Tin tức sự kiện Điểm đến cần hoàn thiện & có mô hình hoạt động tối ưu

Các điểm đến ở Huế đẹp, nhưng phần lớn đang còn mang tính đơn lẻ, thiếu dịch vụ

Các điểm đến ở Huế đẹp, nhưng phần lớn đang còn mang tính đơn lẻ, thiếu dịch vụ

Không thể gọi là điểm đến

Điểm đến có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Chỉ khi có nhiều điểm đến, sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được thị hiếu của nhiều dòng khách mới tăng khả năng thu hút khách. Lâu nay, với du lịch Huế luôn có nhận định và mục tiêu là trong khi các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa – di sản cần có thêm thời gian để làm mới, tạo dựng được vòng đời tiếp theo, việc hình thành nhiều điểm đến mới, có tính bổ trợ là điều được ưu tiên lựa chọn hơn cả.

Nhiều điểm đến chỉ nằm cách trung tâm TP. Huế, tầm 5 -7km, rất thuận lợi để khách lựa chọn, với nhiều hình thức di chuyển phù hợp. Vì vậy, ở Huế có rất nhiều điểm đến đẹp, có nhiều khách đến vui chơi, tham quan. Tuy nhiên, chỉ một số điểm duy trì được lượng khách sau một thời gian hoạt động, còn lại nhiều điểm giảm dần sức hút, khách thưa dần theo thời gian.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng phân tích, hạn chế và cũng là nguyên nhân khiến các điểm đến không thể duy trì thu hút khách lâu dài là do điểm đến không hoàn thiện. Nguyên tắc của điểm đến là không cần quá quy mô, mà chỉ cần hoàn thiện các dịch vụ, giúp du khách có trọn vẹn các trải nghiệm. Hoặc những điểm tham quan nhỏ nằm trong chuỗi điểm đến lớn, có chương trình khép kín, từ tham quan, trải nghiệm, ăn uống và lưu trú. Để xem đó là điểm đến, ít nhất cũng có thể giữ khách ở lại 4 giờ (1/2 ngày), nếu dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn có thể kéo dài thời gian 1 ngày, 2 ngày 1 đêm, hoặc có thể dài hơn. Nếu các điểm chưa thể giữ chân được khách đủ thời gian thì không thể gọi đó là điểm đến, mà chỉ là điểm tham quan thuần túy.

“Gần đây, vườn hoa Vân Thê ở Thủy Thanh (Hương Thủy) rất nổi tiếng, được du khách khắp nơi đến “check-in”, tham quan. Việc có những điểm tham quan như thế đã là rất tốt trong phát triển du lịch chung. Nhưng có một điều có thể nhận thấy, đó chỉ là sự đơn lẻ riêng của điểm này. Xét về vườn hoa là thành công, nhưng về tổng thể, chiều sâu của điểm đến là chưa, vì chỉ bên cạnh đó thôi là cầu ngói Thanh Toàn và nhiều điểm đến khác trong chuỗi của Thủy Thanh. Khách đến Vân Thê chụp ảnh, tham quan trong khoảng 30 – 60 phút đã kết thúc; trong khi đó, xét về thời gian của khách sẽ sẵn sàng kéo dài gấp 4-5 lần khoảng thời gian đó để sử dụng thêm ăn uống, cà phê, trải nghiệm hoạt động nào đó. Do đó, xét về tổng chi phí khi về Thủy Thanh của khách là không nhiều. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều điểm đến thời gian qua, như đầm Chuồn, Rú Chá, cây “Mắt biếc”…”, ông Nguyễn Đình Thuận phân tích thêm.

Nói thêm về thực trạng ở cầu ngói Thanh Toàn, trước đó, năm 2019, cầu ngói Thanh Toàn đã được công nhận là điểm du lịch. Lãnh đạo Sở Du lịch mới đây cũng thẳng thắn, để được công nhận điểm du lịch đòi hỏi đáp ứng được nhiều điều kiện, dịch vụ đa dạng và có đặc trưng. Quả thật, điểm du lịch này vẫn chưa phát huy được hiệu quả và bộc lộ nhiều hạn chế trong cung ứng dịch vụ.

Vai trò từ nhiều phía

Để hoàn thiện một điểm đến, luôn có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả từ hai thực thể: cứng và mềm. Đó là cơ sở vật chất và dịch vụ, con người. Vấn đề mà các điểm đến đang vấp phải, thứ nhất là cơ sở vật chất chưa hoàn thiện; thứ hai là dịch vụ còn thiếu, chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân được du khách ít nhất 1/2 ngày, thời gian của một tour du lịch tối thiểu.

Ông Nguyễn Đình Thuận góp ý, ở Thủy Thanh, để hoàn thiện điểm đến là khi kết nối thêm các điểm đến khác, như đến trải nghiệm làng nghề truyền thống, nghề làm bánh, buổi chiều muộn đến vườn hoa Vân Thê ngắm hoàng hôn và chụp ảnh. Sau đó thưởng thức ẩm thực, tối đến ngủ tại một homestay hướng đồng ở Thanh Toàn mang đặc trưng vùng quê ở Trung bộ. Sáng mai ăn sáng xong đạp xe quanh làng, tiếp đến trải nghiệm nghề làm nông để kết thúc tour… Mở rộng ra nhiều điểm đến khác, cũng cần xâu chuỗi để tạo thành chuỗi dịch vụ liên hoàn như thế.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ở cầu ngói Thanh Toàn, Sở Du lịch đang phối hợp với thị xã Hương Thủy nghiên cứu lại mô hình hoạt động. Có hai phương án được tính đến là bán vé ở cổng và sử dụng tất cả các dịch vụ bên trong; hoặc bán vé từng dịch vụ cụ thể. Dù phương án nào, dịch vụ cũng phải nâng cấp, hoàn thiện. Riêng vấn đề khá nan giải ở Thanh Toàn và nhiều điểm đến khác ở Huế đang tồn tại là tìm được mô hình hoạt động tối ưu. Cả hai mô hình hợp tác xã hay doanh nghiệp, đã từng áp dụng nhưng chưa cho thấy hiệu quả. Điều này phải có sự phối hợp từ nhiều phía, tìm ra một phương án mới, phù hợp, nếu không lại diễn biến như những năm vừa qua.

Cũng cần bàn thêm về câu chuyện “ai làm”, phía Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, lâu nay, cả cơ quan quản lý Nhà nước và nhiều lữ hành đều nhầm chức năng. Họ cho rằng, lữ hành có sẵn điểm đến và thế là xây dựng tour, như trên bàn cơm đã có các món ăn, nay lữ hành kết nối lại. Nhưng thực tiễn cho thấy, lữ hành phải tham gia ngay từ đầu, đi chợ, gia vị, vào bếp cùng chế biến để có những món ngon, đa dạng. Lữ hành cần phải tham dự cuộc họp đầu tiên với chính quyền và nhà phát triển điểm đến, để điểm đến có hướng phát triển ngay từ đầu. Riêng phía các lữ hành, cũng cần chủ động phát triển điểm đến, tạo ra những dịch vụ để phục vụ khách mà lữ hành muốn hướng đến.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dulich/diem-den-can-hoan-thien-co-mo-hinh-hoat-dong-toi-uu-a110767.html