'Tình cảm nhân dân Việt Nam-Trung Quốc là nền tảng cho quan hệ song phương'
Dẫn lời Tổng Bí thu, Chủ tịch Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ khẳng định quan hệ Việt-Trung lấy nhân dân làm nền tảng và sức mạnh của quan hệ ấy cũng bắt nguồn từ nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15/4. Hai bên đã ký kết 45 văn kiện hợp tác. Chuyến thăm này đã trở thành cột mốc mới trong quan hệ hai nước, là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất đối với quan hệ song phương Việt-Trung trong năm nay và càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi diễn ra trong Năm giao lưu nhân văn, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950-2025).
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quân nhân Trung Quốc cũng tham gia diễu binh, diễu hành, thể hiện tình cảm hữu nghị với Nhân dân Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ đã chia sẻ với báo chí những nhận định về quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước.
Kế thừa lịch sử, hướng tới tương lai
- Việt Nam đang long trọng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc Trung Quốc cử quân nhân tham gia diễu hành trong lễ kỷ niệm này của Việt Nam?
Đại sứ Hà Vĩ: Sự kiện ngày 30/4/1975 là mốc son trong lịch sử Việt Nam, là thời điểm Việt Nam thống nhất đất nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc để đi lên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa.
Trong chiến tranh, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đã kiên định ủng hộ Việt Nam và thật vinh dự khi quân đội Trung Quốc nhận được lời mời dự lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Lực lượng Quân đội Trung Quốc tham gia Tổng duyệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tôi đã xem video đội danh dự Trung Quốc tập luyện, tổng duyệt và vui mừng khi thấy người dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh các chiến sỹ Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bình luận rằng họ rất muốn sang Việt Nam để tham quan, du lịch và cảm nhận sự hiếu khách, tình cảm nồng hậu của người Việt Nam.
Trong dịp kỷ niệm này, Việt Nam chỉ mời ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia tham gia diễu hành, khẳng định rằng Việt Nam coi trọng quá trình bốn quốc gia kề vai sát cánh chiến đấu, làm nên “tình hữu nghị màu đỏ” trong quá trình giành độc lập dân tộc.
- Trong cuộc kháng chiến cứu quốc, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ chân thành của bạn bè quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Đại sứ có đánh giá như thế nào về tình hữu nghị giữa hai nước ở thời điểm đó?
Đại sứ Hà Vĩ: Chúng tôi đã giúp đỡ Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử là giành độc lập dân tộc. Có nhiều câu chuyện xúc động vẫn được kể lại để minh chứng cho tình cảm đó, chẳng hạn như câu chuyện về Bệnh viện Nam Khê Sơn được thành lập vào năm 1968, tại Quế Lâm, là bệnh viện quốc tế hậu phương chi viện Việt Nam ở cấp quốc gia.
Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chu Ân Lai, bệnh viện này có sứ mệnh đặc biệt thăm khám, điều trị cho các cán bộ, chiến sỹ quân đội Việt Nam bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong suốt 8 năm (1968-1976), Bệnh viện Nam Khê Sơn với khoảng 600 y bác sỹ, cán bộ và nhân viên đã thăm khám, cứu chữa và điều trị cho hơn 5.000 thương, bệnh binh Việt Nam, thực hiện hơn 2.500 ca phẫu thuật.
Hay như câu chuyện về Trường Dục Tài được thành lập những năm 1950 theo chủ trương của Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban đầu, trường được đặt ở Giang Tây nhưng vì mùa Đông ở đây rất lạnh nên các lãnh đạo hai bên đã quyết định chuyển về Quảng Tây là nơi có khí hậu và văn hóa tương đồng với Việt Nam để cho các học sinh Việt Nam có điều kiện tốt hơn để học tập.
Trong suốt thời gian hoạt động, ngôi trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đến điều kiện sinh hoạt cho học sinh Việt Nam. Những thế hệ học sinh được đào tạo tại đây sau này trở thành những nhà lãnh đạo, trí thức có đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển của Việt Nam.

Ảnh trái: Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Trung Quốc, tại sân bay Bắc Kinh, ngày 25/6/1955. Ảnh phải: Nhân dân Trung Quốc chào mừng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thăm hữu nghị Trung Quốc, tháng 6/1955. (Ảnh: TTXVN)
Những năm 1955-1975, tổng khối lượng viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam là hơn 1 triệu tấn, trong đó có nhiều loại vũ khí, xe tăng, tàu chiến, thiết bị, thuốc men…
Trong chiến tranh cách mạng, nhiều chiến sỹ Trung Quốc đã hy sinh tính mạng và thanh xuân của mình để sát cánh cùng quân đội Việt Nam. Bản thân tôi đã từng đi thăm nghĩa trang liệt sỹ Trung Quốc tại Việt Nam ở thời điểm Bộ Quốc phòng Việt Nam triển khai việc tu bổ, tôn tạo các ngôi mộ. Tôi thấy rất xúc động.
Vào thời khắc lịch sử quan trọng kỷ niệm giải phóng miền Nam, chúng ta càng nên kế thừa lịch sử hướng tới tương lai để phát huy tình cảm tốt đẹp của hai dân tộc.
Xây dựng 'tình hữu nghị đỏ'
- Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Xin Đại sứ chia sẻ về những kết quả nổi bật của chuyến thăm?
Đại sứ Hà Vĩ: Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Việt Nam là “điểm dừng chân đầu tiên” trong chuyến công du nước ngoài của ông, điều này thể hiện tầm quan trọng và chiến lược trong quan hệ hai nước.
Chuyến thăm lần này đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, với nhiều dự án hợp tác mang tính đột phá và chiến lược. Những kết quả này không chỉ tạo động lực mới cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc mà còn thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của cả hai nước, đồng thời đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thứ nhất, hai bên đã thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược “3+3” ngoại giao, quốc phòng, công an ở cấp Bộ trưởng. Đây là cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng đầu tiên trên thế giới, thể hiện sự ủng hộ vững chắc về chính trị và an ninh giữa hai quốc gia xã hội chủ nghĩa. Điều này đánh dấu sự tin cậy và hợp tác chiến lược giữa hai nước đạt đến một tầm cao mới.
Thứ hai, cơ chế hợp tác đường sắt Việt-Trung đã chính thức được khởi động. Việc kết nối toàn diện các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn sẽ nâng cao năng lực vận tải xuyên biên giới, giảm chi phí logistics và kết nối liền mạch chuỗi cung ứng giữa hai quốc gia, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Thứ ba, Việt Nam sẽ cử thanh niên sang Trung Quốc tham gia các hoạt động du lịch tìm hiểu về "hành trình đỏ." Những di tích cách mạng của các nhà lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc là tài nguyên quý báu, giúp thế hệ trẻ hai nước tiếp tục củng cố tình hữu nghị và phát huy những giá trị lịch sử chung.
- Đại sứ có thể chia sẻ về những hoạt động nổi bật Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025 và đánh giá tác động của chúng đối với việc tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước?
Đại sứ Hà Vĩ: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc ngày 15/4 rằng: "Cây có cội, nước chảy có nguồn. Gốc rễ của quan hệ Việt-Trung là ở nhân dân, huyết mạch ở nhân dân, sức mạnh cũng là ở nhân dân." Điều này cho thấy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nền tảng quan trọng và cốt lõi của quan hệ song phương.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đại biểu chứng kiến Lễ khởi động Cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam/Trung Quốc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trong khuôn khổ Năm giao lưu nhân văn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động giao lưu.
Thứ nhất là triển khai tốt chương trình “Hành trình đỏ” cho thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 năm tới. Tôi tin rằng thanh niên hai nước sẽ quý trọng tình hữu nghị láng giềng giữa hai nước, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau kế thừa ký ức lịch sử quý báu, vun đắp tình cảm tốt đẹp của thế hệ trẻ.
Thứ hai, thúc đẩy giao lưu nhân dân trở nên sôi động hơn. Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam, với hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ trong năm 2019. Sau đại dịch, xu hướng du lịch giữa hai nước đã nhanh chóng phục hồi. Trong quý I năm 2025, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã vượt mốc 1,58 triệu lượt, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khôi phục lại vị trí là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam.
Số lượng du khách Việt Nam đến Trung Quốc cũng đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu mới nhất, Việt Nam đã lọt vào top 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Trung Quốc. Tôi rất vui khi thấy các hãng hàng không của hai nước đều đang nỗ lực khai thác thêm nhiều đường bay mới. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy giao lưu nhân văn, du lịch và thăm hỏi lẫn nhau giữa nhân dân hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thứ ba, tăng cường hợp tác địa phương chặt chẽ hơn. Trước đây, Quảng Tây (Trung Quốc) và bốn tỉnh, thành phố của Việt Nam đã có cơ chế gặp gỡ thường niên. Trong cuộc gặp đầu Xuân năm 2025, thành phố Hải Phòng cũng đã tham gia với tư cách thành viên mới. Hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu sôi động như: liên hoan biên giới, thi đấu bóng đá hữu nghị, thi cờ tướng... Trong năm 2024, hai bên còn tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo như: đạp xe xuyên biên giới, giao lưu hát đối bên dòng sông biên giới và tổ chức hội chợ du lịch...
Trên nền tảng kết nối hạ tầng "cứng" và giao lưu "mềm", lòng tin giữa hai bên sẽ ngày càng sâu sắc, góp phần củng cố nền tảng lòng dân, từ đó thúc đẩy sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.