Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin về tượng Trần Hưng Đạo bị cho là 'giống Quan Vân Trường'
Theo Sở Văn hóa, Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu, bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây xét về tổng thể không phải là hình ảnh sao chép Quan Vân Trường.
Ngày 10/5, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc xây dựng tượng đài tại Khu du lịch Hồ Mây, TP Vũng Tàu.
Trước đó, có thông tin trên mạng xã hội cho rằng bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây có một số nội dung không phù hợp như: "Đức Thánh Trần không cưỡi ngựa bao giờ mà ngài cưỡi Hắc Tượng (voi đen)"; hay việc Hưng Đạo Vương không dùng long đao mà dùng kiếm… và cho rằng bức tượng này đã sao chép hình ảnh Quan Vân Trường của Trung Quốc.
Bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đặt tại Khu du lịch Hồ Mây
Sau khi nhận được thông tin phản ánh, ngày 15/4, Hội đồng nghệ thuật bao gồm lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học - lịch sử, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các học sĩ, nhà điêu khắc đã làm việc với chủ đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc xây dựng tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các tượng danh nhân tại Khu du lịch Hồ Mây với mục đích tích cực, tạo sản phẩm để các du khách thưởng lãm và tuyên truyền về lịch sử truyền thống của dân tộc.
Sở này cũng cho hay, hiện nay, hầu hết các bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn theo tư thế đứng thẳng, đeo kiếm, chỉ tay ra xa hoặc cầm cuốn Binh thư yếu lược.
Tuy nhiên, trong bức tượng ở Khu du lịch Hồ Mây, có 2 chi tiết là tư thế Hưng Đạo Đại vương cưỡi ngựa và cầm đao nên một số người liên tưởng đến tư thế và vũ khí Quan Vân Trường hay sử dụng.
Ngoài ra, các họa sỹ, nhà điêu khắc trong Hội đồng nghệ thuật cũng nhận xét về mặt thẩm mỹ bức tượng có những chi tiết chưa cân đối, chưa thể hiện được thần thái của một danh tướng.
Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua tra cứu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số cán bộ làm công tác đối ngoại thì tại Việt Nam hiện nay không áp dụng Công ước nào về tượng đài danh nhân cưỡi ngựa như ý kiến phản ánh.
Các chi tiết Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không cưỡi ngựa mà cưỡi hắc tượng (voi đen) và dùng kiếm chứ không dùng trường long đao cũng chưa đủ các tư liệu lịch sử để xác định.
Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản tham vấn các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử tỉnh và đang đợi ý kiến phản hồi.
Đồng thời, Sở yêu cầu công ty cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu rà soát toàn bộ các bức tượng được xây dựng trên khu du lịch; thành lập Hội đồng nghệ thuật để tư vấn về mặt nghệ thuật đối với các bức tượng, đề xuất điều chỉnh những chi tiết chưa phù hợp; hoàn chỉnh hồ sơ gửi UBND tỉnh để xem xét cấp phép xây dựng phần mỹ thuật của công trình…
Hồi giữa tháng 4/2022, khi dư luận phản ánh về việc tượng Hưng Đạo Vương khá giống Quan Vân Trường, đại diện Khu du lịch Hồ Mây đã lên tiếng cho rằng, bức tượng trên nằm trong quần thể tượng các danh nhân của Việt Nam gồm đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng Hai Bà Trưng... và đã được thi công hoàn thiện từ 2018.
Chủ đầu tư khẳng định những hạng mục này đã được phê duyệt quy hoạch đầy đủ khi triển khai xây dựng. Việc thi công, thiết kế bức tượng được đơn vị thuê nghệ nhân ở miền Trung thực hiện.
Một số hình ảnh về bức tượng Hưng Đạo Đại vương gây tranh cãi:
Hội đồng nghệ thuật nhận xét, về mặt thẩm mỹ bức tượng chưa thể hiện được thần thái của một danh tướng
Cận cảnh phần lưỡi của thanh trường đao
Đại diện Khu du lịch cho biết, bức tượng đã được hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, nhưng chưa nhận được ý kiến phản ánh
Lý giải về việc hình ảnh Hưng Đạo Vương cưỡi ngựa cầm đao, đại diện Khu du lịch Hồ Mây cho rằng đây chỉ là hình ảnh cách tân trong nghệ thuật, không nhằm bất kỳ mục đích gì. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một vị tướng tài, tinh thông võ nghệ, do vậy việc chọn tạo hình bức tượng là cưỡi ngựa cầm trường đao chỉ là mang ý nghĩa cách tân, đổi khác so với tượng Hưng Đạo Vương chỉ tay hướng sông Bạch Đằng đã quá quen thuộc.
Đại diện Khu du lịch cũng cho hay, bức tượng đã được hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, nhưng chưa có ý kiến phản ánh. Ngoài ra, bức tượng có nhiều chi tiết khác không thể gây nhầm lẫn với tượng Quan Công như trang phục, gương mặt, hàm râu...