Tình báo Mỹ bất lực trước Trung Quốc?
Mỹ ngày càng thiếu tin tức tình báo đáng tin cậy từ Trung Quốc, đặc biệt là thông tin về hàng ngũ lãnh đạo cấp cao cũng như các quyết sách quan trọng được thảo luận ở Bắc Kinh.
Giới chức cấp cao Mỹ đang ngày càng đau đầu trước bài toán làm thế nào để cài cắm tai mắt vào hàng ngũ quan chức thân cận với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Việc thiếu tin tức có giá trị cao khiến Washington khó khăn trong việc xác định những toan tính và hành động trong tương lai của Bắc Kinh, theo Bloomberg.
Vấn đề của tình báo Mỹ
Đối đầu chiến lược giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới đang bước vào giai đoạn căng thẳng, xung đột xảy ra trong hàng loạt vấn đề, từ Đài Loan tới phát triển công nghệ cao.
Thế nhưng, khi nhu cầu khai thác thông tin từ hàng ngũ lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh lớn dần, việc xâm nhập vào nội bộ Trung Quốc lại ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Nhiều quan chức Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cũng như một số người thuộc chính quyền đương nhiệm Joe Biden, thừa nhận Washington bị bất ngờ trước nhiều quyết sách tại những điểm nóng của Bắc Kinh.
Trong số này có việc Bắc Kinh nhanh chóng kiểm soát tình hình ở Hong Kong, triển khai lực lượng vũ trang ở nhiều nơi trên Biển Đông, ngăn cản các cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, hạ bệ một số công ty Trung Quốc có ý định niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hay tấn công mạng các quốc gia đối thủ.
Từ lâu, cung cấp thông tin nội bộ của Trung Quốc đã trở thành một nhiệm vụ đầy thử thách mà không phải lúc nào các cơ quan tình báo Mỹ cũng có thể hoàn thành.
Vấn đề mà tình báo Mỹ gặp phải không chỉ có một. Lâu nay, tình báo Mỹ luôn thiếu nhân sự có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Quan thoại. Hơn nữa, trước khi ông Tập lên nắm quyền, Bắc Kinh đã triệt phá thành công mạng lưới gián điệp của Mỹ ở Trung Quốc.
"Tình báo con người của chúng ta đã lạc hậu hàng thế kỷ. Tôi chưa bao giờ cảm thấy trong tay mình có đủ tin tức tình báo, dù rằng luôn muốn được nghe báo cáo nhiều hơn. Tin tình báo nhận được không làm tôi thỏa mãn", cựu Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton cho biết.
Dưới thời Tổng thống Biden, chiến lược chính sách đối ngoại của Mỹ đang chuyển hướng sang tập trung đối phó Trung Quốc. Tháng trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Bill Burns tuyên bố thành lập Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng đối phó với hoạt động ngày càng thù địch của Bắc Kinh.
Một số nguồn tin cho rằng tuyên bố của ông Burns mang tính biểu tượng nhiều hơn ý nghĩa thực tế. Để thực hiện nhiệm vụ như lãnh đạo CIA tuyên bố, cơ quan này cần bổ sung ngân sách và tăng cường nhân sự.
Tình trạng thiếu hụt nhân lực trong đội ngũ tình báo đang gây ra quan ngại, nhiều quan chức đương nhiệm và về hưu cho biết.
Mù thông tin về Trung Quốc
Từ ngày 8/11, kỳ họp thứ 6 Đại hội 19 Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc tại Bắc Kinh. Kỳ họp là sự kiện chính trị lớn cuối cùng của Trung Quốc trước khi đại hội đảng lần thứ 20 diễn ra.
Thế nhưng lúc này, giới chức Mỹ đang không có nhiều thông tin về những vấn đề cơ bản nhất, như về quy hoạch nhân sự cấp cao.
Trước đó, tình báo Mỹ cũng bị đánh giá là thất bại thảm hại khi không thể dự đoán sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Ashraf Ghani trước lực lượng Taliban tại Afghanistan.
CIA là đối tượng đầu tiên bị chỉ trích khi tình báo Mỹ bất lực trước Trung Quốc. 10 năm trước, khi mạng lưới tình báo Mỹ ở Trung Quốc bị bóc gỡ gần như hoàn toàn, CIA là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chiêu mộ và giám sát hoạt động của các điệp viên.
Trong một bài điều tra chi tiết năm 2017, New York Times cho biết hàng chục nguồn tin của Mỹ đã bị Trung Quốc xử tử, nhiều người khác lĩnh án tù. Vụ việc ở Trung Quốc là một trong những thất bại tồi tệ và gây thiệt hại nặng nề nhất cho tình báo Mỹ trong lịch sử.
Việc CIA thành lập Trung tâm Nhiệm vụ Trung Quốc được Bắc Kinh miêu tả là "đặc trưng điển hình của não trạng Chiến tranh Lạnh".
"Mỹ nên coi sự phát triển của Trung Quốc, cũng như quan hệ Mỹ - Trung, là tín hiệu tiến bộ tích cực và chấm dứt làm những điều gây tổn hại sự hợp tác và lòng tin chung", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết.
Nhưng ở Washington, chiến lược xoay trục đối phó Bắc Kinh sẽ không thể được đẩy nhanh nếu thiếu tin tức tình báo đáng tin cậy.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, sự vận hành của hệ thống chính trị Trung Quốc đã có những sự thay đổi. Cùng với đó, đặc trưng của chính trị - xã hội Trung Quốc khiến mọi nỗ lực thu thập và truyền tin tức tình báo cho phía Mỹ đều tiềm ẩn rủi ro lớn.
Giới lãnh đạo cấp cao Washington không hiểu hết về những khó khăn trong hoạt động tình báo ở Trung Quốc, theo các cựu quan chức tình báo Mỹ. Bởi vậy, Washington đôi khi có kỳ vọng phi thực tế về những kết luận Mỹ có thể thu được chỉ từ tin tức tình báo ban đầu thu thập được.
Hơn nữa, với chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập chỉ huy, thu nhập của các quan chức Trung Quốc bị rà soát gắt gao. Do đó, việc dùng tiền để mua chuộc quan chức Trung Quốc trở nên khó khăn hơn nhiều.
Một thập kỷ trước, tình báo Mỹ có khả năng thu được những tin tức nội bộ quan trọng về giới lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Khả năng này giờ đã hạn chế hơn rất nhiều, một cựu quan chức tình báo thừa nhận.
Một cựu quan chức khác cho biết dưới thời cựu Tổng thống Trump, Nhà Trắng luôn thiếu tin tình báo về chiến lược của Trung Quốc đối với các nước láng giềng như Ấn Độ, Triều Tiên.
Bài toán khó
Báo cáo giải mật một phần của Ủy ban Tình báo Hạ viện tháng 9/2020 kết luận các cơ quan tình báo Mỹ không đáp ứng được những thách thức nhiều mặt do Trung Quốc gây ra. Tình báo Mỹ quá tập trung vào các mục tiêu truyền thống như khủng bố, các mối đe dọa quân sự thông thường, báo cáo kết luận.
"Nếu không tái phân bổ nghiêm túc các nguồn lực, chính phủ và cộng đồng tình báo Mỹ sẽ không thể thu được những kết quả cần có trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong những thập kỷ tới, cũng như không thể bảo vệ an ninh, an toàn của nước Mỹ", báo cáo nhận định.
Ủy ban Tình báo Hạ viện cho rằng việc quá chú tâm đến Trung Đông, cùng cuộc chiến chống khủng bố, là những lý do cộng đồng tình báo Mỹ coi "các nhiệm vụ tình báo truyền thống chỉ là thứ yếu sau chống khủng bố".
Các cựu quan chức Mỹ cho biết khôi phục mạng lưới tình báo tại Trung Quốc sau khi bị phản gián Bắc Kinh bóc gỡ là một quá trình lâu dài, từ chiêu mộ nguồn tin, đào tạo, xây dựng mạng lưới quan hệ cho các nguồn tin. Quá trình phục hồi mạng lưới tình báo nhiều khả năng vẫn đang diễn ra.
Ngoài ra, mật vụ CIA ở Trung Quốc đối mặt bài toán khó giải bởi hệ thống giám sát do cơ quan an ninh nhà nước vận hành. Hệ thống này bao phủ các thành phố lớn, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tối tân để theo dõi mọi đối tượng tình nghi.
Trong cuộc phỏng vấn với NPR hồi tháng 7, Giám đốc Burns cho biết CIA đang tìm cách đối phó với hệ thống giám sát và những công nghệ tiên tiến khác của tình báo Trung Quốc.
Ông Burn cũng úp mở về khả năng sử dụng một chiến thuật từng được CIA triển khai đối phó với Liên Xô trước đây để giải quyết những khó khăn hiện nay.
Theo đó, CIA có thể tung các chuyên gia về Trung Quốc tới một số địa điểm bên ngoài đại lục. Bằng cách này, tình báo Mỹ có thể dễ dàng chiêu mộ nguồn tin theo cách an toàn hơn, thay vì những con phố tràn ngập camera giám sát tại Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Nhưng chiến lược chiêu mộ tầm xa này là một giải pháp mang tính lâu dài. Về ngắn hạn, giới chức Mỹ sẽ phải đối mặt những quyết sách khó lường từ phía Bắc Kinh mà gần như mù thông tin.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cho biết giới chức Mỹ sẽ phải tận dụng những gì đang có trong tay, ngay cả khi tồn tại những lỗ hổng thông tin ngày càng lớn qua thời gian.
"Sẽ đến lúc họ cần ra quyết định mà không có đủ tin tức tình báo. Đó là điều chúng ta phải chấp nhận", ông Bolton nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-bao-my-bat-luc-truoc-trung-quoc-post1276584.html