Tin tưởng vào trẻ em để hướng tới tương lai

Trong suốt chiều dài lịch sử, xã hội loài người luôn chuyển động và thay đổi. Là một giống loài dễ dàng thích nghi với biến động do sự giao thoa và va chạm giữa những nhân tố khác biệt, học tập dường như đã trở thành bản năng của con người. Con người không chỉ học từ môi trường thân quen với các nhân tố tương đồng mà còn học từ các tác động bên ngoài, và bản năng này tồn tại từ khi chúng ta còn thơ bé.

John Holt (1923 - 1985), nhà giáo dục hiện đại của nước Mỹ, người đi đầu trong thông điệp tin tưởng vào trẻ em, đã khẳng định rằng: "Một đứa trẻ không có mong muốn nào mạnh mẽ hơn mong muốn hiểu thế giới", nhưng ông cũng bàn thêm rằng mỗi đứa trẻ có một cách học hỏi và khám phá thế giới của riêng mình, và không phải lúc nào người lớn cũng có thể thấu hiểu hay tin tưởng cách trẻ em tự học.

John Holt, nhà giáo dục người Mỹ thế kỷ 20

John Holt, nhà giáo dục người Mỹ thế kỷ 20

Tương lai luôn đến từ giao thoa của cũ và mới

Trong các xã hội thổ dân biệt lập trên đảo hoặc ở vùng xa xôi hẻo lánh, các cư dân rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, các yếu tố truyền thống được bảo lưu, tại đó, những đứa trẻ học hỏi từ những người lớn trong cộng đồng quen thuộc. Khi các yếu tố dị biệt xuất hiện, không chỉ những đứa trẻ ngỡ ngàng mà ngay cả người lớn cũng có phần sợ hãi, thậm chí đến mức phản kháng. Những đứa trẻ có xu hướng khám phá điều dị biệt luôn gây e ngại cho cộng đồng cố hữu vốn quen với trật tự cũ hơn so với những đứa trẻ chấp nhận tuân thủ theo kinh nghiệm từ cộng đồng, và dẫn đến sự mâu thuẫn giữa cũ và mới.

Nhưng, lịch sử tất yếu sẽ chuyển dịch dần về phía cái mới, quá trình chuyển dịch này tạo nên tương lai của một xã hội. Sự e ngại cái mới đến từ nỗi sợ bị cái mới triệt tiêu, nhưng trớ trêu thay, cái cũ lại thường bị suy thoái bởi thủ cựu chứ không phải bởi đổi mới, vì chính đổi mới là cách tốt nhất để cái cũ chuyển động cùng nhịp sống. Do đó, chấp nhận những đứa trẻ khám phá thế giới mới mẻ từng ngày là cách để xã hội thực sự sống động.

Khác với các nhà giáo dục mô phạm thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản, những nhà giáo dục và nhà tư tưởng về giáo dục đầu thế kỷ 20 đã sớm nhận ra rằng các kinh nghiệm cũ dường như không theo kịp thế giới ngày một biến động nhiều hơn với các nhân tố mới đa dạng hơn. Sự phát triển nhanh chóng của các phương thức giao thông và viễn thông đã đưa con người xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, các nền văn minh giao thoa với nhau bằng tốc độ chóng mặt, tần suất xuất hiện của cái mới gia tăng liên tục… đã khiến cho việc học theo các khuôn mẫu định sẵn vốn từng được cho là tối ưu để tạo ra con người tiến bộ bỗng trở nên xộc xệch. Những đứa trẻ, bằng sự nhạy cảm vốn có, ấy vậy mà lại tìm được cách học hỏi và khám phá tốt hơn so với thế hệ đi trước chúng, đúng như John Holt đã rút ra kết luận sau rất nhiều năm theo dõi cách trẻ tự học: những đứa trẻ ít tuổi hơn thì học hỏi tốt hơn so với đứa lớn, và hơn hẳn so với người trưởng thành.

Khi các nhà giáo dục thế kỷ 20 như Rudolf Steiner, Maria Montessori và John Holt theo dõi trẻ học tập, họ nhận ra rằng mỗi đứa trẻ có một thiên tính và thiên hướng riêng trong học hỏi, và chỉ khi chúng được học theo thiên tính cũng như thiên hướng của mình thì chúng mới phát huy được hết năng lực. Cả ba nhà giáo dục lớn này đã sớm phát triển phương pháp giáo dục riêng, đồng thời tổ chức thực nghiệm trong môi trường sống bấy giờ, và đến nay, các phương pháp cũng như tư tưởng của ba nhà giáo dục dần dần đã được du nhập vào Việt Nam và ứng dụng tại một số trường học và nhóm cộng đồng. Maria Montessori đi đầu trong xu hướng để trẻ học lẫn nhau và học qua thực hành, Rudolf Steiner khuyến khích trẻ tưởng tượng và hòa mình vào thiên nhiên, còn John Holt chọn một cách tiếp cận khác: để trẻ tự khám phá và tự phát hiện những sai lầm của mình cho đến khi tìm ra con đường đúng. Dù khác biệt trong phương pháp tiếp cận trẻ, song họ đều đồng thuận với nhau rằng cần tin tưởng hơn ở trẻ để trẻ có thể phát huy toàn bộ năng lực học hỏi và sáng tạo của cá nhân.

"Trẻ em khó học thế nào" và "Trẻ em học như thế nào" của John Holt

"Trẻ em khó học thế nào" và "Trẻ em học như thế nào" của John Holt

Tin tưởng để hiểu, hiểu để tin tưởng

Mặc dù các nhà giáo dục hiện đại nhấn mạnh về tính tự chủ ở trẻ em một cách đầy cảm hứng nhưng sự khác biệt, đôi khi là phản ứng bất thường, sở thích có vẻ kỳ quái ở trẻ em vẫn luôn khiến người lớn lo ngại. Giữa diễn ngôn và hiện thực có một khoảng cách xa, khi người lớn dè chừng khả năng những đứa trẻ non nớt thiếu kinh nghiệm sẽ nghịch phá, tiếp cận những điều cần phải bị cấm đoán, hay sẽ bị phân tâm vào vui chơi hơn là học hành để chuẩn bị cho thành công trong tương lai. Sự lo ngại này thường đến từ khoảng cách giữa người lớn và trẻ nhỏ được hình thành do thiếu thấu hiểu lẫn nhau. John Holt trong quá trình tiếp xúc và giảng dạy trẻ nhỏ đã nhận ra rằng trẻ con rất nỗ lực để hiểu người lớn, nhưng người lớn lại quá bận rộn để "làm người lớn" tới mức tự nhốt mình trong khuôn mẫu của người lớn, do đó, dần dần trẻ không thể hiểu họ. Từ phía người lớn, sự tự đóng khung bản thân theo khuôn mẫu cũng khiến họ mong muốn biến những đứa trẻ trở thành khuôn mẫu giống mình và chọn lựa quyết định gò ép thay vì hiểu cách tư duy của trẻ. Cứ thế, từ hai phía, khoảng cách ngày càng lớn, cho đến khi những đứa trẻ trở thành sinh vật bí ẩn mà người lớn dường như thấy khó hiểu tới mức phải viện tới các nhà tâm lý học trẻ em.

John Holt, trong các tác phẩm của mình về cách trẻ em học và những điều gây cản trở việc học của trẻ liên tục nhấn mạnh rằng việc hiểu trẻ không hề khó đến thế. Ông cho rằng đôi khi các kết quả được đúc rút từ phương pháp nghiên cứu tâm lý học lại không cho kết quả chính xác bằng quan sát thường xuyên hành vi và trạng thái của trẻ ngay trong đời sống. Lý do ông đưa ra là khi các nhà nghiên cứu tâm lý học khảo sát trẻ thì trẻ đang không trong trạng thái tự nhiên, vì vậy kết quả thu thập được là thiếu chính xác. Trong quá trình quan sát trẻ, người lớn sẽ ngạc nhiên vì sự bền bỉ của trẻ trong học hỏi và khám phá. Chúng không dễ dàng gì chấp nhận giải pháp hoặc hướng dẫn từ người lớn cho nên thường thiếu tập trung khi bị gò ép theo lời giải sẵn, nhưng lại bền bỉ thử sai hết lần này đến lần khác và chỉ đến khi thực sự nhận ra rằng phương thức của mình chưa đủ để giải quyết một vấn đề, chúng mới tự nguyện chấp nhận giải pháp được đưa ra từ người lớn hơn có kinh nghiệm tốt hơn. Thực tế là, thông qua quá trình thử sai, trẻ em học được nhiều hơn so với việc ngay lập tức chấp nhận sự chỉ dẫn từ người lớn, bởi vì chúng không chỉ học được kiến thức hay kinh nghiệm, chúng còn học được cách học.

Cho phép đứa trẻ được thử sai đòi hỏi ở người lớn rất nhiều nỗ lực mà tiền đề cho sự nỗ lực ấy đến từ sự tin tưởng: tin tưởng rằng mỗi đứa trẻ đều hướng tới sự tốt đẹp, tin tưởng vào bản năng học hỏi và khám phá không ngừng của chúng, và tin tưởng rằng chúng có đủ năng lực lý trí để đưa ra quyết định đúng. Sau sự tin tưởng ấy là tâm huyết, với quá trình quan sát liên tục, luôn sẵn sàng để giúp đỡ khi đứa trẻ cần, luôn ghi nhận thành quả mà đứa trẻ đạt được khi chúng tự giải quyết vấn đề chứ không phải chỉ ghi nhận điểm số hay bằng cấp mà chúng có được từ sự công nhận bên ngoài, và quan trọng hơn thế, nhận thức được rằng học cách học còn quan trọng hơn học kiến thức, bởi kiến thức là vô biên và không ngừng đổi mới.

Học cách học hay nói một cách khác là khuyến khích tinh thần tự chủ tự học, ở xã hội đương đại ngày nay, không chỉ cần thiết với trẻ mà còn với cả người trưởng thành. Xã hội đương đại với lượng kiến thức khổng lồ và đặc tính công việc nhanh chóng thay đổi, bản năng học hỏi và khám phá nhanh nhạy trở thành ưu thế vượt trội của mỗi công dân. Cuốn sách nghiên cứu về khía cạnh kinh tế của học tập có tên "Xây dựng xã hội học tập - Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ" (tác giả Joseph E. Stiglitz, Bruce C. Greenwald, NXB Chính trị quốc gia) đã chứng minh rằng các quốc gia và các doanh nghiệp kích thích năng lực tự chủ tự học ở mỗi cá nhân thì quốc gia và doanh nghiệp ấy hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Sớm ý thức được điều này, các quốc gia và doanh nghiệp hướng tới sự tiến bộ không ngừng như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ… luôn coi năng lực học hỏi và khám phá là tố chất không thể thiếu của mỗi công dân hay nhân viên. Và vì thế, học cách học trở thành cốt lõi của quá trình giáo dục trong gia đình, học đường và xã hội.

Hà Thủy Nguyên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/tin-tuong-vao-tre-em-de-huong-toi-tuong-lai-i669987/