Tin tưởng với tầm nhìn mới về văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến

70 năm nhìn lại có thể tự hào văn hóa Thủ đô Hà Nội có bước đổi mới rất cơ bản, đã có vị trí mới trong phát triển bền vững.

Trang sử mới đã tác động toàn diện, sâu sắc đến sự phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 70 năm qua. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trang sử mới đã tác động toàn diện, sâu sắc đến sự phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 70 năm qua. Ảnh: VGP/Minh Anh

Thời gian 70 năm không phải quá dài đối với văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng với nhận thức về văn hóa nói chung và văn hóa Thủ đô Hà Nội nói riêng có bước đổi mới rất cơ bản từ Trung ương đến các địa phương.

Hơn nửa thế kỷ qua là thời gian mà Việt Nam đã và đang mở ra trang sử mới sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt ách đô hộ gần thế kỷ của thực dân Pháp, lập lại hòa bình thực sự ở miền Bắc Việt Nam; hơn hai mươi năm sau là sự kiện Thống nhất non sông, để rồi Đổi mới và phát triển thần kỳ. Tất cả điều đó tác động toàn diện, sâu sắc đến sự phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, trước, trong và sau kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là dịp văn hóa được Thủ đô đặc biệt quan tâm với những thành tựu đáng ghi nhận.

Đánh giá của một cá nhân về văn hóa của một thời kỳ sôi động như nửa thế kỷ qua, nhìn từ các góc độ khác nhau, các chuyên gia có thể có những đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Dựa trên công cụ và nội dung đánh giá cùng với tiêu chí, thước đo cụ thể thông qua nghiên cứu cá nhân, tôi cho rằng, 70 năm nhìn lại có thể tự hào văn hóa Thủ đô Hà Nội có bước đổi mới rất cơ bản, đã có vị trí mới trong phát triển bền vững.

Những ghi nhận chặng đường văn hóa qua từng thời kỳ

Nói về thành tựu đặc biệt của văn hóa thời chống Mỹ, cứu nước Hà Nội, chúng tôi nhấn mạnh sự đánh giá khái quát và khách quan của người nước ngoài: Hà Nội, lương tri phẩm giá con người như một thành tựu đặc biệt của văn hóa Thủ đô thời kỳ này. Thành tựu có được là do toàn quân, toàn dân Hà Nội kế thừa xuất sắc truyền thống giữ nước của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, sự kết tinh và lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người trong xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là chiến thắng "Điện Biên phủ" trên bầu trời Hà Nội. Sự kiên cường, dũng cảm, thông minh, sáng tạo của người Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại; Sự sẻ chia, tình nguyện không sợ gian khổ hy sinh, tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Huế, Sài Gòn là dấu ấn sâu sắc của một thời văn hóa con người Thủ đô. Lạc quan, yêu cuộc sống dẫu còn muôn vàn khó khăn đó là những thành quả lớn lao của thời kỳ này có sự góp phần to lớn của văn hóa Thủ đô.

Văn hóa nghệ thuật với nhiệm vụ lúc đó là cổ động, tuyên truyền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam, đồng thời cũng góp cho kho tàng văn hóa, nghệ thuật Thủ đô phong phú và đặc sắc hơn, nhất là âm nhạc, hội họa, sân khấu. Có lẽ không có địa phương nào có nhiều ca khúc hay như ở Hà Nội. Những tác phẩm hội họa, sân khấu mang nội dung tư tưởng có tính mở đường cho sự phát triển trong tương lai.

Văn hóa Thủ đô Hà Nội thời kỳ trước Đổi mới (1975 - 1986) đánh giá dựa trên thành tích từng mặt hoạt động, từng mặt "công tác văn hóa" đều xứng đáng là trung tâm của cả nước, là đi đầu, tiên phong trong các phong trào thi đua và đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với các thành tích đó chúng ta vẫn khó hình dung văn hóa Thủ đô Hà Nội thời kỳ này phát triển như thế nào. Chúng tôi xin phép đánh giá dưới cách nhìn bao quát hơn, bản chất hơn về văn hóa Thủ đô Hà Nội thời kỳ trước Đổi mới (1975 - 1986). Nhận thức về văn hóa Thủ đô Hà Nội đúng đắn nhưng chưa toàn diện, bị hạn chế bởi cách nhìn cũ, tư duy cũ về văn hóa, về chức năng, nhiệm vụ của văn hóa. Bởi thế, các hoạt động phong trào dẫu có phát triển mạnh hơn cả về số lượng, chất lượng nhưng ấn tượng sâu sắc không hơn giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Văn hóa người Hà Nội thanh lịch chưa được quan tâm đúng tầm của thời kỳ đất nước đã thống nhất, hòa bình. Định hướng văn hóa thiên về bề nổi, thiếu chiều sâu nên các giá trị văn hóa ít được nhắc đến.

Thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), nhìn tổng thể chúng ta có thể thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa Thủ đô Hà Nội đã có bước tiến dài so với thời kỳ trước Đổi mới, mặc dù nếu xét hình thức thì vị trí trung tâm, vai trò tiên phong của văn hóa Thủ đô Hà Nội vẫn không có gì thay đổi. Vấn đề là nhận thức văn hóa Thủ đô hun đúc nên giá trị, cốt cách con người Thủ đô ngàn năm văn hiến, văn hóa trong phát triển bền vững…trong quy hoạch và xây dựng, trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, quán triệt mục tiêu của Đảng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…đã được nâng lên ở tầm cao mới, có khả năng đáp ứng yêu cầu sự nghiệp Đổi mới trong giai đoạn mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trước một thế giới nhiều cơ hội mà cũng không ít thách thức khó lường.

Di sản Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của người dân Hà Nội và du khách. Ảnh: VGP

Di sản Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của người dân Hà Nội và du khách. Ảnh: VGP

Văn hóa Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa cả nước

Về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, chúng tôi đánh giá cao thành tựu này của văn hóa Hà Nội không phải số lượng việc đã làm mà là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Hà Nội đã trùng tu, chống xuống cấp hàng trăm di sản vật thể là đình, chùa, đền, miếu …trong đó có những ngôi chùa cổ kính như chùa Một Cột, chùa Liên Phái, chùa Kim Liên, chùa Vua, chùa Hương, đình Tây Đằng, đình Bạch Trữ…nhất là Văn Miếu - Quốc Tử giám với việc xây dựng mới khu Thái học trên cơ sở nhận thức mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nhiều năm nay, sau khi xây khu Thái học, Trung tâm văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn minh chứng sinh động cho nhận thức "văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu nộp ngân sách vài chục tỷ đồng, là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại. Di tich Nhà tù Hỏa Lò hằng năm đổi mới sản phẩm du lịch cũng thu hàng chục tỷ đồng. Hiện giờ Hoàng Thành Thăng Long cũng đang có những bước đi đúng đắn theo nhận thức này.

Phố đi bộ và những trải nghiệm đêm Hà Nội đã làm cho Hà Nội sinh động và phong phú. Hà Nội không chỉ có "ăn tối rối nước" mà còn nhiều hơn thế, đó là đời sống hơn một nửa của con người là thời gian rảnh rỗi. Văn hóa phải "lấp đầy" một cách thú vị cho thời gian này để con người, nhất là giới trẻ không bị lâm vào thế"bế tắc" khi thiếu điều kiện vui chơi, giải trí. Chủ trương này được cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng minh chứng cho sự đổi mới đúng đắn và hiệu quả về nhận thức và hành động của văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là sự kế thừa và phát huy có hiệu quả những cố gắng của giai đoạn trước, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đồng thời đưa ra những giải pháp mới đồng bộ và hiệu quả. Ban hành hai bộ quy tắc ứng xử văn hóa thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội, góp phần thiết thức, cụ thể trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ thị của thành ủy số 30/CT-TU ngày 19/2/2024 khẳng định quyết tâm cao của Hà Nội về vấn đề có tính chiến lược này. Việc xây dựng con người và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội được quan tâm và có kết quả tích cực trong nhận thức và hành động được coi là một thành tựu.

Văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên cũng có những tiến bộ đáng ghi nhận. Việc kè cạp ổn định xung quanh hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét…cùng với việc trồng cây bóng mát và cây cảnh quan với đèn chiếu sáng đô thị thực sự góp phần làm cho Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn. Những đường cây nở hoa của Hội phụ nữ, những con đường tự quản của những tổ chức tự nguyện làm sạch môi trường tuy chưa khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nhưng cũng đánh dấu nhận thức về văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên của cả cộng đồng. Mặc dù còn quá nhiều việc phải làm nhưng kết quả bước đầu trong nhận thức và hành động với môi trường thiên nhiên ghi nhận tiến bộ của văn hóa Hà Nội.

Văn hóa đọc được quan tâm với nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Tủ sách Thăng Long với hàng trăm nhà khoa học tham gia, với hàng trăm đầu sách có giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến được nhà xuất bản Hà Nội xuất bản, Bộ Bách Khoa Thư Hà Nội được nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản khẳng định sự đóng góp lớn của trí thức Thủ đô và cả nước, là thành tựu văn hóa Hà Nội trong Đổi mới.

Văn hóa nghệ thuật Hà Nội thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội. Những vở diễn như "Tôi và chúng ta", "Nàng Sita", những phim truyền hình nhiều tập "Người phán xử"…và nhiều tác phẩm khác được đông đảo khán giả hâm mộ bởi những tài năng xuất chúng của nghệ sĩ Thủ đô: NSND Hoàng Dũng, NSND Quốc Chiêm, NSND Thu Hà, NSND Minh Hòa, NSND Trung Hiếu…Không chỉ khẳng định vị trí văn hóa nghệ thuật hàng đầu của văn hóa Hà Nội mà còn khẳng định văn hóa nhận thức, văn hóa tư tưởng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa nghệ thuật Thủ đô Hà Nội góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời là minh chứng sinh động trong thực tiễn về quan điểm văn hóa là động lực thú đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Điểm một vài thành tựu cơ bản của văn hóa Thủ đô Hà Nội thời kỳ Đổi mới (1986 - 2024) chúng ta có thể đánh giá Văn hóa Thủ đô Hà Nội có tiến bộ về chất cả trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn. Chính điều đó đã tạo ra những thành tựu đáng ghi nhận như đã nêu ở trên, đồng thời còn cho phép chúng ta tin tưởng vào những thành tựu lớn hơn trong thời gian tới. Những khuyết điểm, yếu kém sẽ được khắc phục, làm cho Văn hóa Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa cả nước.

Văn hóa của Hà Nội phải là văn hóa của tương lai, của hòa bình thịnh vượng và phát triển. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Văn hóa của Hà Nội phải là văn hóa của tương lai, của hòa bình thịnh vượng và phát triển. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Văn hóa Thủ đô Hà Nội với Tầm nhìn mới

Với sự quan tâm của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước, cùng sự phấn đấu không ngừng nghỉ của nhân dân Hà Nội, Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc trong quá trình đổi mới. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã thực sự là nền tảng, là sức mạnh nội sinh cho quá trình phát triển đó. Bảy mươi năm nhìn lại để thấy tự hào và tin tưởng với tầm nhìn mới về văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Trong chiến tranh, thế giới khâm phục đề cao Hà Nội là Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Đảng và Nhà nước tôn vinh Thủ đô Anh Hùng. Trong đổi mới mở cửa và hội nhập Hà Nội được vinh danh là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Điều đó cho phép chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai không xa Hà Nội sẽ là một trong những thành phố đáng sống của hành tinh này. Đáng sống vì ở đó có những con người thanh lịch văn minh. Đáng sống vì có một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, độc đáo về hình thức, phong phú và sâu sắc về nội dung, tạo nên sức hút kỳ diệu cho lãnh đạo các quốc gia và du khách quốc tế.

Văn hóa của Hà Nội phải là văn hóa của tương lai, của hòa bình thịnh vượng và phát triển có thêm nhiều giá trị mới bổ sung vảo kho tàng khổng lồ giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến.

Để tiếp tục phát huy giá trị của văn hóa với tầm nhìn đúng về vai trò của lĩnh vực này trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, tôi cho rằng, bước đi tiếp theo cần thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, thành phố tiếp tục triển khai sâu sắc hơn, hiệu quả thực chất hơn chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, thích ứng tốt nhất cho kỷ nguyên số, kỷ nguyên sáng tạo; Triển khai có hiệu quả chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, trong đó có việc cụ thể: xây dựng đền thờ Đức Vương Ngô Quyền ở Cổ Loa, Điện Kính thiên trong Hoàng Thành. Triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn chương trình phát triển công nghiệp văn hóa.

Phê duyệt và triển khai Quy hoạch Hà Nội đặc biệt quan tâm yếu tố văn hóa như là chìa khóa để khắc phục yếu kém cũ, động lực phát triển mới.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ văn hóa Thủ đô, đồng thời khai thác có hiệu quả đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo của Hà Nội và trung ương trên địa bàn Hà Nội góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm là trung tâm văn hóa của một Việt Nam phát triển vào năm 2045.

Khai thác tốt nhất những điều khoản đặc thù trong Luật Thủ đô nhằm giữ gìn và phát huy cao độ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến trong thời kỳ mới.

Đầu tư bài bản, tập trung mọi nguồn lực lãnh đạo, chỉ đạo, trí tuệ và kinh phí cho việc xây dựng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể xứng tầm Thủ đô của thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ mới phát triển rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.

TS. Nguyễn Viết Chức

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tin-tuong-voi-tam-nhin-moi-ve-van-hoa-thang-long-ha-noi-ngan-nam-van-hien-102241008124546296.htm