Tin tưởng Việt Nam xây dựng quốc gia phồn vinh và hạnh phúc
Theo TTXVN, trong bài viết 'Việt Nam nở hoa hạnh phúc' đăng trên báo Trybuna của Ba Lan, tác giả P.Gát-di-nốp-xki đánh giá sự kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà cho toàn bộ khu vực Đông - Nam Á.
Theo TTXVN, trong bài viết "Việt Nam nở hoa hạnh phúc" đăng trên báo Trybuna của Ba Lan, tác giả P.Gát-di-nốp-xki đánh giá sự kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Việt Nam, mà cho toàn bộ khu vực Đông - Nam Á.
Tác giả bài viết bày tỏ ấn tượng với chương trình chiến lược dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng "quốc gia phồn vinh và hạnh phúc" với hai giai đoạn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân Việt Nam. Tác giả bài viết cho rằng đây là một kế hoạch đầy tham vọng, nhưng người Việt Nam đã chứng minh rằng họ có thể đạt được những thành quả kinh tế vĩ mô ấn tượng. Điều này đặc biệt đúng kể từ năm 1986, khi Đảng Cộng sản Việt Nam phát động chính sách Đổi mới. Bài viết nhấn mạnh nhờ chính sách kinh tế - xã hội nhất quán và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
* Chúc mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiệp hội Hữu nghị Ca-na-đa - Việt Nam (CVFS) tổ chức hội thảo trực tuyến với tiêu đề "Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam", thu hút sự tham gia của đông đảo bạn bè Ca-na-đa, các học giả từ Anh, Mỹ và Ác-hen-ti-na. Hội thảo nhấn mạnh Đại hội lần này chứng kiến Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trên bản đồ thế giới trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị - xã hội của Việt Nam ổn định, nền quốc phòng, an ninh được bảo đảm, độc lập, chủ quyền được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bạn bè Ca-na-đa bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch.
* Theo kết quả cuộc khảo sát trực tuyến được hãng tin Kyodo công bố ngày 7-2, hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Ấn Độ có kế hoạch mở rộng hoạt động tại nước sở tại. Riêng tại Việt Nam, 57% công ty được khảo sát cho biết, đã hoặc sẽ mở rộng văn phòng. Cuộc khảo sát được thực hiện tại 11 nền kinh tế.