Tình cảm của văn nghệ sĩ với cố Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu
Ban Vận động gây quỹ xây dựng Khu lưu niệm cố Soạn giả - Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu (Ban Vận động) vừa tổ chức thành công chương trình vận động các tổ chức, cá nhân khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số những đại biểu góp mặt tại chương trình hôm ấy, chúng tôi gặp gỡ khá nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng và họ đã nói lên những tình cảm, lòng kính trọng dành cho người thầy, 'người cha' của mình.
Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy: Cách đây khoảng 01 năm, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh có gặp và trao đổi về việc vận động kinh phí xây dựng Khu lưu niệm cố Soạn giả Viễn Châu, nghe xong, tôi tán thành liền. Với cá nhân tôi, Soạn giả Viễn Châu như một người cha. Chính nhờ sự phát hiện và dìu dắt của ông mà mới có cái tên Lệ Thủy như ngày hôm nay.
Tôi cho rằng công trình tri ân soạn giả Viễn Châu cần làm gấp, vì một số nghệ sĩ gắn bó và hiểu những đóng góp của ông giờ đã lớn tuổi, rất cần tiếng nói của họ để góp thêm tư liệu. Hồi nào giờ tôi chưa bao giờ kêu gọi, vận động ai đóng góp, nhưng đây là lần đầu tiên tôi kêu gọi tất cả các em, các cháu nghệ sĩ không chỉ cải lương mà còn nhiều lĩnh vực khác cùng chung tay thực hiện công trình ý nghĩa tri ân Soạn giả Viễn Châu. Bởi đây là người có đóng góp quá lớn cho nghệ thuật cải lương, là người khai sinh ra tân cổ giao duyên, vọng cổ hài… Soạn giả Viễn Châu sinh ra ở Trà Vinh, nhưng hoạt động và đóng góp rất nhiều cho Thành phố Hồ Chí Minh, nên tôi cũng mong lãnh đạo thành phố quan tâm, chung tay cùng Trà Vinh.
Nghệ sĩ Ưu tú Phượng Hằng: Đối với soạn giả Viễn Châu, Phượng Hằng có rất nhiều kỷ niệm và tôi cũng đã hát rất nhiều bài của bác. Chính vì vậy, khi nghe nói có chương trình gây quỹ để xây dựng Khu lưu niệm của ông, tôi đã sắp xếp thời gian để tham gia.
Theo tôi, Soạn giả Viễn Châu có một kho tàng về văn hóa nghệ thuật rất lớn, nên cần phải gìn giữ giúp người sau nhớ về bác Viễn Châu. Bác Viễn Châu không chỉ là một tác giả đơn thuần, mà bác luôn có những tình cảm rất đặc biệt và rất gần gũi với con cháu, các văn nghệ sĩ. Về chuyên môn, Phượng Hằng nhận thấy văn của bác viết rất chuẩn, nhịp nhàng rất dễ ca, nên khi bác mất tôi rất luyến tiếc.
Soạn giả Viễn Châu là người rất đáng trân trọng và xứng đáng được xây dựng Khu lưu niệm, đây là điều đáng quý để người sau tưởng nhớ đến bác. Không riêng gì bản thân, mà theo Phượng Hằng, những ai đã từng hát bài của bác, từng biết đến bác… cũng nên chung tay nhằm thể hiện tình cảm với bác. Phượng Hằng nghĩ chương trình này sẽ thành công và công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ và ý nguyện của nhiều người.
Nghệ sĩ Thanh Hằng: Dù có thể làm bất cứ điều gì để đóng góp cho công trình tri ân Soạn giả Viễn Châu, tôi cũng luôn sẵn sàng. Bởi theo tôi đây là chương trình rất ý nghĩa. Trong cuộc đời đi hát của Thanh Hằng đã ca rất nhiều sáng tác của soạn giả Viễn Châu. Đặc biệt, có thời gian định cư ở Úc, Soạn giả Viễn Châu đã viết tặng tôi bài ca cổ “Mẹ vẫn đợi con về”. Đây là bài ca nói về tâm sự của chính bản thân tôi, một người con xa xứ. Với bài ca này tôi đã hát rất nhiều lần và cũng đã “lấy” được nhiều giọt nước mắt xúc động của khán giả.
Đối với gia đình, tôi là một “hậu duệ”, vì trước đó cha mẹ cũng là nghệ sĩ từng hát những bài do Soạn giả Viễn Châu sáng tác. Cái ơn, cái nghĩa đó luôn luôn lúc nào Thanh Hằng cũng ghi nhớ trong tim. Những bài hát của Soạn giả Viễn Châu, Thanh Hằng đã hát rất nhiều từ khi mới 10 tuổi, trong đó bài đầu tiên được thầy dạy là bài “Thoại Khanh Châu Tuấn”, xem như đã khai đầu cho sự nghiệp của mình. Sau đó Thanh Hằng biết soạn giả Viễn Châu nhiều hơn nữa, thậm chí có chương trình người ta đặt luôn bài ca của ông để Thanh Hằng hát. Nhiều lần Thanh Hằng cũng đến nhà để được nghe Soạn giả Viễn Châu dạy hát. Những kỷ niệm đó Thanh Hằng luôn nhớ mãi và khắc ghi trong lòng.
Bài, ảnh: BÁ THI