Tỉnh Bến Tre đăng ký làm điểm thực hiện Đề án 01 của Chính phủ
'Bến Tre có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ và du lịch. Do đó, tỉnh Bến Tre đề nghị đăng ký làm điểm để thực hiện Đề án 'Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030' và tham gia tích cực chương trình hỗ trợ khởi nghiệp theo tinh thần đồng khởi khởi nghiệp mà tỉnh đang triển khai tích cực', ông Lê Đức Thọ, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, khẳng định
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hân
Ngày 17/3, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khởi động Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01), đồng thời phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939).
Phát biểu hưởng ứng chương trình, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, đánh giá cao Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" với những nội dung có ý nghĩa tích cực, quan trọng, cần phải triển khai, thực hiện khẩn trương, có kết quả để đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ông Lê Đức Thọ thông tin thêm: Tỉnh Bến Tre rất quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), cụ thể hóa và ban hành các văn bản về phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 179 HTX hoạt động trên các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… với tổng vốn điều lệ trên 309 tỷ đồng. Số thành viên tham gia khoảng trên 48.000 thành viên và thu hút được trên 3000 lao động thường xuyên. Doanh thu mỗi năm của HTX là khoảng 1,2 tỷ đồng. Dù số liệu này còn khiêm tốn nhưng có sự chuyển biến tích cực qua các năm.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 54 phụ nữ làm chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc các HTX. Các cấp Hội LHPN đã tích cực phối hợp vận động hội viên phụ nữ tham gia HTX, các mô hình kinh tế tập thể. Hội LHPN các cấp đã phát huy vai trò, tích cực, năng động trong phát triển kinh tế nói chung, trong đó có kinh tế tập thể và HTX.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX còn có những hạn chế. Ví dụ nguồn lực hỗ trợ cho HTX, kinh tế tập thể còn thấp; các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng trên thực tế, số lượng HTX được tiếp cận, được hưởng chính sách còn ít; hoạt động HTX tại một số nơi còn chưa đi sâu vào thực chất; người dân chưa thấy được lợi ích cụ thể khi tham gia; hoạt động đào tạo chưa được quan tâm phù hợp với năng lực của HTX, kinh tế tập thể, hỗ trợ lao động nữ chưa có kết quả rõ nét.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre điểm lại một số hạn chế và chỉ ra các nguyên nhân, trong đó có trình độ chuyên môn, năng lực của những người tham gia HTX còn hạn chế, vốn điều lệ ít, công tác phối hợp trong triển khai nhiệm vụ chưa nhịp nhàng và chặt chẽ...
Bến Tre rất quan tâm phát triển kinh tế tập thể, HTX
Tỉnh Bến Tre đang triển khai các giải pháp nhằm phát huy các kết quả tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế, đầu tư xây dựng điển hình để nhân rộng mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả, trong đó có các HTX, THT do phụ nữ làm chủ, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, du lịch và các ngành kinh tế khác; ứng dụng kinh tế tuần hoàn, xây dựng kinh tế tập trung; phát triển chuỗi giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển liên kết giữa nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, tạo nên chuỗi giá trị ngày càng dài hơn, tăng thu nhập cho người dân. Tỉnh đang chỉ đạo tập trung phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, phát tiển các hoạt động liên kết, xây dựng mã code vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, để truy xuất nguồn gốc và cam kết về chất lượng, đồng thời bảo vệ uy tín sản phẩm của tỉnh Bến Tre.
Nhiều chị em phụ nữ huyện Ba Tri (Bến Tre) phát triển kinh tế từ mô hình trồng nấm. Ảnh minh họa: Báo Đồng Khởi
Bên cạnh đó, các giải pháp để thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để đưa nông nghiệp về với nông dân và nông thôn, gắn kết doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác và người dân, đẩy nhanh phát triển công nghiệp chế biến sâu, các sản phẩm nông nghiệp, phát triển mạnh các sản phẩm OCOP và thương mại hóa các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu… cũng được tỉnh Bến Tre chỉ đạo. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế tập thể, HTX trong đó vận động, phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.
"Bến Tre có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ và du lịch trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế của địa phương đi đôi với tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Do đó, tỉnh Bến Tre đề nghị đăng ký làm điểm để thực hiện Đề án 01 và tham gia tích cực chương trình hỗ trợ khởi nghiệp theo tinh thần đồng khởi khởi nghiệp mà tỉnh đang triển khai tích cực. Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre sẽ chỉ đạo Hội LHPN tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện có kết quả, phát triển HTX do phụ nữ làm chủ, vận động, hướng dẫn các THT do phụ nữ quản lý, điều hành hoạt động có hiệu quả để phát triển thành hợp tác xã", Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ khẳng định.
Video clip phát biểu của Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ tại Hội nghị