Tình cảm thủy chung, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga

Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay luôn không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước củng cố và vun đắp, trong đó tình cảm đặc biệt giữa nhân dân hai nước đã trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và tình hữu nghị quốc tế.

Nền móng quan trọng của quan hệ Việt - Nga

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19 đến 20-6 của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Chuyến thăm góp phần đưa quan hệ song phương vững bước trên con đường rộng mở hướng tới tương lai tốt đẹp của tình hữu nghị gắn bó thủy chung và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm thiếu nhi Việt Nam và Liên Xô tại Trại hè quốc tế gần Thủ đô Matcơva trong chuyến thăm Liên Xô năm 1957

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm thiếu nhi Việt Nam và Liên Xô tại Trại hè quốc tế gần Thủ đô Matcơva trong chuyến thăm Liên Xô năm 1957

Nhìn lại chặng đường phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga có thể thấy một trong những nền móng quan trọng của mối quan hệ này là tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. Việt Nam và Liên Xô trước đây - Liên bang Nga ngày nay thiết lập quan hệ ngoại giao chính vào ngày 30-1-1950, nhưng thực ra quan hệ giữa hai nước đã có từ trước đó rất lâu, từ nửa cuối thế kỷ 19, tức nhiều năm trước Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917).

Tiếp đó, qua Quốc tế Cộng sản với vai trò tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức yêu nước và cách mạng Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên cho quan hệ Việt Nam và Liên Xô. Trong thời gian từ những năm 20 đến 30 của thế kỷ 20, có tới 47 nhà cách mạng Việt Nam theo học và tốt nghiệp Ðại học Phương Ðông Matxcơva. Phần lớn trong số này đã trở thành nòng cốt và những người lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam.

Ðầu năm 1950, trong khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp muôn vàn khó khăn, bị thực dân Pháp và thế lực thù địch bao vây, cô lập từ nhiều phía, Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác đã chính thức công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta. Điều đó góp phần mở ra giai đoạn mới trong phát triển đất nước, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Suốt trong những năm 50 đến 80 của thế kỷ trước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô không ngừng được củng cố và phát triển. Cùng với việc ký kết “Hiệp định kinh tế thương mại” (năm 1955) và “Hiệp định trao đổi văn hóa song phương” (năm 1957), quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển mạnh và rất hiệu quả, đặc biệt là quan hệ hữu nghị nhân dân. Tiếp sau việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô ngày 30-1-1950, ngày 23-5-1950, Hội Hữu nghị Việt - Xô đã được thành lập, góp phần thắt chặt mối quan hệ đồng chí anh em giữa nhân dân hai nước. Trước đó, tại Liên Xô, Hội Hữu nghị Xô - Việt cũng được thành lập nhằm thống nhất các hoạt động hữu nghị, ủng hộ và đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Liên Xô đối với nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến trước đây và xây dựng hòa bình sau này.

Cùng với đà phát triển của cách mạng Việt Nam và sự gia tăng của quan hệ hợp tác về mọi mặt giữa Liên Xô và Việt Nam là sự giúp đỡ khẳng khái, vô tư và chí tình của các dân tộc trong Liên bang Xô-viết dành cho nhân dân ta trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ những điều này, cảm ơn những người bạn trong Liên bang Xô-viết, trong đó có người bạn Nga, đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành biểu dương lực lượng, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, đòi đế quốc Mỹ ngừng ngay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với rất nhiều người, nhiều thế hệ người dân Việt Nam, Liên Xô là một từ đồng nghĩa với tình cảm anh em chân thành gắn bó. Nhiều người đã coi Liên Xô như Tổ quốc thứ hai của mình.

Ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô chuyển thành mối quan hệ với Liên bang Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Với việc hai nước ký “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (năm 1994) và “Tuyên bố chung giữa hai Chính phủ về thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học” (năm 1997), quan hệ hai nước ngày càng khởi sắc, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam lần đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2001. Từ đó đến nay, lãnh đạo hai nước đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, nhất trí cùng nhau nâng quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây - Liên bang Nga ngày nay được xây đắp trên một trong những nền tảng vững chắc là tình cảm thủy chung, gắn bó giữa nhân dân hai nước. Mối này luôn không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước củng cố và vun đắp. Tình cảm đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, cũng như Liên bang Nga hiện nay, đã trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và tình hữu nghị quốc tế.

Qua nhiều thế hệ, hai đất nước và nhân dân hai nước luôn chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức và khó khăn mà còn cả những khoảnh khắc vinh quang và hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý báu, chí tình của nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga trong cả giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước sau này.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, để “giữ lửa” tình hữu nghị Việt - Nga, việc thúc đẩy giao lưu nhân dân là vô cùng cần thiết. Các hoạt động giao lưu nhân dân không chỉ giúp duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị mà còn tạo ra những cơ hội mới để nhân dân hai nước hiểu và gắn bó hơn với nhau. Trước hết, cần đẩy mạnh các chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa. Các hoạt động giao lưu giữa các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, cần được tổ chức thường xuyên và quy mô hơn, tạo ra không gian để các thế hệ người dân hai nước gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tình hữu nghị Việt - Nga, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Về hợp tác giáo dục và đào tạo, Liên Xô trước đây đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Liên bang Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân thông qua các hội thảo, diễn đàn, và các chương trình hợp tác xã hội cũng rất thiết thực. Những hoạt động này tạo ra không gian để người dân hai nước gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ đó làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Liên bang Nga. Cùng với đó, công nghệ và mạng xã hội cũng có thể được tận dụng để thúc đẩy giao lưu nhân dân. Việc phát triển các nền tảng trực tuyến để người dân hai nước có thể kết nối, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự giao lưu, hợp tác và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Tiếp nối mối quan hệ gắn bó thủy chung được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước xây đắp, Việt Nam và Liên bang Nga đang tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển mối tình hữu nghị đặc biệt này bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực. Với sự quan tâm, đồng sức đồng lòng của các cấp, các ngành hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Liên bang Nga chắc chắn sẽ ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Liên bang Nga lên một tầm cao mới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tinh-cam-thuy-chung-gan-bo-giua-nhan-dan-hai-nuoc-viet-nam-lien-bang-nga-post580235.antd