Tình cảm của nhân dân làng Rồng với nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu
Trong ký ức của những người dân làng Rồng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là vị lãnh đạo hiền lành, chất phác. Ông lúc nào cũng ân cần, gần gũi với nhân dân. Khi hay tin nguyên Tổng Bí thư qua đời, ai cũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.
Những ngày này, người dân làng Rồng (tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) không khỏi tiếc thương khi hay tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa qua đời. Đối với mỗi người dân làng Rồng, nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu không chỉ là vị lãnh đạo đáng kính mà còn được xem như một người ông, người bác trong gia đình. Người đã khai sinh ra ngôi làng này sau những biến cố của trận lũ lịch sử năm 1999.
Người khai sinh làng Rồng
Ngược dòng thời gian về ký ức, người dân làng Rồng kể cho chúng tôi nghe về trận lũ lịch sử hơn 20 năm về trước. Thời điểm đó vào khoảng đầu tháng 11/1999, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến nhiều tỉnh miền Trung bị nhấn chìm trong biển nước. Trong các tỉnh thì Thừa Thiên Huế chính là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 373 người chết và mất tích, hơn 200 người bị thương.
Vào thời điểm ấy, nhân dân cả nước không khỏi bàng hoàng, xót xa khi hay tin, có một ngôi làng chài nằm bên bờ biển Thuận An đã bị lũ lớn cuốn trôi trong đêm ngày 2/11/1999. Lũ lớn chưa từng thấy đã xé toạc cả một dãi cồn cát, mở ra một cửa biển mới. Lũ cuốn trôi ra biển 64 ngôi nhà kiên cố, cướp đi sinh mạng của 21 người dân.
Sau đêm lũ kinh hoàng, con mất cha, chồng mất vợ. Đau thương, mất mát không thể nào kể hết. Vào đúng thời điểm ấy, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã dẫn đầu đoàn công tác Trung ương vào thăm người dân vùng lũ.
"Khi đó, chứng kiến hậu quả nặng nề mà trận lũ gây ra, bác Lê Khả Phiêu đã lập tức chỉ đạo các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương phải gấp rút xây dựng khu tái định cư, làm nhà cho dân ở. Không để cho người dân sau lũ phải lang thang, ly tán", ông Nguyễn Văn Vẫn (50 tuổi, trú tại làng Rồng) nhớ lại.
Thực hiện chỉ đạo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, chỉ 3 tháng sau đó, các chiến sĩ Quân khu 4 (thuộc Bộ Quốc phòng) đã lập tức bắt tay vào khởi công xây dựng khu tái định cư. Một ngôi làng mới được mọc lên gần ngôi làng cũ bị cuốn trôi với 64 căn nhà chia thành 4 dãy, nằm quay mặt vào nhau qua hai tuyến phố.
Tết năm 2000, những người dân còn sống sót của ngôi làng biển phấn khởi chuyển về nơi ở mới. Lúc ấy, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về thăm khi làng tái định cư vẫn chưa có tên. Đích thân nguyên Tổng Bí thư đã đặt tên mới cho làng là "làng Rồng". Cái tên nhằm ghi nhớ về trận lũ lịch sử 1999 và việc lập làng mới năm 2000 (Canh Thìn, năm con Rồng). Bên cạnh đó, cũng gửi gắm mong muốn sau biến cố, người dân trong làng sẽ mạnh mẽ vươn lên như chính loài linh vật này.
Thương nhớ vị lãnh đạo gần dân
Theo lời kể của người dân làng Rồng, nhiều năm sau khi ngôi làng được ra đời, cứ vào dịp lễ, Tết hay đến Huế, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn thường xuyên về thăm người dân trong làng. Nếu không về được cũng không quên gửi quà tặng bà con.
Mỗi lần về thăm, nguyên Tổng Bí thư đều ân cần hỏi thăm sức khỏe người già, quan tâm đời sống kinh tế của người dân, việc học tập của các cháu nhỏ. Nghe người dân trong làng kể làm được điều gì mới, điều gì hay ông đều không giấu được niềm vui và hết lòng động viên, chia sẻ.
Đặc biệt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn vận động các nhà hảo tâm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học cho làng. Đây là điểm sinh hoạt văn hóa, cũng là nơi trú tránh cho người dân làng Rồng nếu xảy ra thiên tai bão lũ. Cứ thế, theo thời gian, tình cảm của người dân làng Rồng dành cho nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vì vậy mà thêm phần sâu nặng, thắm thiết.
Trong số các hộ ở làng Rồng, gia đình ông Trần Văn Thu (54 tuổi) có lẽ là người được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghé thăm nhiều nhất. Trận lũ lịch sử năm 1999, ông Thu là người một lúc mất đi 12 người thân trong gia đình. Tưởng chừng như không thể vượt qua sau cú sốc quá lớn, nhưng chính sự động viên kịp thời của nguyên Tổng Bí thư khi đó đã giúp ông mạnh mẽ đứng lên để làm lại từ đầu.
Mặc dù lâu nay biết nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đau yếu, nhưng nghe tin bác mất, ông Thu không cầm được nước mắt. "Không chỉ cá nhân tôi mà cả 64 hộ dân tại làng Rồng đều tiếc thương khi hay tin bác Phiêu qua đời. Chúng tôi rất biết ơn và khắc sâu tình cảm của bác. Nhờ có bác Phiêu mà sau trận lũ năm đó mọi người mới mạnh mẽ đứng lên xây dựng lại cuộc sống. Làng Rồng mới có được như ngày hôm nay. Bác như là người cha đã sinh ra chúng tôi thêm một lần nữa", ông Thu xúc động.
Ông Thu cũng cho biết thêm, trước đây người dân làng Rồng đã từng bàn bạc và thống nhất, nếu sau này nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất, đại diện mỗi hộ trong 64 hộ dân sẽ cùng nhau thuê xe ra Hà Nội viếng bác. Nhưng nay vì dịch bệnh Covid-19 phức tạp, dự định này khó có thể thực hiện.
Để bày tỏ sự tiếc thương và tri ân nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người dân làng Rồng nguyện vọng được lập một bàn thờ vọng tại nhà sinh hoạt cộng đồng do nguyên Tổng Bí thư tặng để có thể đến dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ.