Tình dân tộc - nghĩa đồng bào- Bài II: Chung nhịp trái tim

A Tú cho biết, trong hơn chục tỷ đồng bà con gửi về hai kênh 'Gái bản' và 'Tiếng gọi vùng cao' để hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện thì có tới 50% đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài.

Cụ Nguyễn Văn Chiêu, 73 tuổi (bên phải) từ Hà Nội lên hỗ trợ kỹ thuật xử lý một đoạn đường có vách đá nghiêng khi xây dựng đường lên chòm Cống Dua, thôn Làng Linh, xã Túc Đán huyện Trạm Tấu. .

Cụ Nguyễn Văn Chiêu, 73 tuổi (bên phải) từ Hà Nội lên hỗ trợ kỹ thuật xử lý một đoạn đường có vách đá nghiêng khi xây dựng đường lên chòm Cống Dua, thôn Làng Linh, xã Túc Đán huyện Trạm Tấu. .

>> Bài I: Người kết nối trái tim nhân ái

Những đóng góp của cộng đồng vừa là nghĩa cử cao đẹp nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc vừa khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng mà thông qua Nghị quyết 36 ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã xác định: "… người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

Phản hồi từ những người thường xuyên theo dõi, ủng hộ tiền đến kênh "Gái bản” hay kênh "Tiếng gọi vùng cao” để làm thiện nguyện cho thấy, rất nhiều người có chung tâm sự, cuộc sống của họ có lúc từng đi qua những thời khắc khó khăn vô cùng khó khăn, vất vả. Bây giờ, mọi thứ đã khá hơn nên bà con mong muốn được góp phần chia sẻ, giúp đỡ những nơi khó khăn, những mảnh đời không may mắn.

Những người thường xuyên theo dõi, ủng hộ anh ở 2 kênh cũng đánh giá rất cao A Tú hay những anh em cùng cộng tác luôn tìm đến những nơi, những hoàn cảnh thực sự rất cần được giúp đỡ và lăn lộn trước mọi khó khăn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Mọi kinh phí của cộng đồng đóng góp đều được sử dụng rất đúng mục đích và công khai, minh bạch.

Kết quả, các công trình, phần việc thiện nguyện của A Tú đều tạo sức lan tỏa rất tích cực, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và những hoàn cảnh được giúp đỡ. Hơn thế, A Tú còn năng nổ tuyên truyền, vận động bà con ở vùng cao đẩy lùi hủ tục để hướng tới xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Ví như, việc A Tú tuyên truyền, vận động nhiều gia đình người Mông đưa người ốm đến bệnh viện chữa trị thay vì để ở nhà chữa thuốc nam và cúng ma; hướng dẫn bà con ăn ở vệ sinh sạch sẽ; tuyên truyền, vận động bà con tích bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong đó, có bảo vệ nguồn dược liệu, thực phẩm tự nhiên, phát triển tiềm năng, lợi thế tại chỗ để nuôi trồng cây, con đặc sản mà A Tú đã làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm.

A Tú còn đưa nhiều bà con người Mông ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu đi tham quan mô hình trồng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương lân cận để về chuyển đổi đất nương trồng cây kém hiệu quả sang trồng quế, rồi kêu gọi tài trợ để hỗ trợ 33 hộ dân ở thôn Tà Chơ, mỗi hộ 3.000 cây quế giống; xây nhà vệ sinh tự hoại, đường nội thôn...

A Tú tâm sự: "Tôi vô cùng trân trọng niềm tin tưởng của cộng đồng đã trao gửi, để tôi ngày càng làm tốt hơn công việc thiện nguyện, góp phần giúp đỡ những miền quê và bà con đang còn nhiều khó khăn trong cuộc sống”

A Tú tâm sự: "Tôi vô cùng trân trọng niềm tin tưởng của cộng đồng đã trao gửi, để tôi ngày càng làm tốt hơn công việc thiện nguyện, góp phần giúp đỡ những miền quê và bà con đang còn nhiều khó khăn trong cuộc sống”

Với những cảm nhận tốt đẹp từ cộng đồng, bên cạnh sự đóng góp bằng tiền mặt, tư vấn gián tiếp qua kênh, cộng đồng đã có những hỗ trợ trực tiếp thật cảm động trong nhiều công việc cụ thể.

Đơn cử, ngày A Tú thi công "Con đường huyền thoại Công Dua” ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, anh gặp một đoạn chừng 50 m khi bóc xong lớp đất mặt của nền đường thì lộ ra bên dưới là một vách đá nghiêng. Đang lúng túng về giải pháp kỹ thuật thì ngoài việc tiếp thu được ý kiến đóng góp qua kênh của những người có chuyên môn, dày kinh nghiệm, A Tú còn được ông Nguyễn Văn Chiêu, 73 tuổi từ Ba Vì, Hà Nội lên ở một tháng trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật xử lý thi công đoạn đường này.

Ông Chiêu bày tỏ: "Tôi là người thường xuyên theo dõi kênh "Gái bản” của cháu Tú. Thấy cháu là người giàu tinh thần nhiệt huyết và có tấm lòng quan tâm đến những nơi, những người còn gặp nhiều khó khăn nên thấy mình có chút kinh nghiệm thi công đường núi, tôi quyết định lên đây giúp cháu và bà con dân bản”.

Thi công cầu Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, kỹ sư Võ Lê ở Đà Nẵng - tác giả bản thiết kế kỹ thuật cây cầu với một kết cấu kỹ thuật chưa từng ứng dụng ở Yên Bái, đã đến tận nơi để hỗ trợ chuyên môn.

Cầu Hạnh Phúc ở thôn Khe Ba, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên được kỹ sư Võ Lê ở thành phố Đà Nẵng thiết kế và hỗ trợ thi công.

Cầu Hạnh Phúc ở thôn Khe Ba, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên được kỹ sư Võ Lê ở thành phố Đà Nẵng thiết kế và hỗ trợ thi công.

Cùng đó, trong quá trình thi công đường Cống Dua, thấy bà con trộn vữa bằng tay rất vất vả, một Việt kiều ở Úc đã gửi tiền để A Tú mua máy trộn bê tông. Thi công cầu sàn bê tông lên thôn Tà Chơ, thấy mọi người phải khoan phá một lượng đá rất lớn nhưng thiếu máy khoan, anh Tuấn và những người bạn ở Hải Phòng đã mang lên tặng mấy chiếc máy khoan và dụng cụ thi công khác.

Đồng thời, thấy việc thuê xe chở vật liệu khá phức tạp về tính chủ động, giá thuê đắt đỏ, khối lượng vật liệu lớn…, một nhóm khán giả đã góp tiền để A Tú mua ô tô vận tải phục vụ thi công. Và nữa, khi thi công công trình "Cầu huyền thoại Chống Chơ” cùng ở xã Làng Nhì, thêm một nhóm khán giả tặng cho máy xúc.

Đến bây giờ, kênh "Gái bản” được tặng khá đầy đủ các loại phương tiện, máy móc thi công công trình như: ô tô, máy xúc, máy phát điện, máy nén khí, máy trộn bê tông, các loại khoan, đầm dùi, đầm cóc… Kênh "Tiếng gọi vùng cao” chưa "gọi" được máy xúc, nhưng đã được hỗ trợ xe tắc tơ vận tải, các máy móc, phương tiện thi công tương tự như kênh "Gái bản”.

Trong sự gắn bó và luôn đồng hành hỗ trợ kinh phí để kênh "Gái bản” làm thiện nguyện phải kể đến tấm lòng của những người mà chỉ nhắc tên chưa biết họ như anh Nhàn ở Đồng Nai; anh Phước, anh Hiếu ở Mỹ; anh Uy ở Anh và một chị giấu tên ở Na Uy…, mỗi người, bằng tấm lòng với A Tú, với đồng bào vùng cao khó khăn, đã ủng hộ kênh từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Cùng với ủng hộ tiền, phương tiện thi công công trình, bà con trong và ngoài nước còn ủng hộ những nguồn vật chất khác cũng trị giá lên tới hàng tỷ đồng. Đó là, gián tiếp những đợt bà con ở nước ngoài gửi tặng quần áo, thuốc men, gửi tiền mua gạo cho đồng bào nơi có công trình đang thi công.

Bà con ở mọi miền đất nước và xa nhất tận cực Nam Tổ quốc như: Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang… thấy bà con thi công trình ăn uống kham khổ đã gửi biết bao thùng cá khô đến giúp đỡ. Đồng thời, hiểu được những khó khăn của bà con khi phải tập trung nhân lực để thi công công trình trong một thời gian dài, sẽ kéo theo ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống thường nhật nên bà con ở gần hơn như trong nội tỉnh hay các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tổ chức rất nhiều đoàn thiện nguyện lên thăm, nấu những bữa cơm yêu thương chia sẻ cùng bà con tại công trường để thêm tình gắn bó.

Kèm theo đó là tặng gạo, thức ăn, quần áo, các nhu yếu phẩm khác, chút tiền cho mỗi hộ để động viên bà con hăng hái thi công và cũng để bà con vơi bớt khó khăn lúc đông về, tết đến, lúc trẻ em bước vào năm học mới, tết Trung thu…

Trong quá trình thi công các công trình thiện nguyện, A Tú còn được sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và các cơ quan chuyên môn, nhất là các cơ quan liên quan thuộc ngành giao thông vận tải đã nhiệt tình hỗ trợ các thủ tục về khảo sát, thiết kế, giám sát thi công…

Các địa phương có công trình, luôn đồng hành, sát cánh để anh em làm thiện nguyện hoàn thành tốt công việc của mình như hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục thuộc về quản lý nhà nước trong triển khai các công trình. Quá trình thi công đường dân sinh hay xây dựng nhà ở cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, huyện, xã đều tổ chức các đợt cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên đến công trình cùng lao động trong chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân”…

Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khi cùng 60 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang huyện về tham gia lao động "Ngày cuối tuần cùng dân” tại công trình cầu Chống Chơ đã bày tỏ: "Công trình cầu Chống Chơ được xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí do các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân ủng hộ. Thay mặt lãnh đạo huyện, tôi chân thành cảm ơn các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đã quan tâm giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn đối với bà con ở vùng cao Trạm Tấu. Cảm ơn cháu Tú đã kết nối để thu hút nguồn lực xây dựng cây cầu này.

Là lãnh đạo huyện, tôi luôn quan tâm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện tập trung giải quyết tốt các thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước để công trình được thi công thuận lợi, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân”.

Sự chung tay, góp sức của cộng đồng bà con trong và ngoài nước, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và kênh "Gái bản” của A Tú đã có tới 500.000 người đăng ký theo dõi; kênh "Tiếng gọi vùng cao” có gần 100.000 người đăng ký, chắc chắn anh A Tú và các cộng sự sẽ còn nối nhiều nữa những "bờ vui” trong các bản làng vùng cao Yên Bái đang còn nhiều khó khăn.

Hoàng Nhâm - Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/299080/tinh-dan-toc---nghia-dong-bao-bai-ii-chung-nhip-trai-tim.aspx