tế ngày 4/9: Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 40% kế hoạch

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 40% kế hoạch; Chứng khoán giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ; Tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đạt 15 triệu tỷ đồng… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 4/9.

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 40% kế hoạch (Ảnh minh họa)

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 40% kế hoạch (Ảnh minh họa)

Giá vàng thế giới tăng nhẹ

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/9, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2493,39 USD/ounce, tăng 0,9 USD so với cùng thời điểm ngày 3/9.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/9, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 3/9.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 3/9.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 3/9.

Chứng khoán giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ

Giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ dài, thay cho động thái mua vào, nhà đầu tư lại đẩy mạnh bán tháo khiến VN Index giảm 8 điểm.

Theo thống kê, toàn sàn HoSE có 313 mã giảm, so với 117 mã tăng và 49 mã đi ngang. Bảng điện rổ VN30 cũng trong tình cảnh tương tự với 23/30 mã giảm, trong khi số mã tăng là 6 và 1 mã đứng giá.

Thanh khoản thị trường tiếp tục đứng ở mức thấp với chỉ hơn 648 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 15.719 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu hút dòng tiền mạnh nhất sàn HoSE là FPT, VHM, HPG, VPB, DGC.

PMI ngành sản xuất trên ngưỡng 50 điểm, đơn hàng mới tiếp tục tăng cao

Sáng 4/9, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam.

Theo đó, chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đạt 52,4 điểm trong tháng 8, giảm so với mức 54,7 điểm trong tháng 7 - mức điểm cao nhất kể từ tháng 11/2018. Báo cáo của S&P Global đánh giá, mặc dù PMI tháng 8 giảm so với tháng trước, nhưng các điều kiện kinh doanh vẫn cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ vào thời điểm giữa quý III.

Sự cải thiện của sức khỏe lĩnh vực sản xuất được thể hiện ở việc sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng cao. Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng tháng thứ năm liên tiếp.

Báo cáo cho biết, nhu cầu khách hàng cải thiện đã khiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng, và các công ty đã tăng sản lượng tương ứng. Trong một số trường hợp, mức độ ổn định tương đối của giá cả đã giúp các công ty có được các đơn đặt hàng mới. Ngoài ra, nhu cầu quốc tế được cải thiện cũng đã góp phần vào sự tăng trưởng về lượng đơn đặt hàng trong tháng qua.

Tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng đạt 15 triệu tỷ đồng

Dù lãi suất huy động đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lên 0,1- 0,3%/năm, nhưng nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp. Thực tế, nhiều người vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng. Thấp, nhưng ổn định, đó là lý do huy động vốn vẫn tăng cao.

Trong tổng số khoảng 15 triệu tỷ đồng hiện đang được gửi vào ngân hàng thì tiền gửi từ cư dân đạt 7,2 triệu tỷ đồng. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục tăng trong mấy tháng qua đã kích thích dòng tiền chảy trở lại vào hệ thống ngân hàng.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 40% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được giao cho các bộ, cơ quan là 677.944 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 245.595 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là 432.348 tỉ đồng.

Đến ngày 31/8, giải ngân vốn đầu tư công là 274.501 tỉ đồng, đạt 37% tổng kế hoạch, thấp hơn 2,5% so với năm trước và đạt khoảng 40,5% kế hoạch Thủ tướng giao.

Báo cáo cũng cho biết có 13 bộ, ngành trung ương và 35 địa phương đã vượt mức giải ngân bình quân chung của cả nước trong 8 tháng qua.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-49-giai-ngan-von-dau-tu-cong-dat-hon-40-ke-hoach-716899.html