Tin tức kinh tế ngày 8/3: Giá cà phê liên tục lập kỷ lục
Điện thoại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm; Giá cà phê liên tục lập kỷ lục; Chỉ số giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 8/3.
Giá vàng tiếp đà tăng mạnh
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/3, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2160,76 USD/ounce, tăng 14,07 USD so với cùng thời điểm ngày 7/3.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/3, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 79,8-81,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 800.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 7/3.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 79,75-81,75 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 800.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 7/3.
Giá cà phê liên tục lập kỷ lục
Ngày 8/3, giá cà phê hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên được ghi nhận ở mức 90.400 đồng/kg (Lâm Đồng) đến 91.800 đồng/kg (Đắk Nông), tăng từ 1.400 – 1.700 đồng/kg so với ngày hôm trước.
Đáng chú ý giá cà phê đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay với mức tăng khoảng 50% và nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê đã tăng gấp đôi.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 438 nghìn tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 7 liên tiếp
Ngày 8/3, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 2 vừa qua tiếp tục giảm, tháng thứ 7 liên tiếp, do giá tất cả các loại ngũ cốc chính đều thấp hơn bù lại cho sự tăng giá đường và thịt.
Chỉ số giá của FAO theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu. Theo báo cáo của FAO, chỉ số này trong tháng 2 vừa qua đạt trung bình 117,3 điểm, giảm so với mức 118,2 điểm trong tháng trước đó, và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Điện thoại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng 1 đã chứng kiến một sự tăng trưởng đáng kể, với doanh thu vượt qua ngưỡng 5,5 tỷ USD, một mức tăng trưởng phi thường lên tới 50,4% so với tháng 12/2023 và 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sang tháng 2, dù có nhiều ngày nghỉ Tết, nhưng xuất khẩu mặt hàng này vẫn thu về 4 tỷ USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, điện thoại đóng góp 9,58 tỷ USD trong tổng kim ngạch gần 60 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt
Xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 7,1% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, vượt qua dự báo tăng trưởng 1,9% của cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế của Reuters. Mức tăng trưởng cũng cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,3% được ghi nhận trong tháng 12/2023.
Nhập khẩu cũng vượt kỳ vọng, tăng 3,5% so với một năm trước, trong khi thặng dư thương mại đạt 125,2 tỷ USD, cao hơn khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thâm hụt thương mại của Mỹ tiếp tục gia tăng
Ngày 7/3, Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng 5,1% trong tháng 1 vừa qua, lên 67,4 tỷ USD. Trong khi đó, dữ liệu thương mại của tháng 11/2023 đã được sửa đổi cho thấy thâm hụt thương mại của nước này tăng lên 64,2 tỷ USD, thay vì 62,2 tỷ USD như báo cáo trước đó.
Thâm hụt thương mại Mỹ đã giảm xuống còn 779,8 tỷ USD vào năm 2023, từ mức 951,2 tỷ USD vào năm 2022. Mức thâm hụt này tương đương 2,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, giảm từ mức 3,7% GDP năm 2022. Hoạt động thương mại của Mỹ đã đóng góp thêm 0,32 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng hàng năm 3,2% của nền kinh tế trong quý IV/2023, sau khi chứng kiến sự đình trệ trong hai quý liên tiếp trước đó. Theo dự đoán, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2024 sẽ đạt 2,0%.