Tình anh em

Khi người anh trai mệt mỏi thiếp đi trên giường bệnh, ông lặng lẽ ra ngồi nghỉ ở chiếc ghế ngoài sân. Nhìn hai đứa cháu họ đang chạy nhảy, ông chợt nhớ về những năm tháng xa xưa. Cả nước hồi ấy vô cùng khó khăn, nhiều gia đình là công nhân, viên chức ở thành phố cũng 'bữa đói, bữa no'.

Văn hóa và Đạo đức

Ở thời điểm đó, với nhiều người, được đi xuất khẩu lao động ở các nước Ðông Âu là cả một giấc mơ, giúp cứu vãn kinh tế gia đình. Ông nằm trong số những thanh niên được đi lao động ở CHDC Ðức theo suất của nhà máy nơi bố, mẹ làm việc. Sau mấy năm, khi hai nước Ðức thống nhất, ông tiếp tục ở lại làm việc và bước chân vào kinh doanh với một cửa hàng lớn ở trung tâm thương mại của người Việt. Thời gian cứ thế trôi đi, công việc bận rộn, ông cũng ít có điều kiện để về nước. Lần này, ông vội vàng về thăm nhà vì nghe đứa cháu gọi sang báo anh trai bị đột quỵ, khó qua khỏi.

Ông còn nhớ, ngày nhận được thông báo của cơ quan có một suất cho con đi xuất khẩu lao động, bố mẹ ông đã vô cùng băn khoăn, không biết để anh đi hay em đi, cứ lấn cấn mãi mà không quyết định được. Cả hai anh em đều nhường cho nhau khiến bố mẹ càng thêm khó nghĩ. Ðến một ngày, người anh gọi em ra sân, lấy một đồng xu năm hào cũ, hình tròn, có một vết mẻ lớn ở mép, bảo: "Anh nói với bố mẹ rồi. Thôi thế này, anh và em chơi trò tung xu, ai may mắn trúng thì đi. Ai không trúng ở nhà chăm bố mẹ. Người đi cố gắng làm ăn, nếu có thể thì làm lụng tiếp tế cho gia đình. Ðây là đồng xu, anh đã mài phẳng một mặt. Nếu mặt mài phẳng ngửa lên thì em đi, nếu mặt có chữ ngửa lên, anh đi". Nghe anh nói vậy, ông đồng ý. Anh ông tung đồng xu lên rồi xòe tay ra hứng. Ðồng xu rơi xuống, nằm gọn trong lòng bàn tay anh ông. Mặt mài phẳng ngửa lên. Vậy là ông lên đường sang Ðức.

Giờ đây, ông cũng đã già, còn anh trai ông, sau bao vất vả trong cuộc đời, giờ phải chiến đấu với bệnh tật phía sau cánh cửa kia, không biết có qua khỏi không...

Đang mải mê với những ký ức, ông bỗng bừng tỉnh, dứt khỏi dòng suy nghĩ khi hai đứa cháu đi đến. Cậu cả ngồi xuống bên cạnh và đưa ông một cái hộp kẹo bằng sắt tây cũ kỹ, ngập ngừng nói với ông: "Chú ạ! Bố cháu có cái hộp này, bố giữ gìn nó lắm, có nhiều ảnh cũ của gia đình và cả những kỷ vật".

Ông cẩn thận mở cái nắp hộp sắt đã bong hết lớp sơn bên ngoài. Trong hộp có một xấp ảnh đen trắng của gia đình, lúc ông còn bé. Có cả những ảnh anh em ông chụp với nhau, tất cả đều đã vàng ố, hoen màu thời gian. Bên dưới có hai gói giấy nhỏ bao bọc cẩn thận, một gói có ghi: "Kỷ niệm chiến trường" chứa một đầu đạn móp méo. Ông đoán rằng nó được lấy ra từ vết thương của anh ông thời ở Cam-pu-chia. Gói thứ hai có ghi: "Kỷ niệm anh em". Ông từ từ mở ra. Ðược gập kỹ càng sau lớp giấy đã vàng ố, là đồng xu với vết mẻ lớn ở mép. Ông nhận ra ngay, đó là đồng xu mà anh em ông đã dùng để chơi trò tung xu may mắn ngày xưa. Vẫn mặt mài phẳng ngửa lên trên. Ông xúc động cầm đồng xu ngắm nghía và chợt sững người nhận ra, đồng xu đã được mài phẳng cả hai mặt. Ðến bây giờ ông mới phát hiện ra sự thật mà bao năm nay mình không hề nghĩ đến. Bật đứng dậy, ông đẩy cửa vào bên giường anh ông nằm, gục đầu lên ngực anh thổn thức. Lúc này, anh ông đã tỉnh lại. Anh ông rơm rớm nước mắt, giọng run run như ngày nào: "Chú sao vậy? Ðàn ông ai lại thế!...".

Ông ngẩng lên. Phía đầu giường, cậu con út của anh ông cũng đang gục đầu vào vai cậu cả, giống hệt ngày xưa lúc chia tay, anh ông đã ôm ông như vậy.

PHẠM TRẦN OÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/41729702-tinh-anh-em.html