Tin tức kinh tế ngày 9/1: Hơn 3.000 mã nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc

Hơn 3.000 mã nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; Dư nợ tín dụng bất động sản tăng liên tục; Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% năm 2024… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 9/1.

Hơn 3.000 mã nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Hơn 3.000 mã nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Giá vàng quay đầu giảm

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 9/1, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2035,12 USD/ounce, giảm 11,97 USD so với cùng thời điểm ngày 8/1.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 9/1, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 71-74 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 8/1.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 71-74 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 8/1.

Dư nợ tín dụng bất động sản tăng liên tục

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022.

Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36%, tăng 22% so với cuối năm trước. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm 64%, giảm 0,7%.

Theo NHNN, tín dụng dành cho các chủ đầu tư tăng mạnh là nhờ các giải pháp của ngành ngân hàng, của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, qua đó tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% năm 2024

Trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam mới công bố, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm).

Báo cáo của Standard Chartered cũng cho rằng lạm phát được dự báo tăng từ mức 3,3% năm 2023 lên 5,5% vào năm 2024. Việc nới lỏng tiền tệ có thể sắp kết thúc do kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Tỷ lệ tái cấp vốn dự kiến sẽ duy trì ở mức 4,5% cho đến cuối quý 3 năm 2024.

Hàn Quốc tạm gỡ quy định dừng tiếp nhận lao động 4 tỉnh của Việt Nam

Thông tin từ Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt đầu tiên năm 2024 dự kiến tuyển khoảng 15.300 người, làm việc trong 5 ngành nghề.

Trong đợt này, phạm vi tuyển chọn là toàn quốc. Hàn Quốc không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại một số địa phương như các năm trước, trừ một số ngành thiểu số đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp.

Như vậy, người lao động thuộc các địa phương gồm huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thành phố Chí Linh (Hải Dương), các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được tham gia kỳ thi chọn lao động đi Hàn Quốc đợt 1 năm 2024.

Hơn 3.000 mã nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 9/1, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp, tương đương khoảng gần 3.000 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm.

Trong số trên, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý. Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Quy định 248. Các nhóm ngành hàng nông sản thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Nguồn cung thắt chặt, giá phân bón năm 2024 có thể tăng nhẹ

Trong báo cáo triển vọng 2024, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón thế giới năm 2024 được có thể tăng nhẹ so với năm 2023.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những động thái hạn chế xuất khẩu của các “ông lớn” trên thị trường phân bón thế giới. Theo đó, quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 15% lượng tiêu thụ toàn cầu) là Nga đã gia hạn chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5 để bảo vệ thị trường nội địa. Trung Quốc cũng tiếp tục hạn chế xuất khẩu ure để đảm bảo nguồn cung trong nước và ổn định mức giá.

Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập đã quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-91-hon-3000-ma-nong-san-duoc-phep-xuat-khau-sang-trung-quoc-703528.html