Tin tưởng môi trường đầu tư, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố kết quả Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022 tại Việt Nam…
Jetro đã khảo sát 1.816 doanh nghiệp Nhật Bản có đầu tư vào Việt Nam, trong đó hơn 600 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, kết quả cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5,2 điểm so với năm trước. Trong khi đó, doanh nghiệp bị lỗ giảm 7,8 điểm xuống 20,8%.
Dù tăng 5,2 điểm song theo Jetro, tỷ lệ doanh nghiệp có lại tại Việt Nam so với ASEAN cũng như toàn khu vực châu Á, châu Đại Dương là tương đối thấp (lần lượt ở mức 65,6% và 63,5%).
Đáng chú ý, số doanh nghiệp Nhật Bản trả lời có lợi nhuận cải thiện so với năm 2021 tăng hơn 16,2 điểm lên 47,6% trong khi trả lời suy giảm lại giảm 14 điểm so với năm trước xuống mức 22,6%.
Điều đáng mừng, dù kinh tế năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh cải thiện vẫn đạt 53,6%, và tỷ lệ doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận chỉ là 6,9%.
Về phương hướng kinh doanh trong 1-2 năm tới, có 60% số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và chỉ 1,1% cho biết sẽ thu hẹp hoặc chuyển sang nước thứ 3. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá, thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu.
Cũng có 56,5% các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được khảo sát dự định xem xét lại chuỗi cung ứng và hệ thống thu mua. Cụ thể là xem xét thúc đẩy mức độ thu mua nội địa hóa tại Việt Nam cao hơn để ứng phó với rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuyển điểm thu mua từ Trung Quốc, Nhật Bản sang Việt Nam. Cùng với dự định dịch chuyển này, doanh nghiệp Nhật Bản cũng tiếp tục tăng cường đầu tư cho thiết bị, thúc đẩy tự động hóa, số hóa nhằm tiết kiệm nhân lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất…
Theo nhiều doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát, môi trường kinh doanh của Việt Nam có khả năng tăng trưởng nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức về thủ tục hành chính chưa hiệu quả, chính sách và quy định trong đầu tư nước ngoài chưa hoàn thiện…
“Với những kết quả cụ thể này, có thể thấy, doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về việc có nhiều lãng phí về thời gian và chi phí cho các thủ tục kinh doanh và đầu tư mới. JETRO tiếp tục cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy thực hiện hiệu quả hơn các thủ tục hành chính, cũng như chúng tôi góp phần hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính”, Jetro nhận xét.