Tin tức thế giới ngày 18/7: Thủ phủ Tân Cương bất ngờ bị phong tỏa

Thủ phủ Tân Cương bất ngờ bị phong tỏa; Kế hoạch phục hồi 750 tỷ của EU chưa tìm được tiếng nói chung; Mỹ bị tố 'chơi xấu' Huawei là những tin tức thế giới mới cập nhật.

Thủ phủ Tân Cương bất ngờ bị phong tỏa

Một người liên quan tới cụm dịch chợ Tân Phát Địa nhận nước khử trùng tay sau khi hoàn thành cách ly tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 7/7. Ảnh: Xinhua

Covid-19 bùng phát trở lại tại khu tự trị phía tây bắc Trung Quốc với 6 ca bệnh được xác nhận và 11 ca nhiễm không triệu chứng sau 149 ngày không có ca bệnh khiến chính quyền thành phố Urumqi - thủ phủ khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), đã hạn chế việc đi lại của người dân.

Lệnh phong tỏa thành phố 3,5 triệu dân này được ban hành một cách bất ngờ sau khi lo ngại về một làn sóng dịch bệnh mới sắp hình thành.

"Chúng tôi sẽ cắt hoàn toàn đường lây nhiễm, tăng cường kiểm soát các khu vực đông người, quản lý chặt chẽ các làng và cộng đồng, tiến hành sàng lọc tại phòng khám của các bệnh viện", đảng ủy Tân Cương ra thông báo cho biết.

Chính quyền Tân Cương tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất để theo dõi và cách ly các bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng và những người tới từ bên ngoài. Hầu hết các chuyến bay đến và đi bị cấm, đồng thời đóng cửa tuyến tàu điện ngầm và dịch vụ xe buýt từ tối 16/7.

Hơn 600 chuyến bay theo lịch trình tại sân bay quốc tế Urumqi Wild Diwopu đã bị hủy. Một số hãng hàng không bao gồm China Eastern và Juneyao Air hiện yêu cầu hành khách trình kết quả xét nghiệm trong vòng 7 ngày, cũng như phải có mã y tế "màu xanh lá" trên điện thoại trước khi bay tới Urumqi.

"Chỉ có một ca nhiễm mà cả tàu điện ngầm cũng bị đóng?", một người dùng mạng Weibo than. Ý kiến khác thì cho rằng phong tỏa là cách duy nhất vì hệ thống y tế Tân Cương không tốt bằng những nơi khác ở Trung Quốc.

Một số khu dân cư còn ra thông báo hạn chế đi lại, khiến người dân hoảng loạn mua đồ dự trữ. Để trấn an người dân, chính quyền Urumqi khẳng định các siêu thị có lượng thực phẩm dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó 4.634 ca tử vong.

Kế hoạch phục hồi 750 tỷ của EU chưa tìm được tiếng nói chung

Bà Angela Merkel, ông Emmanuel Macron, và ông Charles Michel thảo luận trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels vào thứ Sáu . Ảnh: Stephanie Lecocq / Pool / Reuters

Lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu đang nhóm họp trong hai ngày 17-18/7 để thảo luận về ngân sách của khối trong giai đoạn 7 năm tới (từ năm 2021 - 2027), trong đó có kế hoạch xây dựng quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ Euro nhằm giải quyết hậu quả kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Ngày họp đầu tiên tại Brussels, Bỉ vừa kết thúc, mà không đạt tiến triển cụ thể nào về kế hoạch phục hồi quy mô trị giá 750 tỷ Euro. Bất đồng giữa các nước thành viên có thể khiến chương trình nghị sự hội nghị bị đổ vỡ.

Nhóm 4 nước Bắc Âu gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển có quan điểm tài chính bảo thủ, đề xuất việc sử dụng quỹ phục hồi để hỗ trợ các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 phải được thực hiện bằng các khoản vay kèm theo các điều kiện chặt chẽ về cải cách kinh tế, thay vì theo hình thức tài trợ.

Tuy nhiên, các nước Nam Âu như Italy và Tây Ban Nha - những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra và đều cần hỗ trợ về mặt tài chính thì lại phản đối đề xuất được xem là “ngặt nghèo” này.

Những bất đồng này đã khiến Thủ tướng Đức Merkel - nước Chủ tịch Liên minh châu Âu phải thừa nhận các bên có thể sẽ không đạt được thỏa thuận tại hội nghị này hoặc hội nghị có thể kéo dài hơn so với kế hoạch để hướng đến một thỏa thuận có lợi cho tất cả các nước.

Thủ tướng Đức Merkel cho biết: “Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về các đề xuất khôi phục quỹ của Liên minh châu Âu và làm thế nào để đạt được một nền tảng chung về vấn đề này. Quan điểm giữa các nước vẫn còn nhiều bất đồng. Tôi không biết liệu chúng ta có thể đạt được một giải pháp hay không nhưng tôi xin khẳng định thỏa thuận này sẽ tốt cho cả châu Âu”.

Các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ dài và khó khăn. Hội nghị thượng đỉnh bất thường dự kiến sẽ kéo dài 2 hoặc thậm chí là 3 ngày và có thể chưa phải là thượng đỉnh cuối cùng về ngân sách dài hạn.

Mỹ bị tố 'chơi xấu' Huawei

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: SCMP

Ngày thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo Mỹ sẽ hạn chế visa đối với nhân viên của các hãng công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Phát biểu trước phóng viên tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao hôm 15/7, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ “sẽ áp đặt hạn chế visa đối với một số nhân viên nhất định… của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei ”.

Trong cuộc phỏng vấn sau đó với The Hill, ông Pompeo bổ sung Mỹ đang tìm cách hạn chế một số hãng công nghệ Trung Quốc khác. “Dù đó là TikTok hay bất kỳ nền tảng, ứng dụng, cơ sở hạ tầng Trung Quốc nào khác, chính quyền sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu bảo vệ người Mỹ trước việc thông tin của họ nằm trong tay Trung Quốc”, ông nói.

Ngay sau hành động trên từ Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên án việc Mỹ hối thúc các đồng minh, gồm Anh, “cấm cửa” tập đoàn viễn thông Huawei là “chiêu xấu, chơi xấu”.

“Mỹ đã bôi nhọ và tấn công một công ty Trung Quốc bằng cách sử dụng tài nguyên quốc gia của mình, nhân danh cái gọi là an ninh quốc gia”, bà chỉ trích. “Có một thực tế là cơ quan tình báo Mỹ trong một thời gian dài đã thực hiện các hoạt động gián điệp và giám sát bất hợp pháp đối với hầu hết chính phủ nước ngoài, bao gồm các đồng minh của họ mà giờ họ đi tố cáo ngược lại công ty Trung Quốc".

Bà cũng nói rằng việc Mỹ hạn chế thị thực cho thấy hành động phân biệt trắng trợn của Mỹ. Theo bà, nước này sẽ không hạn chế thị thực với ông Pompeo nếu Washington có thiện chí rút toàn bộ những lệnh trừng phạt áp đặt lên Huawei.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tin-tuc-the-gioi-ngay-18-7-thu-phu-tan-cuong-bat-ngo-bi-phong-toa-post86860.html