Tin tức sự kiện | Xã Hội | Phòng, chống Virus Corona (2019-nCoV) TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Theo quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, do đó cần chủ động đi trước một bước, 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' trong việc tiêm vaccine.
Đến thời điểm này, trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia.
Việt Nam tiếp tục ghi nhận các biến thể mới BA.4 và BA.5 và dịch bệnh vẫn có nguy cơ gia tăng trở lại.
Để phòng, chống đại dịch COVID-19, vaccine vẫn được coi là một trong những vũ khí chiến lược hiệu quả và quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Thực tế thời gian qua, vaccine đã chứng minh được tính hiệu quả trong công tác phòng bệnh ở nước ta nói riêng và ở các nước trên thế giới nói chung. Tuy nhiên, kháng thể bảo vệ của vaccine phòng, chống COVID-19 hiện nay giảm theo thời gian.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh. Nếu có mắc thì sẽ tránh nguy cơ bệnh nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường.
Tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.
Người dân chủ quan
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Tiêm vaccine được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tâm lý người dân chủ quan, lơ là do số mắc, số tử vong giảm… Số người không tiêm mũi nhắc lại lý giải dịch bây giờ đã ổn định, các nơi đều mở cửa du lịch, bản thân từng mắc COVID-19 nên có bị cũng nhẹ như cảm cúm, do đó không tiêm.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19, chính quyền các cấp chưa vào cuộc quyết liệt dẫn đến chưa đạt tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của chính phủ, Thủ tướng chính phủ.
Tỉnh Đắk Lắk đã chủ động nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, tuy nhiên kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cụ thể, nhóm 18 tuổi trở lên tiến độ tiêm mũi 3 đạt 56,2%; mũi 4 đạt 28,9%. Nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 2 đạt 96,1%, mũi 3 đạt 37,9%. Nhóm trẻ từ 5-11 tiêm mũi 1 đạt 60,2%, mũi 2 đạt 19,6%.
Theo Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La, nguyên nhân là do sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp. Nhiều người đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo vì cho rằng đã có miễn dịch bảo vệ tự nhiên.
Một số người dân cũng lo sợ bị phản ứng khi mũi tiêm vaccine tiếp theo do mũi tiêm trước từng có phản ứng và nếu mắc bệnh cũng không còn nghiêm trọng nên càng không muốn tiêm.
Bên cạnh đó, do đặc thù điều kiện sống ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tại Đắk Lắk nói riêng, người dân làm nương rẫy xa nhà và phải ở lại nương rẫy, phải đi đổi công xa hoặc đến tối mới trở về nơi cư trú nên việc tiếp nhận thông tin và tiêm vaccine có nhiều hạn chế và không theo lịch tiêm.
"Công tác tiêm chủng lưu động theo hình thức lập "tổ tiêm chủng đến từng nhà," tiêm lưu động vào các buổi tối tại các thôn, buôn cho người dân rất khó khăn…, điều này dẫn tới tỷ lệ tiêm không đạt tiến độ, hao phí vaccine cao do phải hủy lọ vaccine vì không đủ số mũi tiêm/lọ theo quy định," Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk chia sẻ.
Tại tỉnh Cà Mau, mặc dù tỷ lệ bao phủ vaccine đạt khá cao nhưng tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 và 2 còn thấp, chỉ đạt lần lượt 58,1% và 19,4%. Nguyên nhân được chỉ rõ là do một bộ phận nhân dân có biểu hiện chủ quan, lo ngại, không đồng ý tiêm vaccine, nghĩ việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại không cần thiết.
Riêng đối với trẻ từ 5-11 tuổi, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn e ngại về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng lâu dài của vaccine đến sức khỏe của trẻ; các trường hợp trẻ mắc bệnh hầu hết ở mức độ nhẹ cũng dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ là không cần thiết…
Địa phương tích cực
Trước việc xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, cùng với tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 còn chậm, tỷ lệ chưa đạt yêu cầu, nhiều địa phương đã gấp rút triển khai các giải pháp nhằm đốc thúc các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tiêm chủng.
Mới đây, Tỉnh ủy Thái Bình đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đề cao cảnh giác trước khả năng bùng phát dịch trở lại.
Tỉnh nghiêm túc rà soát, lập danh sách các đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng," đồng thời có hình thức xử lý các trường hợp cố tình không tạo điều kiện, không hợp tác hoặc lơ là, thiếu trách nhiệm để người dân trong diện tiêm bị lỡ các mũi tiêm theo thông báo của cơ quan y tế…
Tại tỉnh Cà Mau, trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp, đồng thời xuất hiện tâm lý chủ quan của một bộ phận nhân dân trong việc tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thân đủ điều kiện đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc điểm tiêm của trạm y tế xã, phường, thị trấn để tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại lần 1, liều nhắc lại lần 2 theo hướng dẫn của ngành y tế.
Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh rà soát tất cả đối tượng trên địa bàn quản lý để tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm không để sót người chưa được tiêm theo quy định, kể cả việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại lần 1, liều nhắc lại lần 2, bảo đảm tất cả người dân trên địa bàn đủ điều kiện tiêm phải được tiêm vaccine theo quy định.
Tỉnh Ninh Thuận thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch đó là xét nghiệm, cách ly, điều trị; đồng thời thực hiện tốt công thức 2K (đeo khẩu trang, khử khuẩn) cộng với tiêm vaccine, sử dụng thuốc và điều trị kịp thời người mắc COVID-19 gắn với ứng dụng công nghệ; nâng cao ý thức người dân về phòng, chống dịch và các biện pháp khác.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho 7 huyện, thành phố trong tỉnh hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng có chỉ định tiêm liều cơ bản, liều bổ sung.
Đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh phấn đấu tiêm 2 liều vaccine cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đạt trên 95% (59.793 trẻ cần tiêm); đến hết tháng 9/2022 tiêm vaccine liều nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 17 tuổi đạt trên 95% (52.588 trẻ cần tiêm); đồng thời đến hết tháng 9 tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% (82.922 người cần tiêm).
Không để dịch bùng phát trở lại
Theo quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, do vậy cần tiếp tục chỉ đạo sát sao trong công tác phòng, chống dịch; chủ động đi trước một bước, nhất là trước những biến chủng mới phức tạp; triển khai rà soát, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng.
Trong thời gian tới, bên cạnh tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch; Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thế mới của COVID-19…
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ, các công điện của Thủ tướng Chính phủ về tiêm vaccine và phòng, chống dịch bệnh; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, không để dịch bùng phát trở lại.
Cùng với đó, các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.Các địa phương tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID 19, hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn về việc tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đến 9 Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vaccine; tập trung truyền thông và tiêm chủng cho các đối tượng, đặc biệt cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, lưu ý các trẻ có nguy cơ cao, trẻ sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vaccine đến từng địa bàn dân cư.
Các địa phương công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin đến người dân để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng tốc độ tiêm chủng vaccine cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đặc biệt ưu tiên trẻ em từ 5-11 tuổi và trẻ có nguy cơ cao; nhanh chóng hoàn thành tiêm mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường truyền thông, tư vấn cho học sinh, sinh viên, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận, vận động các em và phụ huynh, người giám hộ hợp pháp của trẻ đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị các Bộ chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, quân nhân, chiến sỹ trong toàn ngành đảm bảo hoàn thành tiêm hết các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.