Tình báo Liên Xô từng mua kế hoạch tấn công của Hitler với giá bao nhiêu?
Không có gì khó khăn hơn công tác tình báo, nhất là khi phải hoạt động sâu trong lòng kẻ địch. Chỉ một số ít có thể truy cập thông tin, trong khi nguy cơ bại lộ là cực kỳ cao. Tuy nhiên, một điệp viên trong hàng ngũ thân cận nhất của Hitler đã truyền cho Liên Xô thông tin bí mật về chiến dịch 'Thành trì' của Đức trong trận quyết chiến Kursk năm 1943.
Điệp viên bí ẩn
Điều khó tin nhất là phía Đức Quốc xã hoàn toàn biết rõ rằng, có một điệp viên đang hoạt động trong đội ngũ thân cận của Adolf Hitler. Thậm chí chúng còn biết mật danh của người này là Werther. Ngay cả người đứng đầu toàn quyền của bộ máy đảng Quốc xã là Martin Bormann cũng bị nghi ngờ. Cả sếp của Cơ quan mật vụ phát xít Đức (Gestapo) Heinrich Müller, cả người đứng đầu Cơ quan tình báo hải ngoại Walter Schellenberg, đều từng được nhìn thấy trong vai trò mật thám cho đối phương. Hơn nữa, hai người này cùng lúc báo cáo chống lại nhau cho Hitler với tuyên bố rằng, điệp viên bí ẩn đó chính là Werther. Khi đó, Quốc trưởng Đức Quốc xã chỉ cười đáp trả vì điều này. Trong khi đó, người phiên dịch riêng của Hitler là Paul Karel đã viết trong hồi ký của mình rằng, Bộ tư lệnh Liên Xô đã nhận được thông tin về những gì đang diễn ra trong đội ngũ thân cận của Hitler. Ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, những cuộc tìm kiếm điệp viên Werther bí ẩn do Paul Karel tiến hành cũng không mang lại kết quả gì.
Đội ngũ thông tin liên lạc
Bernd Ruland, tác giả cuốn sách “Đôi mắt Moscow”, đưa ra một giả thuyết khác về điệp viên bí ẩn Werther. Theo đó, trong thời gian chiến tranh, người này là sĩ quan thông tin liên lạc cấp cao. Có lần, anh ta nhìn thấy có một cô gái qua điện thoại đã giấu mẩu tin nhắn tuyệt mật trong áo ngực của mình và cố gắng tuồn nó ra khỏi nơi làm việc. Người phụ nữ sau đó bị phía Đức bắt giữ và thẩm vấn, nhưng vẫn không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào. Cô gái trẻ thừa nhận rằng, cô làm việc cho một sếp cấp cao trong Cục thông tin liên lạc của quân đội Đức Quốc xã và sẽ không đề cập đến danh tính của người này với bất kỳ ai. Nếu sếp cấp cao này chính là Werther, thì rõ ràng anh ta rất am hiểu về những việc xảy ra trong ban lãnh đạo phát xít Đức. Bởi lẽ, tất cả những mệnh lệnh tối mật cho quân đội đều được chuyển thông qua người của anh ta, trong khi việc truyền chúng đến kiều dân Liên Xô ở Thụy Sĩ là không hề khó khăn. Tuy nhiên, tác giả Bernd Ruland chỉ có thể suy đoán mà không biết đến tên của điệp viên bí ẩn này. Werther có thể là Thiếu tướng Fritz Thiele hoặc Tướng Erich Fellgiebel. Nhưng cả hai vị này đều đã bị xử bắn sau khi bại lộ âm mưu chống lại Hitler vào năm 1944. Vì vậy, công tác tình báo của Werther vẫn tiếp tục diễn ra.
Kế hoạch “Thành trì” giá bao nhiêu?
Sau khi nhóm mưu phản bị bại lộ, giới lãnh đạo Đức Quốc xã hoảng hốt nhận ra rằng, trong suốt cuộc chiến có rất nhiều sĩ quan tình báo Liên Xô hoạt động ở Berlin. Tuy nhiên, điệp viên bí ẩn Werther không nằm trong số đó. Có thể người này nằm trong danh sách của nhà báo Rudolf Ressler, một liên lạc viên làm việc ở Thụy Sĩ. Chính anh ta là người nhận thông tin từ Werther và chuyển nó cho Liên Xô. Tất nhiên là đều vì tiền. Kế hoạch tối mật của chiến dịch “Thành trì” đã tiết lộ chi tiết về cuộc tấn công của quân Đức ở ngoại ô thành phố Kursk, khiến tình báo Liên Xô tiêu tốn 500.000 USD. Đây là một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó. Nhưng đổi lại, Liên Xô có được những thông tin xác thực và đáng giá. Chính nhờ phần lớn vào kế hoạch này mà đã tạo ra bước ngoặt căn bản trong cuộc chiến. Điều ngạc nhiên nhất là cho đến tận khi chiến tranh kết thúc, thông tin vẫn được Werther cung cấp cho phía Liên Xô thông qua trung gian ở Thụy Sĩ, nhưng cả người Đức và người Nga đều không phát hiện ra nhân viên tình báo bí ẩn đó thực sự là ai.
QUỐCKHÁNH (theorussian7.ru)