Tình báo Israel hoàn thiện sau từng trận chiến
Một phân tích về hiệu suất của Cơ quan tình báo quân sự của Israel (AMAN) trong Chiến tranh Lebanon lần thứ hai (năm 2006) cho thấy rằng mặc dù đạt điểm cao trong lĩnh vực phân tích chiến lược nhưng lại khá kém ở cấp độ tình báo chiến thuật.
Ủy ban Winograd, cơ quan điều tra chính thức về cuộc chiến đã kết luận rằng: Trong những năm trước chiến tranh, AMAN đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo quốc gia của mình một bức tranh toàn diện, đáng tin cậy và chính xác về Hezbollah''. Nhưng Ủy ban này cũng kết luận rằng: ''Ở cấp độ chiến thuật, bức tranh tình báo kém rõ ràng hơn và lộ ra những khoảng trống đáng kể''.
Những thành công
Đây là điều khá ngạc nhiên vì trong suốt lịch sử của mình, AMAN, tổ chức tình báo lớn nhất và uy lực nhất ở Israel, thường thất bại trong việc dự đoán/ đánh giá sự xuất hiện của các mối đe dọa hoặc cơ hội chiến lược, nhưng lại rất thành công trong việc cung cấp thông tin tình báo cấp cao ở cấp độ chiến dịch và chiến thuật.
Ví dụ, vào năm 1966-1967, AMAN đã không đánh giá đúng tác động mà áp lực quân sự ngày càng tăng của Israel lên Syria đối với Tổng thống Ai Cập Gamal Abdul Nasser, và đã bị bất ngờ khi Nasser phát động và sau đó leo thang cuộc khủng hoảng dẫn đến Chiến tranh năm 1967. Nhưng cũng trong chính cuộc chiến này, AMAN đã cung cấp thông tin tình báo xuất sắc giúp Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đánh bại quân đội của ba quốc gia Ảrập trong vòng sáu ngày.
Tương tự, trước Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, AMAN không đưa ra được cảnh báo rằng Syria và Ai Cập có ý định tấn công Israel, nhưng AMAN cùng với Mossad (cơ quan tình báo đối ngoại Israel), trong một số giai đoạn nhất định của cuộc chiến, đã cung cấp được các thông tin quan trọng giúp IDF giành chiến thắng.
Trong cuộc chiến Lebanon lần hai, mọi thứ đã hoàn toàn ngược lại: AMAN và có lẽ là cả Mossad đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo những đánh giá chiến lược được chứng minh là rất chính xác. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến, họ hầu như không có được thông tin tình báo chiến thuật mà IDF cần để giành được chiến thắng quân sự. Mặc dù phần lớn thông tin về các hoạt động tình báo của Israel trong Chiến tranh Liban lần thứ hai vẫn chưa được biết đến, nhưng với các nguồn sẵn có chúng ta cũng có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của AMAN trong cuộc chiến này:
Thứ nhất, AMAN đã ước tính rằng Hezbollah có một kho vũ khí hơn 10.000 tên lửa (hầu hết tầm ngắn), và trong trường hợp xảy ra xung đột, Hezbollah sẽ phóng hàng nghìn quả rocket vào miền Bắc Israel và có thể vươn tới Haifa và thậm chí cả khu vực Tel Aviv.
Để đưa ra được một cảnh báo như vậy không phải là một thách thức chuyên môn lớn. Thủ lĩnh của Hezbollah ở Lebanon, Sheikh Sayyed Hassan Nasrallah, đã công khai tuyên bố rằng tổ chức của ông ta đã xây dựng được một kho vũ khí lớn gồm các tên lửa tầm ngắn. Hai tháng trước cuộc chiến tranh năm 2006, sau khi nói rằng Hezbollah có hơn 12.000 tên lửa, ông ta tuyên bố: Người Israel biết chúng tôi có khả năng răn đe tên lửa. Nếu hôm nay tôi lên truyền hình để nói với cư dân của các khu định cư (miền bắc Israel) rằng họ nên rời khỏi những chỗ đó, tôi tin rằng tất cả họ sẽ có mặt ở Tel Aviv ngay lập tức”.
Những tuyên bố này đã cho phép AMAN theo dõi việc xây dựng kho vũ khí của Hezbollah và đưa ra những dự đoán khá chính xác về một cuộc tấn công lớn của Hezbollah nhằm vào miền Bắc Israel, với quy mô 150–200 quả rocket/ ngày. AMAN đánh giá rằng việc xác định quỹ đạo bay của các vũ khí này gần như là bất khả thi và do đó, chúng không thể bị phá hủy từ trên không mà phải phá hủy chúng trên mặt đất.
Thành tựu tình báo quan trọng nhất của Israel trong suốt cuộc chiến là thành công trong việc xác định vị trí chính xác hầu hết các kho vũ khí của Hezbollah. Nỗ lực này rất tốn kém và phức tạp vì Hezbollah đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để che giấu các vũ khí chiến lược của mình. Trong nhiều trường hợp, các bệ phóng tên lửa được giấu dưới các công trường xây dựng, và bản thân các tên lửa này được cất giữ trong các căn phòng trong các tòa nhà chung cư.
Từ nỗ lực tổng hợp của Mossad, các chiến lược gia của Israel đã nhận được thông tin chính xác về vị trí của các mục tiêu cho phép họ điều chỉnh hệ thống GPS của mình và tổ chức một cuộc tấn công vào đêm 12/7, kéo dài chỉ 34 phút và với 40 máy bay có người lái và không người lái, để phá hủy hầu hết kho vũ khí chiến lược của Hezbollah. Thành tích tình báo của Israel thậm chí còn ấn tượng hơn khi các mục tiêu của Hezbollah nằm ở các khu vực đông dân cư và tổng cộng chỉ có khoảng 20 dân thường Lebanon bị thương vong trong chiến dịch này.
Những thất bại
Nhưng Israel lại đạt điểm kém hơn trong các lĩnh vực hoạt động tình báo khác. AMAN không có thông tin cụ thể về khả năng Hezbollah có thể có tên lửa C-802 chống hạm. Vào tháng 4/2003, một nhà phân tích tình báo cấp cao cảnh báo các sĩ quan tình báo của Hải quân Israel (IN) rằng Hezbollah có thể đã nhận được tên lửa chống hạm và đề nghị họ tìm hiểu sâu hơn về khả năng này. Cảnh báo này dựa trên bằng chứng thực tế là tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc đã được bán cho Iran. Vào buổi sáng ngày thứ ba của cuộc chiến, một sĩ quan tình báo IN gửi một bức thư đề nghị nên xem xét khả năng này. Bức thư đã không nhận được sự quan tâm cần thiết đáng có. Nhận định phổ biến của IN là một tổ chức ''khủng bố'' như Hezbollah sẽ không có khả năng sử dụng hiệu quả hệ thống vũ khí C-802 nặng nề và phức tạp. Vào buổi tối cùng ngày, tàu hộ tống Hanith, đang đi cách bờ biển Lebanon 16 dặm, đã bị trúng một tên lửa C-802, bị hư hại nặng và làm 4 người thương vong.
Một thất bại tình báo khác liên quan đến những nỗ lực không thành công trong việc thâm nhập hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Hezbollah. Việc Israel không thâm nhập được vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Hezbollah là nguyên nhân chính khiến nước này nhiều lần thất bại trong việc ám sát các lãnh đạo cấp cao của Hezbollah.
Trước chiến tranh, cộng đồng tình báo đã thu thập thông tin đầy đủ về 10 thủ lĩnh hàng đầu của Hezbollah - những nhân vật như Imad Mughniye (phụ trách chiến dịch bắt cóc binh sĩ Israel) và Haj Halil Hareb, chỉ huy đơn vị tinh nhuệ ''1800'' và mặc dù Israel đã có nhiều kinh nghiệm thu được từ các vụ sát hại có chủ đích các nhà lãnh đạo và chiến binh Palestine trong cuộc chiến Intifada, không có thủ lĩnh cấp cao nào của Hezbollah đã bị giết trong cuộc chiến Lebanon lần hai.
Một vài kết luận ban đầu
Do tính chất của nghề nghiệp, nguồn gốc của những thành công trong tình báo thường bị che giấu. Nhưng những thất bại thường thu hút nhiều sự chú ý hơn, các hoạt động tình báo của Israel trong Chiến tranh Lebanon lần thứ hai cũng không nằm ngoài quy luật này .
Để chuẩn bị cho cuộc chiến, cộng đồng tình báo của Israel đã sử dụng tất cả các phương tiện thu thập thông tin có thể. Thành công của họ ở cấp độ chiến lược, trước hết là do việc tận dụng rất thành công thông tin tình báo nguồn mở (Osint). Những tuyên bố công khai của Sheikh Nasrallah về ý định bắt cóc binh lính Israel của tổ chức và những lời đe dọa sử dụng kho tên lửa của Hezbollah chống lại miền Bắc Israel, cũng như Tel Aviv, là những dấu hiệu rõ ràng về hành động có khả năng gây ra chiến tranh và chiến lược mà Hezbollah sẽ sử dụng và cho phép tình báo Israel đưa ra đánh giá chính xác.
Nhưng loại thông tin tình báo cho phép IAF phá hủy phần lớn kho vũ khí tên lửa hạng nặng của Hezbollah ở giai đoạn đầu của cuộc chiến này lại thuộc về một dạng thông tin tình báo khác và cho đến nay chưa hề được giải mật. Nhưng chắc chắn rằng sự kết hợp của các phương tiện thu thập Visint, Sigint và trí thông minh của con người (Humint), cũng như mức độ hợp tác cao giữa AMAN và Mossad, đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành công này.
Các thất bại tình báo chủ yếu liên quan đến việc cộng đồng tình báo (chủ yếu là AMAN) không thành công trong nỗ lực cung cấp thông tin chính xác về hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Hezbollah cũng như nơi ở của các thủ lĩnh chính của nó, cũng như sự thiếu sót của AMAN trong việc cung cấp cho lực lượng mặt đất IDF những thông tin chiến thuật cần thiết. Câu hỏi về điều gì đã gây ra những thất bại này đang được quan tâm đặc biệt vì theo truyền thống, cộng đồng tình báo của Israel thường rất xuất sắc trong việc cung cấp chính xác loại thông tin này.
Có hai nguyên nhân chính để giải thích cho những thất bại này: thứ nhất, cấu trúc đặc thù về tổ chức của Hezbollah khiến nó trở thành mục tiêu khó khăn cho bất kỳ cuộc thâm nhập tình báo nào. Yếu tố này chủ yếu giải thích cho việc AMAN không có khả năng cung cấp thông tin chính xác về hệ thống chỉ huy và kiểm soát của tổ chức cũng như vị trí của các nhà lãnh đạo. Thứ hai là những khiếm khuyết trong cách AMAN chuẩn bị cho cuộc chiến này, điều này gợi ý cho một lời giải thích phù hợp với việc AMAN đã không cung cấp được các thông tin tình báo chiến thuật có giá trị cho lực lượng mặt đất.
Một vấn đề khác liên quan đến việc AMAN chú trọng quá mức các phương pháp thu thập thông tin tình báo công nghệ cao mà ít chú ý đến việc thu thập thông tin tình báo mang yếu tố con người. Hezbollah, có vẻ như đã nghiên cứu kỹ hiệu quả phương thức hoạt động của AMAN và đạt được một mức độ thành công nhất định trong việc che giấu hoặc đánh lừa, các phương tiện kỹ thuật thu thập được sử dụng để chống lại nó.
Cuối cùng, Chiến tranh Lebanon lần thứ hai cho thấy trong một cuộc xung đột cường độ thấp, vai trò của tình báo là quan trọng hơn so với chiến tranh thông thường, việc xác định vị trí của kẻ thù trở thành một thách thức khắt khe hơn là tiêu diệt chúng. Nhu cầu cần phải sử dụng tới 4 sư đoàn IDF ở miền Nam Lebanon để chống lại 1.500–2.000 chiến binh Hezbollah để chấm dứt việc phóng tên lửa tầm ngắn, là những dấu hiệu cho thấy tồn tại một nghịch lý nhất định: Các lực lượng tương đối nhỏ nhưng có độ tinh vi cao có thể dễ dàng đánh bại các đội quân quy ước lớn hơn nhưng kém hơn về mặt công nghệ.