Tình cảnh 2 công ty có giá cổ phiếu dưới 1.000 đồng
An Trường An và Cotec Land rơi vào cảnh '3 không' khi cổ phiếu không được giao dịch trên HoSE, công ty không phát sinh doanh thu, không có lợi nhuận.
Trong hơn 400 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), 2 mã ATG của Công ty An Trường An và CLG của Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (Cotec Land) đang bị tạm dừng giao dịch.
Cả 2 doanh nghiệp này có điểm chung là vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc diện cảnh báo. ATG và CLG cũng là 2 cổ phiếu trên sàn HoSE có thị giá chưa đến 1.000 đồng.
Khốn đốn vì thiếu nợ 6 tỷ
Trước ngày bị tạm dừng giao dịch, cổ phiếu ATG của An Trường An có thị giá 610 đồng. ATG niêm yết trên sàn HoSE vào tháng 8/2016 và đạt thị giá đỉnh hơn 15.000 đồng vào cuối năm đó trước khi rơi thẳng xuống dưới mức 5.000 đồng từ đầu năm 2017.
An Trường An kinh doanh nhiều ngành, nghề gồm đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; khai thác khoáng sản, nhà hàng tiệc cưới, phân phối xe gắn máy. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp này là 152 tỷ đồng.
Năm 2017, An Trường An có doanh thu 107 tỷ và lợi nhuận ròng 1 tỷ đồng. Bước sang giai đoạn 2018-2019, công ty này chỉ còn doanh thu chưa đến 10 tỷ và lỗ 12 tỷ đồng.
Năm 2020 vừa qua, doanh thu của An Trường An là con số 0 tròn trĩnh và lỗ 2 tỷ đồng. Với việc thua lỗ 3 năm liên tục, ngày rời sàn HoSE của An Trường An không còn xa khi doanh nghiệp nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết công ty con đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa phát sinh doanh thu. Trong khi đó, việc thu hồi nợ khó đòi, các khoản đầu tư vào những dự án có thời gian dài tiếp tục gặp khó khăn, công ty không thu xếp được dòng tiền.
Mới đây, An Trường An còn cho biết đối tác viết đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Trương Đình Xuân “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và ông Xuân bị cơ quan tố tụng tạm giam. Lý do là đối tác ứng vốn 6 tỷ đồng tham gia đầu tư giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Sơn Mỹ (Bình Thuận). Do chưa có giấy phép khai thác nên đối tác đòi lại số tiền trên mà An Trường An lại đang khó khăn về tài chính nên chưa chi trả.
Sau đó, công ty đã trả lại toàn bộ số tiền đối tác ứng trước và phía đối tác đã viết giấy bãi nại xin rút đơn. Cơ quan tố tụng đã thả chủ tịch HĐQT An Trường An trở lại và ông Xuân hiện làm việc bình thường.
Không công bố thông tin
Khác với An Trường An, Cotec Land mới thua lỗ vào năm 2019. Trước đó, công ty này luôn có lãi từ khi lên sàn vào năm 2010. Tuy nhiên, toàn bộ thông tin tài chính của Cotec Land mất hút từ sau quý I/2020. Công ty này đến nay vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh trong 9 tháng cuối năm 2020.
Trong báo cáo tài chính gần nhất, Cotec Land không có bất kỳ đồng doanh thu nào trong quý I/2020. Công ty cũng không phát sinh chi phí bán hàng, trả lương nhân viên. Khoản lỗ sau thuế của Cotec Land là 2 tỷ đồng do vẫn phải trả chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định.
Cộng với khoản lỗ hơn 200 tỷ năm 2019, lỗ lũy kế đến ngày 31/3/2020 của doanh nghiệp này là 203 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ 212 tỷ. Vốn chủ sở hữu của Cotec Land theo đó chỉ còn 27 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên tới gần 500 tỷ.
Cotec Land thành lập năm 2005, tiền thân là một đơn vị trực thuộc Công ty Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng (Cotec). Đây là một thành viên của Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FICO) thuộc Bộ Xây dựng trước khi tiến hành cổ phần hóa.
Một tập đoàn xây dựng lớn hàng đầu Việt Nam là Coteccons cũng có xuất phát điểm là Bộ phận Khối Xây lắp trực thuộc Cotec của FICO.
Cotec Land cũng chọn thi công xây dựng làm ngành nghề kinh doanh chính, đảm nhận các dự án của công ty mẹ Cotec Group. Khi công ty con gặp khó khăn, thua lỗ lớn vào năm 2019, công ty mẹ Cotec Group lên kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 55% cổ phần Cotec Land cho đối tác vào tháng 11/2019.
Thời điểm này, cổ phiếu CLG của Cotec Land là hiện tượng trên sàn chứng khoán khi thị giá tăng phi mã gần 300% trong một tháng từ 1.470 đồng lên 5.490 đồng. Nhưng ngay sau thông tin công ty mẹ muốn thoái hết vốn, thị giá CLG bắt đầu rơi tự do và dừng ở 770 đồng khi bị tạm dừng giao dịch vào tháng 12/2020. Đỉnh cao của CLG là mức giá gần 40.000 đồng/cổ phiếu khi lên sàn năm 2010.
Theo những thông tin gần nhất do Cotec Land công bố, công ty mẹ Cotec Group vẫn chưa thoái vốn thành công. Hiện Chủ tịch HĐQT Cotec Group Đào Đức Nghĩa vẫn làm Chủ tịch Cotec Land.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-canh-2-cong-ty-co-gia-co-phieu-duoi-1000-dong-post1195831.html