Tình cảnh trái ngược của iPhone trên Shopee, TikTok

Sản phẩm Apple, đặc biệt là iPhone đóng góp phần doanh thu khổng lồ trên Shopee, Lazada. Tuy nhiên, tình hình lại trái ngược ở TikTok Shop.

Với giá trị trung bình mỗi sản phẩm cao, nhu cầu lớn từ thị trường, thiết bị Apple đóng góp phần doanh thu rất lớn trên các sàn TMĐT tại Việt Nam. Cuộc chơi có sự tham gia của các shop hậu thuẫn bởi sàn cùng AAR được nhãn hàng hỗ trợ.

Tuy nhiên, tình hình trái ngược với TikTok Shop khi cách bán hàng trên nền tảng này không phù hợp với chính sách của Apple.

Apple thu 3.600 tỷ từ người mua online

Từ 2020, Apple chính thức hợp tác với Shopee, Lazada, mở các gian hàng chính hãng của công ty trên nền tảng TMĐT. Hai shop “Apple Flagship Store” là AAR (Đối tác bán hàng Ủy quyền Apple) ở kênh online. Theo nguồn tin của Tri Thức - Znews, những gian hàng này được vận hành, kinh doanh bởi đơn vị thuộc sàn. Điều này đồng nghĩa Shopee, Lazada trực tiếp bán hàng Apple đến người dùng.

Bên cạnh đó, ShopDunk và Viettel Store là hai AAR đạt được thỏa thuận với Táo khuyết về việc kinh doanh trên sàn TMĐT. Họ có các gian hàng chỉ bán sản phẩm Táo khuyết trên Shopee, Lazada từ 2021. Đến 2024, Minh Tuấn Mobile là hệ thống tiếp theo mở gian hàng trên Shopee.

Apple là thương hiệu có doanh thu lớn nhất trên các sàn TMĐT ở Việt Nam. Ảnh: Metric.

Apple là thương hiệu có doanh thu lớn nhất trên các sàn TMĐT ở Việt Nam. Ảnh: Metric.

Từ khi bắt đầu vận hành, những gian hàng Apple đóng góp lượng doanh thu lớn cho các “chợ mạng”.

Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Metric cho thấy Apple là thương hiệu có doanh thu cao nhất trên tất cả nền tảng TMĐT tại Việt Nam, chiếm 24% trong tổng số 10 nhãn hàng dẫn đầu. Số doanh thu hãng đạt được qua các kênh online ước tính đạt 3.600 tỷ đồng trong năm 2023.

Thống kê các shop có doanh thu lớn nhất trên toàn bộ nền tảng bán hàng trực tuyến, Apple chiếm 3 vị trí trong top 6. Cụ thể, Apple Flagship Store (Shopee) là gian hàng bán được nhiều tiền nhất trên cả Shopee, Lazada, Tiki và Sendo năm 2023. ShopDunk (Shopee) và Apple Flagship Store (Lazada) đứng ở vị trí thứ 3 và 6.

Apple áp đảo trong danh sách mã hàng bán chạy trên Shopee. Ảnh: Metric.

Apple áp đảo trong danh sách mã hàng bán chạy trên Shopee. Ảnh: Metric.

Xét riêng doanh thu trên Shopee, sàn có thị phần lớn nhất hiện tại, Apple kiếm được gần 380 tỷ đồng trong 30 ngày gần nhất. Những mã sản phẩm dẫn đầu là iPhone 15 Pro Max 256 GB được niêm yết trên các shop Apple Flagship Store, ShopDunk, Viettel AAR và Minh Tuấn Mobile. Ở vị trí thứ 5 cũng là chiếc iPhone 13 128 GB của Táo khuyết.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, đại diện hệ thống Minh Tuấn Mobile cho biết sau thời gian ngắn kinh doanh, tỷ trọng gian hàng trên Shopee chiếm khoảng 10% tổng doanh thu Apple của công ty. Đây là con số không hề nhỏ với một hệ thống đại lý có 19 điểm bán tại TP.HCM, Lâm Đồng.

Thế khó cho TikTok Shop

TikTok Shop là nền tảng đang lên khi kết hợp việc bán hàng với hệ thống phân phối nội dung. Giữa tháng 6, một số đại lý trong nước đạt được thỏa thuận với Apple về việc phân phối sản phẩm trên sàn này. Động thái được đưa ra sau hơn một năm Táo khuyết “thả nổi” việc kinh doanh sản phẩm chính hãng trên TikTok Shop.

Từ đầu năm 2023, thông qua phát sóng trực tuyến, kết hợp cùng voucher kích cầu của sàn, các hệ thống thu về doanh thu lớn nhờ bán sản phẩm Apple ở nền tảng mới.

 iPhone không được bán trên livestream, video ở TikTok Shop.

iPhone không được bán trên livestream, video ở TikTok Shop.

Tuy nhiên từ tháng 6, khi Apple can thiệp vào việc kinh doanh sản phẩm trên nền tảng, thành tích trước đó không được duy trì. Đại diện một nhà bán lẻ giấu tên, đang kinh doanh sản phẩm Apple trên TikTok Shop, cho biết việc thực hiện đúng các cam kết về trưng bày sản phẩm, không livestream hay gắn sản phẩm vào video khiến lượng bán giảm sút.

Theo ông Đỗ Quang Huy, Thạc sĩ chuyên ngành TMĐT, Shopee, Lazada áp dụng mô hình truyền thống, với lượt mua đến từ tìm kiếm, phân phối trên trang chủ, đề xuất ứng dụng hay quảng cáo.

Trong khi đó, TikTok Shop gắn phần bán hàng với phân phối nội dung. Việc không thể đưa sản phẩm vào các buổi livestream, video ngắn khiến lượng tiếp cận giảm sút. Đồng thời, người mua cũng không lấy được các mã giảm giá chỉ xuất hiện trên phiên trực tiếp.

“Bán trên TikTok Shop mà không làm video gắn giỏ hàng, livestream chốt đơn thì khó ra doanh số”, Công Hậu, người bán hàng online lâu năm chia sẻ kinh nghiệm.

Thỏa thuận giữa đại lý và Apple

Trao đổi với Tri Thức - Znews, các đại lý chuyên bán sản phẩm Apple trong nước cho biết họ phải thực hiện đúng thỏa thuận với nhãn hàng nói trên khi hợp tác kinh doanh. Trong đó, những phần liên quan đến kênh phân phối trực tuyến rất chi tiết.

Từ 2021, Shopee đã “thanh lọc” toàn bộ iPhone, AirPods, Apple Watch không chính hãng trên sàn. Các loại máy xách tay, nhập lậu bị loại bỏ hoàn toàn.

 iPhone 15 Pro Max là mặt hàng bán chạy trên Shopee.

iPhone 15 Pro Max là mặt hàng bán chạy trên Shopee.

Đến 2022, mặt hàng phụ kiện cáp sạc trên "chợ mạng" cũng bị quản lý. Những shop không cung cấp được giấy tờ nhập hàng chính ngạch hoặc chứng minh đạt chuẩn MFi (Made for iDevice) sẽ bị xóa sản phẩm. Hiện tại, người dùng dễ dàng nhìn thấy các loại cáp sạc Lightning với phần đầu bị che các vạch tiếp xúc, để qua mặt bước kiểm duyệt trên Shopee, Lazada.

Với các hệ thống đạt thỏa thuận bán đồ Apple trên sàn TMĐT, gian hàng không được kinh doanh sản phẩm từ thương hiệu khác, phụ kiện ngoài danh sách hỗ trợ của Táo khuyết. Ngoài ra, những hình thức bán theo kiểu livestream, gắn giỏ hàng dưới video cũng bị kiểm soát.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-canh-trai-nguoc-cua-iphone-tren-shopee-tiktok-post1487653.html