Tình báo Mỹ chật vật giải mã tính toán của ông Putin

Việc phải giải mã và đoán định xem ông Putin đang nghĩ gì và muốn làm gì với Ukraine có vẻ đang trở thành một nhiệm vụ ngày càng bất khả thi với tình báo Mỹ.

Trong bối cảnh tình hình Nga - Ukraine ngày càng diễn biến khó lường, các cơ quan tình báo Mỹ đang đối diện với bài kiểm tra khó nhằn là phải giải mã ý đồ của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Nga tập trung cả trăm ngàn binh sĩ gần biên giới Ukraine.

Bất chấp Nga tuyên bố đã rút quân, đài CNN dẫn nhiều nguồn tin quan chức Mỹ khẳng định các thông tin tình báo nước này vẫn cho thấy Nga thậm chí không bớt quân mà còn tăng thêm hơn 7.000 binh sĩ đến áp sát Ukraine.

Ông Putin - Ẩn số khó giải của Mỹ

Theo tờ The New York Times, giới tình báo Mỹ đã đưa ra một số kết luận về suy tính của nhà lãnh đạo Nga thông qua việc theo dõi tín hiệu liên lạc điện tử và qua các cuộc trao đổi của ông Putin với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cụ thể, một quan chức Mỹ cho rằng những tính toán của ông Putin có vẻ đang bắt đầu xoay chuyển khi ông cân nhắc hậu quả của việc tấn công Ukraine và những gì ông có thể đạt được thông qua đàm phán. Nhiều quan chức lưu ý rằng ông Putin thường hay đợi đến phút cuối để đưa ra quyết định và thường xuyên đánh giá lại các lựa chọn.

The New York Times cho rằng để nắm được ý định của một chính khách như Tổng thống Putin là thách thức cực lớn, đặc biệt khi ông từng là một sĩ quan tình báo. Nhà lãnh đạo Nga thường tránh sử dụng thiết bị điện tử, cấm luôn cả việc ghi chú và rất kín tiếng với các trợ lý. Do đó, cơ quan tình báo phương Tây không dễ tiếp cận được ý định và suy nghĩ của ông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong phiên họp nội các ngày 7-2. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong phiên họp nội các ngày 7-2. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, ngay cả khi tình báo Mỹ đã nắm được kế hoạch chiến tranh của quân đội Nga và dự báo về việc tập trung quân lực từ vài tuần trước khi xảy ra và công khai cái được cho là ý đồ của Nga nhằm tạo cớ tấn công, Washington vẫn luôn bị ông Putin làm cho bất ngờ, từ quyết định sáp nhập Crimea năm 2014 cho đến việc triển khai quân tại Syria năm 2015.

Ngay cả các quan chức Mỹ cũng lên tiếng phải thừa nhận thách thức trong việc đoán trước nước đi của nhà lãnh đạo Nga. “Chúng tôi không hiểu điều Tổng thống Putin đang toan tính trong đầu và vì vậy chúng tôi không thể đoán toàn bộ việc này sẽ đi đến đâu” - Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Julianne Smith chia sẻ hôm 15-2.

Một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên đã gặp đối tác Nga để tháo ngòi căng thẳng gần đây còn cho hay phái đoàn Mỹ rời khỏi cuộc họp với cảm giác rằng chính những đại diện của Nga đối diện đang đưa ra quan điểm cứng rắn vì họ cũng không biết lãnh đạo Putin của họ muốn làm gì.

“Ông Putin không phải là người thích chia sẻ với người khác. Ông ấy là điệp viên. Ông ấy được đào tạo không phải để chia sẻ mà là để khai thác và thao túng thông tin” - cựu quan chức tình báo Mỹ Beth Sanner nhận xét.

Tình báo Mỹ hụt hơi với ông Putin

Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, chiến lược của phía Mỹ để theo dõi ông Putin được cho là tìm cách giữ liên lạc thường xuyên với phía Nga để cố gắng tìm hiểu mục đích thật sự của Moscow là gì. Các quan chức Mỹ so sánh việc này như việc đàm phán với kẻ bắt cóc con tin, khi người đàm phán phải để kẻ bắt cóc nói liên tục. Vì vậy, sau chuyến thăm Moscow hồi tháng 11 năm ngoái của Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Mỹ William Burns, phía Mỹ đã tiếp tục thiết lập hàng loạt cuộc đối thoại khác với Nga tại Bỉ và Thụy Sĩ để có thể dò la thêm tin tức về khả năng Nga động binh ở Đông Âu.

Nhìn chung, tuy tình báo Mỹ sở hữu năng lực phân tích tốt về Nga, vẫn có những hạn chế về nhiệm vụ mà họ có thể làm. Theo cựu sĩ quan CIA Marc Polymeropoulos, người từng giám sát hoạt động tại châu Âu và Nga, các cơ quan tình báo có thể đưa ra lời cảnh báo như đã làm trong vài tháng gần đây nhưng đòi hỏi thêm ở họ là điều hơi quá tầm.

Trên thực tế, việc nhận định tình hình cũng đang trở nên khó khăn hơn cho tình báo Mỹ vào thời điểm này, khi phía Nga tuyên bố đang xuống thang dù các cuộc tập trận còn diễn ra. Việc theo dõi chuyển động từ Nga của lực lượng tình báo Mỹ tại Ukraine cũng đang gặp gián đoạn khi CIA vừa thông báo tạm thời đóng cửa văn phòng tại Kiev.•

Ông Putin chuẩn bị đối thoại với thủ tướng Nhật về Ukraine

Đài NHK ngày 17-2 đưa tin Thủ tướng Nhật Fumio Kishida chuẩn bị có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Kishida trên cương vị thủ tướng với ông Putin.

Thủ tướng Kishida được cho là sẽ bày tỏ lập trường ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không chấp nhận việc đơn phương biến đổi hiện trạng thông qua sử dụng vũ lực, đồng thời đề nghị giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao nhằm giảm căng thẳng khu vực.

Trước đó, hôm 15-2, ông Kishida đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về phương sách nhằm giảm căng thẳng với Nga hiện đang tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực biên giới, các biện pháp bảo vệ công dân Nhật tại Ukraine. Nhật cũng nêu rõ lập trường cụ thể về việc sẽ cùng với Mỹ, châu Âu áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga nếu Nga tấn công Ukraine.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tinh-bao-my-chat-vat-giai-ma-tinh-toan-cua-ong-putin-1043945.html