Tin tức sự kiện Xây dựng thương hiệu cho du lịch Huế
Du khách tham quan di sản Huế. Ảnh: Đức Quang
Thời gian qua, Báo Thừa Thiên Huế đã đồng hành chặt chẽ với ngành du lịch và các địa phương trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Cố đô đến với du khách gần xa. Việc thông tin tuyên truyền đã góp phần làm cho du lịch phát triển, tăng nguồn thu ngân sách. Báo cũng đã góp phần định hướng, nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân, cộng đồng xã hội nói chung về công tác phát triển du lịch của tỉnh nhà. Thông qua các bài viết, clip, các chủ trương, chính sách phát triển du lịch của Nhà nước, của địa phương được phổ biến rộng rãi hơn. Báo còn là một kênh thông tin quan trọng và hữu hiệu để quảng bá hình ảnh du lịch, quảng bá điểm đến, quảng bá sản phẩm và dịch vụ du lịch; đồng thời góp phần tích cực đối với công tác quản lý, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, văn minh.
Chất lượng và tính đặc trưng được xác định là hai yếu tố quyết định giúp các điểm đến thu hút được khách du lịch. Việc TP. Huế xác định xây dựng thương hiệu về du lịch “Văn minh - thân thiện – an toàn – giàu bản sắc” là hết sức cần thiết để xây dựng Huế thành điểm đến đặc trưng riêng, là trung tâm văn hóa – du lịch của cả nước và khu vực trong tương lai.
Từ yêu cầu mới của thực tiễn vận động của xã hội nói chung và du lịch nói riêng, Báo Thừa Thiên Huế đề xuất một số kiến nghị để phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu về du lịch “Văn minh - thân thiện – an toàn – giàu bản sắc”:
Du khách Thái Lan đến Huế và trải nghiệm dịch vụ xích lô. Ảnh: Đức Quang
Trước hết hội thảo cần làm rõ các nội hàm, như thế nào là “Văn minh - thân thiện – an toàn – giàu bản sắc”. Từ đó có các bộ tiêu chí để triển khai, các cơ quan báo chí có cơ sở tuyên truyền phù hợp hơn. Để nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội rất cần chiến lược truyền thông cụ thể, đồng bộ trên các kênh, điều mà phải nhìn nhận rằng thời gian qua ngành du lịch chưa tập trung đúng mức. Với cơ quan báo chí, cần phối hợp chặt chẽ hơn để xây dựng các chuyên đề, chuyên trang phản ánh môi trường du lịch. Cần mạnh dạn hơn nữa trong phản ánh những hạn chế trong môi trường du lịch để tạo tác động thay đổi tích cực. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý về du lịch cần phối hợp với cơ quan báo chí để tổ chức các cuộc thi viết về điểm đến “Văn minh - thân thiện – an toàn – giàu bản sắc”, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng và du khách.
Cơ quan báo chí tăng cường hỗ trợ các cơ quan chức năng trong tập huấn kỹ năng viết tin bài trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội để việc tuyên truyền hiệu quả hơn. Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho tiểu thương, các hộ kinh doanh và đội ngũ lái xe taxi, xích lô trên địa bàn. Đây cần là việc làm thường xuyên, mở rộng các đối tượng.
Báo chí quan tâm triển khai thực hiện các đề cương, chuyên mục đã xây dựng, đảm bảo việc thực hiện đề cương được nghiêm túc, hiệu quả để việc tuyên truyền đạt kết quả tốt. Khuyến khích và tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên, trong đó có phóng viên chuyên trách mảng du lịch được trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng của các tác phẩm báo chí viết về du lịch, gây được sức hút đối với bạn đọc và du khách.
Đẩy mạnh thông tin 2 chiều và tương tác giữa cơ quan truyền thông và các địa phương, đơn vị (như tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ các vướng mắc). Bên cạnh tính chủ động trong tác nghiệp, các cơ quan truyền thông cũng mong muốn có sự đặt hàng từ các cơ quan, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để giới thiệu, quảng bá hoặc cùng phối hợp thực hiện trên các nền tảng báo chí hiện đại. Nên cùng nhau trả lời các câu hỏi vì sao thời gian lưu trú của khách du lịch ở Huế vẫn thấp? Xây dựng giá trị tăng thêm cho dịch vụ du lịch ở những khía cạnh nào? Truyền thông về chất lượng dịch vụ là điều thực sự quan trọng bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá điểm đến, do vậy các cơ quan truyền thông và doanh nghiệp nên đồng hành vì mục tiêu chung...