Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 'Thủ đô ta'

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, mối quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội.

Với vị thế “cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông vào Thủ đô ta,”Người luôn mong mỏi làm sao để Hà Nội “trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.”

Tư tưởng, tình cảm và những lời căn dặn sâu sắc của Người là di sản vô giá, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đậm sâu tình cảm của Bác Hồ với Hà Nội

Trong hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, bàn chân của Bác kính yêu đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Nhưng đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết ngày Bác trở vể Tổ quốc:

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi…
(Theo chân Bác)

Cái đích của hành trình nhiều vất vả, hy sinh ấy, với Bác chính là mảnh đất quê hương, mảnh đất đầy gian lao mà anh dũng đã sinh ra Người. Nơi đầu tiên Bác đặt chân về Tổ quốc là Pác Bó, Cao Bằng.

Ba chữ “Thủ đô ta” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng những tình cảm sâu nặng, gần gũi của Người đối với Thủ đô Hà Nội. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô.

Nhưng Hà Nội tự hào là mảnh đất gắn bó với Bác nhiều hơn cả. Đây là nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; là nơi Bác đọc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” thúc giục cả nước đứng lên giữ gìn nền độc lập của dân tộc.

Đây là nơi Bác đọc những dòng thơ chúc Tết hào sảng mà ấm áp tình người và cũng là nơi Bác viết bản Di chúc lịch sử, dành tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân ta và bạn bè quốc tế trước lúc Người đi xa.

Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Bác đã viết bài “Giữ gìn trật tự, an ninh” đăng trên báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954, khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một “Thủ đô bình yên, tươi đẹp.”

Bác viết: “Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh. Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp... Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.”

Ba chữ “Thủ đô ta” được Bác nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng những tình cảm sâu nặng, gần gũi của Người đối với Thủ đô Hà Nội.

Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày.

Về Thủ đô, dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in bóng trên các nẻo đường của thành phố, nội thành, cũng như các huyện ngoại thành.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, khu Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/1/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, khu Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/1/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, kiểm tra công việc, động viên, khích lệ phong trào ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện và thôn, xã; đến dự, nói chuyện rất chân tình, cởi mở tại nhiều hội nghị đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở Thủ đô Hà Nội.

Người khuyên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội từ những việc lớn, như rèn luyện nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố để Hà Nội trở thành kiểu mẫu, làm đầu tàu cho cả nước, đến những việc cụ thể hằng ngày bằng lời nói bình dị, mộc mạc, dễ nhớ, dễ hiểu mà sâu sắc đạo lý.

Tại “Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội” ngày 25/4/1959, Bác khẳng định quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng.”

Ở đó, “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội;” “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể.

Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác.”

 Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1960. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1960. (Ảnh: TTXVN)

Từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 73 bài viết về Thủ đô Hà Nội, về nhân dân Thủ đô... Người thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức..., trong đó, Người đặc biệt quan tâm tới tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Thủ đô.

Người đã có 10 lá thư, bài viết, bài phát biểu về thanh niên, thiếu niên, sinh viên của Thủ đô Hà Nội. Người luôn khuyên nhủ thanh niên, thiếu niên của Thủ đô phải đoàn kết, thân ái và chăm chỉ học tập, phát huy sáng kiến để thanh niên, thiếu niên trong cả nước học tập. Người nói: “Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước.”

Để “Thủ đô ta” trở thành hình mẫu của giá trị “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”

Thực hiện những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã luôn đoàn kết và không ngừng phấn đấu để xây dựng Hà Nội thành thành phố gương mẫu cho cả nước về nhiều mặt.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Nội luôn là tấm gương sáng về sự anh dũng, gan dạ, kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù tàn bạo và nhiều lần được Bác gửi thư khen ngợi.

Những lời dặn của Bác Hồ kính yêu vẫn luôn là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và Nhân dân Thủ đô trên từng chặng đường xây dựng và phát triển.

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, từ ngày 15/12/1966 đến 7/11/1967, Bác Hồ đã 4 lần gửi thư khen quân và dân Thủ đô về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ để bảo vệ Thủ đô và miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sự quan tâm, khen ngợi, cổ vũ của Người cùng với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Thủ đô đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không,” đòn quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, tạo ra thế và lực để quân, dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào,” thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Trong hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, Hà Nội là địa danh thiêng liêng, là hồn thiêng sông núi, nơi cả nước gửi gắm niềm lạc quan tin tưởng, ý chí tự hào, là điểm tựa tinh thần cho quân và dân cả nước hăng hái đánh giặc.

Trong hòa bình, Hà Nội đang từng bước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Hà Nội đổi mới từng ngày, phấn đấu văn minh hiện đại trên nền truyền thống ngàn năm văn hiến, tạo nên gạch nối hài hòa Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội.

Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh.

Từ một trung tâm nhỏ gọn trong 36 phố phường, Hà Nội ngày nay có nhiều khu đô thị mới mở rộng về bốn phía, có tầm vóc một Thủ đô hiện đại, một trong 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng Hà Nội hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Hà Nội cũng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nhiều năm. Năm 2023, Hà Nội thu hút được trên 2,94 tỷ USD vốn FDI, tăng 70,5% so với năm trước và là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Dù phát triển hiện đại, Hà Nội vẫn luôn tự hào giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến. Hà Nội sở hữu 5.922 di tích, bao gồm 1.793 di tích cấp quốc gia và 13 di tích đặc biệt cấp quốc gia.

 Chiều Thu Hà Nội nhẹ nhàng, lãng mạn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều Thu Hà Nội nhẹ nhàng, lãng mạn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Các địa danh nổi tiếng, như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn, Cột cờ Hà Nội… là những biểu tượng sống động của lịch sử.

Đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể như Ca trù, Hội Gióng... đã được UNESCO công nhận, góp phần nâng cao vị thế văn hóa của Thủ đô trên trường quốc tế.

Hàng năm, thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng tu bổ, tôn tạo lại di tích; bảo tồn, khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể để gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Nét đẹp văn hóa ứng xử được quan tâm, thông qua chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Người Hà Nội tự hào về sự thanh lịch của mình, thể hiện trong giao tiếp, ứng xử luôn giữ gìn thuần phong mỹ tục truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn minh, hiện đại của bốn phương; trong gia đình luôn coi trọng nền nếp, gia phong, lấy chữ “hiếu” làm đầu.

Nhân cách, nét ứng xử đẹp của người Thăng Long-Hà Nội được xây dựng từ các giá trị văn hiến truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, đồng thời đó cũng là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, người Hà Nội nâng cao phẩm chất trí tuệ, tài năng, tâm hồn, tình cảm, lý tưởng, ý chí vươn lên và hành động mang bản sắc Thăng Long-Hà Nội, mang dấu ấn văn hóa tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc, đó cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội và nhân dân cả nước.

Với mạch nguồn của vùng đất “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa” vô cùng phong phú và đa dạng, với tư duy phát triển năng động, sáng tạo, Hà Nội trở thành một trong 10 điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất thế giới khiến “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta.”

Môi trường hòa bình, ổn định chính trị, người dân thân thiện đã giúp Hà Nội được chọn là nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế như Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới... Hà Nội cũng trở thành điểm đến thân thiện với bạn bè quốc tế.

Hình ảnh nguyên thủ, lãnh đạo của các nước, như Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore… đi bộ, đạp xe trên phố hay thưởng thức các món ăn đường phố Hà Nội là những hình ảnh tiêu biểu cho sự thân thiện, mến khách của người dân Thủ đô.

Mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, Hà Nội đã làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội, được bạn bè thế giới ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người;" được UNESCO vinh danh là "Thành phố vì hòa bình," “Thành phố sáng tạo;” 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng.”

Cùng với dòng chảy của lịch sử, hòa chung với xu thế quốc tế, khó khăn và những thách thức luôn ở phía trước nhưng những lời dặn của Bác Hồ kính yêu vẫn luôn là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và Nhân dân Thủ đô trên từng chặng đường xây dựng và phát triển./.

 Đường phố Hà Nội trong những ngày chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đường phố Hà Nội trong những ngày chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tinh-cam-cua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-thu-do-ta-post980854.vnp