Tình báo Nga: Pháp chuẩn bị gửi 2.000 quân tới Ukraine
Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin cho biết phía Nga có thông tin về việc Pháp sắp gửi quân đến Ukraine.
Ngày 19-3, ông Naryshkin cho biết theo thông tin của SVR, đội quân mà Pháp dự định gửi đến Ukraine hiện đã được chuẩn bị sẵn sàng và 2.000 người mới chỉ là con số ban đầu.
Giám đốc SVR nói thêm quân đội Pháp "lo ngại rằng một đơn vị quân đội lớn như vậy không thể được điều động và đóng quân ở Ukraine mà không bị chú ý".
"Do vậy, đội quân sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên hợp pháp cho các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Nga" - hãng tin TASS dẫn lời ông Naryshkin.
Sau hội nghị về Ukraine ở Paris, Tổng thống Emmanuel Macron từng nói ông không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và cam kết các nước phương Tây sẽ "làm những gì cần thiết" trong cuộc xung đột này.
Theo đài RT, quân đội và các quan chức Nga đã nhiều lần chỉ ra sự hiện diện của "lính đánh thuê Pháp" ở Ukraine.
Cũng trong ngày 19-3, Tham mưu trưởng quân đội Pháp Pierre Schill cho biết Pháp sẵn sàng tham gia vào các cuộc giao tranh khó khăn nhất về mặt quân sự và sẵn sàng đối mặt với mọi diễn biến quốc tế.
Ông Schill nói thêm Paris có thể tập hợp một sư đoàn 20.000 quân trong vòng 30 ngày, cũng như góp phần vào một đội quân 60.000 người khi kết hợp với các sư đoàn từ các đồng minh NATO khác.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết sự sống còn của Ukraine có thể bị đe dọa trừ khi phương Tây gửi thêm viện trợ quân sự.
Phát ngôn được đưa ra khi ông Austin tham dự cuộc họp của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine tại Căn cứ không quân Ramstein (Đức). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhập viện hồi tháng 1.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, việc duy trì và luân chuyển vũ khí, thiết bị, đạn dược... còn là vấn đề danh dự và an ninh đối với Mỹ, song ông không nói Mỹ dự định tiếp tục hỗ trợ Ukraine như thế nào.
Dự luật viện trợ hơn 60 tỉ USD cho Kiev vẫn đang "mắc kẹt" ở Hạ viện Mỹ.
Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết việc Mỹ không hành động đã khiến Ukraine mất thế đứng trên chiến trường. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực gây áp lực lên Hạ viện Mỹ để phê duyệt tài trợ nhưng chưa thành công.
Tuy vậy, Ukraine vẫn nhận được một tin vui sau cuộc họp ở Ramstein, khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius công bố gói viện trợ vũ khí và đạn dược cho Kiev trị giá 500 triệu euro.