Tin tức thế giới 14/10: Nobel Kinh tế 2019 vinh danh ba nhà khoa học giúp giảm nghèo toàn cầu
Nobel Kinh tế 2019 vinh danh ba nhà khoa học giúp giảm nghèo toàn cầu; Quân chính phủ Syria đã tiến vào thị trấn biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ; Lính bắn tỉa Hàn Quốc diệt lợn bệnh ở biên giới liên Triều... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 14/10.
Nobel Kinh tế 2019 vinh danh ba nhà khoa học giúp giảm nghèo toàn cầu
Ủy ban Nobel hôm nay (14/10) cho biết, giải Nobel Kinh tế năm 2019 được trao cho Nhà kinh tế người Mỹ Abhijit Banerjee, nữ Giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Pháp Esther Duflo và Giáo sư kinh tế của Đại học Havard Michael Kremer “vì cách tiếp cận mang tính thử nghiệm của họ đối với việc giảm nghèo toàn cầu”.
Esther Duflo là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử giành giải Nobel Kinh tế. Duflo cho biết bà hy vọng có thể đại diện cho phái nữ đồng thời mong muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này. Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel 2019.
Quân chính phủ Syria đã tiến vào thị trấn biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA sáng 14/10 đưa tin, các lực lượng chính phủ đã tiến vào thị trấn Tal Tamr, miền Bắc nước này, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và đã được cư dân tại đây chào đón.
Động thái trên diễn ra một ngày sau khi người Kurd ở Syria tuyên bố, các lực lượng Chính phủ Syria đã nhất trí giúp họ chặn đứng cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ gửi quân đội Syria tới khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lệnh cho toàn bộ binh sĩ Mỹ rút khỏi khu vực.
Tổng thống Putin nói Nga có thứ vũ khí vượt trội hơn vũ khí siêu âm
Trong cuộc phỏng vấn với một số các kênh truyền hình trước thềm chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, vũ khí siêu âm sẽ xuất hiện trong quân đội các quốc gia hàng đầu thế giới trong tương lai, nhưng Nga sẽ có thứ vũ khí còn vượt trội hơn.
Trả lời câu hỏi về việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới Nga, ông Putin lưu ý rằng, nỗ lực nhằm cân bằng tiềm năng hạt nhân chiến lược của Nga theo cách này là thất bại. Ông Putin cũng khẳng định NATO đơn giản chỉ là công cụ trong chính sách của Mỹ, vì vậy không ai ở Washington sẽ xin phép châu Âu để triển khai tên lửa trên lãnh thổ của họ.
Trung Quốc bắt đầu thực thi thỏa thuận mua nông sản Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 13/10 cho biết, Trung Quốc đã mua nông sản của Mỹ, bắt đầu thực thi những thỏa thuận thương mại đạt được giữa Washington và Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã ca ngợi quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời cam kết sớm hoàn tất giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại.
Trong khi đó, ngày 14/10, người phát ngôn cơ quan hải quan Trung Quốc Lý Khôi Văn thông báo, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 10,7% trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ giảm 26,4% trong cùng giai đoạn này.
Soán ngôi Mỹ, Singapore trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 9/10 công bố chỉ số cạnh tranh toàn cầu đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh của 141 nền kinh tế. Trong đó, Singapore được xếp ở vị trí là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới với tổng 84,8 điểm (thang điểm 100).
Singapore đã hạ bệ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay, nhờ "ghi điểm" mạnh trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, y tế, thị trường lao động và hệ thống tài chính. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, Mỹ đạt 83,7 điểm và bị xếp ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một cường quốc trong lĩnh vực đổi mới.
Lính bắn tỉa Hàn Quốc diệt lợn bệnh ở biên giới liên Triều
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc hôm 13/10 cho biết chính phủ sẽ triển khai lính bắn tỉa và thợ săn đến biên giới phía bắc để loại bỏ lợn mang mầm bệnh từ Triều Tiên. Nước này cũng sẽ sử dụng máy bay không người lái trang bị camera ảnh nhiệt để phát hiện lợn nghi nhiễm virus.
Các biện pháp được tiến hành nhằm mục đích tiêu diệt lợn hoang ở các khu vực bao gồm Incheon, Seoul, Goseong và sông Bukhan. Hàn Quốc đã phát hiện 5 con lợn rừng chết trong hoặc gần khu vực biên giới dương tính với virus tả lợn châu Phi. Trong khi đó các báo cáo không chính thức cho thấy dịch tả lợn châu Phi tại Triều Tiên đã vượt tầm kiểm soát.