'Tin vào đánh giá công tâm của đại biểu và bản lĩnh người được lấy phiếu tín nhiệm'
Chiều 25/10, trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu kỳ vọng sẽ có sự chuyển động trong từng ngành, lĩnh vực sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh lãnh đạo cấp cao.
Áp lực nhưng cũng là động lực
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm là dịp các chức danh lãnh đạo nhìn lại, để từ đó nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân.
“Tôi mong các cán bộ cấp cao được lấy phiếu, đặc biệt các trưởng ngành tiếp tục nhìn về phía trước, thúc đẩy ngành, lĩnh vực mình đi lên", ông Đỗ Chí Nghĩa kỳ vọng.
Đại biểu đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục dẫn chứng, thực tế kỳ lấy phiếu trước đây, có những bộ trưởng lúc đầu phiếu nhận được thấp, nhưng đến lần sau, phiếu lại cao hơn do đã nhìn rõ những vướng mắc của mình và có sự thay đổi.
Ông Đỗ Chí Nghĩa cũng phân tích rằng, có những lĩnh vực sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân rất lớn, như giáo dục và đào tạo hay văn hóa, cần nguồn lực lớn, tháo gỡ cơ chế. Mặt khác, những tồn tại trong ngành cũng cần phải có thời gian để khắc phục, song quan trọng là chúng ta thấy được sự cầu thị, nỗ lực, lắng nghe của người đứng đầu ngành.
ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, việc đánh giá mức độ tín nhiệm lần này cũng chỉ là một bước, vào một thời điểm nhất định, và còn rất nhiều dư địa trong tương lai để phát triển tiếp.
"Những thông số này với định lượng rất cụ thể sẽ tạo áp lực với các bộ trưởng, trưởng ngành, nhưng cũng là động lực, tôi tin vào đánh giá công tâm của đại biểu và bản lĩnh của người được lấy phiếu", ông Nghĩa nêu.
Đại biểu đoàn Phú Yên cũng khẳng định, lần bỏ phiếu này chỉ có ý nghĩa khi sau bỏ phiếu, đất nước ta tiếp tục phát triển và chúng ta có đội ngũ cán bộ lãnh đạo dạn dày hơn, trách nhiệm hơn, yên tâm hơn vững bước trên nền tảng khó khăn hôm nay, tạo ra sự chuyển động của các ngành, lĩnh vực.
ĐBQH tỉnh Phú Yên cũng nhận định rằng, sẽ có những đánh giá không phải bằng con số, không phải bằng việc lấy phiếu, mà quan trọng là đánh giá trong lòng cử tri và nhân dân.
Giải quyết tồn tại, hạn chế không phải ngày một, ngày hai
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đánh giá, các ĐBQH đã rất công tâm, khách quan và điều này thể hiện ở kết quả cụ thể.
Với một số trường hợp có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm cao" thấp hơn, đại biểu nhận định, trước khi tiến hành lấy phiếu, các "tư lệnh" ngành phụ trách các lĩnh vực khá nhạy cảm, phức tạp, có nhiều vấn đề "nóng" chắc cũng đã hình dung được một phần nào kết quả, và "đó cũng là điều tất nhiên".
Bà Thúy cũng cho rằng, những lĩnh vực khó, nhạy cảm, phức tạp thì việc giải quyết tồn tại, hạn chế không phải ngày một, ngày hai, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng rộng rãi đến đời sống và nhiều đối tượng.
“Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là dịp để họ "tự soi", "tự sửa", nhìn nhận những vấn đề gì là đúng, nên đổi mới", ĐBQH Thúy cho hay.
Trong khi đó, ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nêu quan điểm, đối với những chức danh nhận nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" thì không còn cách nào khác là khắc phục những khó khăn, hạn chế của ngành mình, vì từng ngành một có những vấn đề phức tạp, hạn chế riêng. Do vậy, cần khắc phục để thực hiện chức năng, vai trò của mình được Đảng, Nhà nước giao tốt hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn.
Ông Cừ cũng tin tưởng, qua đợt lấy phiếu này, các bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu "tín nhiệm cao" và phiếu "tín nhiệm" còn thấp sẽ nỗ lực nhiều hơn, nâng hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mình lên một bước, tạo ra sự chuyển động tích cực trong toàn ngành.