Tĩnh để tỉnh - Tâm thế mới của người lãnh đạo
Thế giới đầy biến động và dịch chuyển nhanh đến chóng mặt đã bủa vây con người trong sự choáng ngợp và lo âu. Ở thế giới ấy, không ít nhà lãnh đạo, người làm nhân sự tìm đến với triết học để tái tạo tinh thần và cảm xúc.
Theo ông Vũ Đức Trí Thể, Giám đốc Giải pháp Học viện Quản lý PACE, việc tìm đến với những suy tư triết học là vô cùng cần thiết. Khi đó, người lãnh đạo, người làm nhân sự có thể tìm thấy chính mình, cho mình một khoảng lặng giữa cuộc sống xô bồ để tái tạo tinh thần và cảm xúc, từ đó có cái nhìn toàn cảnh hơn, sâu sắc hơn, để giữ cho mình ở ngoài những cuộc đua không cần thiết.
Theo ông, người lãnh đạo nói chung và người làm nhân sự nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn như thế nào trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay?
Ông Vũ Đức Trí Thể: Có thể nói những nhà lãnh đạo hay cả những người làm công tác nhân sự giờ đây đang bị nhiều khó khăn bủa vây.
Về bối cảnh vĩ mô, rõ ràng chúng ta đều thấy những biến động trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam như lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột quân sự kéo dài, từ đó làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và công tác quản trị nhân sự của doanh nghiệp.
Cách giữ người hay nhất: Giúp nhân viên là chính mình
Đi sâu hơn vào thị trường lao động, một tình trạng đáng chú ý là tỷ lệ nghỉ việc, nhảy việc cao hơn đáng kể so với trước đây, thậm chí ở một số ngành, một số doanh nghiệp, tỷ lệ này còn ở mức báo động.
Đáng chú ý là tình trạng “xác một nơi, hồn một nơi” của người lao động, tức là họ không nghỉ việc, không nhảy việc, nhưng lại không đủ gắn kết, không đủ sự tập trung cho công việc.
Một cụm từ xuất hiện nhiều gần đây để mô tả tình trạng này là “quiet quiting” – nghĩa là người lao động vẫn làm việc, nhưng tâm trí lại không dành cho công việc dẫn tới năng suất thấp.
Ngoài ra, người lãnh đạo và người làm nhân sự còn phải giải quyết bài toán về khoảng cách thế hệ hay áp lực chuyển đổi số khiến nhiều người không theo kịp.
Có nguyên nhân nội sinh nào của tình cảnh khó khăn này không, thưa ông?
Ông Vũ Đức Trí Thể: Những vấn đề kể trên có phần là triệu chứng, còn nguyên nhân theo tôi thì đó là mọi người bị rơi vào một tình trạng gọi là khủng hoảng hiện sinh. “Hiện” là ngay lúc này, cũng có nghĩa là sự hiển thị, “sinh” là sự sống.
Khủng hoảng hiện sinh hiểu nôm na là thiếu đi ý nghĩa của sự sống. Con người bên trong bị “trục trặc”, thành thử không theo kịp với nhịp sống tốc độ và những đòi hỏi của thế giới bên ngoài. Một khi thế giới có quá nhiều thứ hấp dẫn kéo người ta hướng ra ngoài, mà nội tâm chưa kịp trưởng thành thì lúc đó sẽ có một khoảng giống giữa “con người xã hội” và “con người thật sự ở bên trong”.
Người rơi vào tình trạng khủng hoảng hiện sinh sẽ chênh vênh, hoang mang, rồi dẫn tới nghỉ việc, nhảy việc từ chỗ này sang chỗ khác để đi tìm một thứ gì đó mà mình cũng chưa rõ đó là gì.
Tình trạng này đặc biệt xảy ra ở người lao động trẻ. Nguyên nhân là họ cần thời gian để “con người bên trong” được định hình rõ nét, mà tuổi trẻ thường thiếu vốn sống, lại hay vội vã muốn đốt cháy giai đoạn. Trong khi đó, họ phải đối diện với quá nhiều thứ hấp dẫn và cám dỗ bên ngoài.
Không chỉ người lao động, ngay cả các chủ doanh nghiệp cũng gặp phải tình trạng này. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hoang mang, chưa biết định vị doanh nghiệp mình thế nào, không biết sẽ đưa doanh nghiệp mình đi đâu trước bể cơ hội và thách thức. Khi sự định danh còn mơ hồ thì việc định vị ra ngoài thị trường cũng không rõ, dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu vì không tạo được ấn tượng với khách hàng.
Dưới góc nhìn của triết học và của người làm giáo dục, “quiet quiting” còn có thể được lý giải như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Đức Trí Thể: Bất kỳ hiện tượng nào cũng sẽ có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ phía khách quan, thị trường lao động ngày càng trở nên cạnh tranh, cơ hội việc làm hấp dẫn hơn, và người lao động cũng ý thức được việc này, dẫn tới các ứng viên, nhân sự dễ bị phân tâm.
Bên cạnh đó, những cuộc thi, giải thưởng hay các danh hiệu về nơi làm việc tốt nhất cũng thu hút đáng kể sự quan tâm của người lao động, dẫn tới tình trạng FOMO (Fear of missing out) – hội chứng sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó.
Còn cái chủ quan thì vẫn phải quay lại với chính con người đó. Do họ chưa định hình được chính mình ở bên trong, chưa đủ độ “chín”, cho nên luôn tìm kiếm và thay đổi. Chính họ cũng không biết “núi” là gì nhưng cứ đứng “núi” này trông “núi” nọ.
Cùng với đó, dưới góc nhìn của người làm giáo dục, tôi cho rằng các bạn trẻ chưa được chuẩn bị tốt về định hướng cuộc đời và sự nghiệp, dẫn tới tình trạng đứt gãy lớn giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế.
Công tác hướng nghiệp hiện nay chủ yếu là “hướng thi” nhiều hơn, nên thi trường nào, thi ngành gì hơn là đưa ra cách thức lựa chọn điều phù hợp với tính cách, giá trị và năng lực của mỗi người.
Điều này dẫn tới nhiều thế hệ người lao động tốt nghiệp nhưng còn rất chênh vệnh, không biết làm gì cho phù hợp, khiến tình trạng “học một đằng, làm một nẻo, sống một kiểu” trở nên báo động.
Cuộc chiến mới của giới quản trị nhân sự
Trong khi đó, doanh nghiệp thì nỗ lực rất nhiều để thu hút người tài, nhưng vô tình cũng là tự hại mình. Bởi nếu nhìn lâu dài, khi bị cuốn vào cuộc đua đó thì chính doanh nghiệp cũng dễ đánh mất “danh tính” của mình và góp phần tạo ra một thị trường lao động ảo.
Hoặc khi có được người tài mà doanh nghiệp không giải được bài toán sâu xa là khủng hoảng hiện sinh của người lao động, thì cũng sẽ đánh mất nhân sự và quay trở lại điểm bắt đầu là “cuộc chiến” thu hút ứng viên.
Do đó, tôi cho rằng, bản thân nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần có điểm lặng cho riêng mình, không để mình bị cuốn vào “cuộc chiến người tài” một cách không cần thiết, và cũng để định hình được doanh nghiệp thật rõ, từ đó “đất lành chim đậu”.
Vậy làm thế nào để lãnh đạo doanh nghiệp có thể “lặng” khỏi những hoang mang?
Ông Vũ Đức Trí Thể: Bản thân việc lãnh đạo doanh nghiệp đã rất nhiều áp lực, và áp lực đấy càng nhiều hơn khi thị trường liên tục có những vòng xoáy. Cái đó thì phải chấp nhận, chứ không thể né tránh được.
Nhưng nếu người lãnh đạo ý thức được chuyện đó, thì hãy tự tạo cho bản thân những không gian yên tĩnh để lắng lại.
Tôi biết rất nhiều vị lãnh đạo cứ vài tháng là cố gắng sắp xếp dành ra một, hai tuần đi đến một nơi nào đó để thư giãn hoàn toàn, không công việc, không áp lực, để làm mới con người, làm mới nhân sinh quan, để “tỉnh” – tỉnh táo, và để “tĩnh” – tĩnh lặng hơn. Để rồi sau đó, họ quay lại dẫn dắt doanh nghiệp sáng suốt hơn.
Có thể thấy, việc tìm về với bản chất con người, tái tạo tinh thần và cảm xúc, là một trong những xu hướng đáng chú ý vài năm trở lại đây. Vậy ông nhận định như thế nào về xu hướng này, và tại Việt Nam có sự khác biệt gì so với thế giới?
Ông Vũ Đức Trí Thể: Sự dịch chuyển này vừa vui, lại vừa buồn. Buồn là bởi rất nhiều người hiện nay gặp phải vấn đề về tinh thần, nên mới tìm về với thiền, tìm cách sống an nhiên; hay như nhiều bạn trẻ giờ đây bỏ việc về quê nuôi cá trồng rau. Vui là bởi người ta cũng đang tìm ra các giải pháp để sống cân bằng và tái tạo con người bên trong.
Thế nhưng, lẽ ra điều này không cần trở thành xu hướng mà nên là chuyện đương nhiên. Bởi nếu tập giữ được một tinh thần yên tĩnh, biết tự vấn liên tục, thì con người sẽ không bị đẩy vào cuộc khủng hoảng như vậy. Điều này giống như việc tập thể dục và đi khám sức khỏe, nếu làm định kỳ thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, hoặc nhỡ có bệnh nặng cũng phát hiện sớm.
Dù vậy, tôi cũng ủng hộ cho việc con người giờ đây tìm đến triết học nhiều hơn.
Nếu nói triết học cao siêu thì nó cũng cao siêu thật, vì đối tượng nghiên cứu của triết học là các sinh hoạt tinh thần, nên khá trừu tượng, ít người có hứng thú và có thể nắm bắt.
Nhưng triết học cũng gần gũi lắm, nó cho mình một cái nhìn từ phía sau bức màn sân khấu để có một tư duy tổng thể, tập thói quen lắng lại mà nhìn toàn cục dưới con mắt của người đạo diễn, từ đó hiểu được những nguyên nhân sâu xa hơn, để định hình cho mình và cho doanh nghiệp một hướng đi.
Cái nhìn dưới lăng kính triết học có sự khác nhau một chút giữa Việt Nam và thế giới. Với thế giới, chủ yếu là các quốc gia phát triển, nền tảng của triết học của họ sâu và vững, hình thành và phát triển từ hàng chục thế kỷ trước, do đó khi gặp khủng hoảng, họ quay trở lại những gì họ đã có.
Ở Việt Nam thì hơi khác một chút khi nền tảng chưa vững, nếu không khéo sẽ xuất hiện sự lệch lạc trong cách nhìn. Do đó, chúng ta nên đến với triết học theo hướng “cấy” cái nền cho vững trước đã.
Ngoài việc tư duy với cái nhìn triết học, theo ông, những xu hướng nào đã, đang, và sẽ xuất hiện, ảnh hưởng tới việc quản trị nhân sự trong doanh nghiệp?
Ông Vũ Đức Trí Thể: Trước hết, một trong những xu hướng có thể kể đến là hình thức làm việc hybrid, nghĩa là kết hợp làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa. Xu hướng này đã xuất hiện trước Covid-19, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, các quy định về đi lại nghiêm ngặt hơn, đã thúc đẩy cuộc chuyển dịch này mạnh mẽ.
Hình thức làm việc này giúp doanh nghiệp giảm chi phí cố định, tiếp cận được những lao động tay nghề cao hơn, ở khắp mọi nơi trên đất nước, thậm chí trên toàn thế giới.
Một xu hướng đáng chú ý tiếp theo, và theo tôi, sẽ trở thành điều bắt buộc, đó là doanh nghiệp phải biến mình trở thành một tổ chức học tập. Nguyên nhân đến từ sự thay đổi quá nhanh của thị trường, khiến doanh nghiệp và người lao động rất dễ tụt hậu nếu không được nâng cấp.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tinh thần và thói quen học tập, chia sẻ liên tục, người đi trước không giấu nghề, người đi sau không giấu dốt, kết hợp tự học và sẵn sàng “cắp sách đến trường”.
Sự học cần được trau dồi và nâng cấp liên tục, và đây cũng là chính là chìa khóa để thu hút và giữ chân nhân sự, bởi người lao động đến và ở lại một doanh nghiệp khi họ cảm nhận rằng họ được phát triển.
Chuyện học bây giờ không phải là việc làm có thì tốt, không có cũng không sao, mà phải được hoạch định một cách có chiến lược và bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, một trong những xu hướng sắp tới là doanh nghiệp cần lưu tâm vào đặc trưng của thế hệ lao động mới, cá thể hóa cách thức vận hành trong doanh nghiệp để đạt hiệu quả tối ưu.
Trong thập kỷ tới, Gen Z sẽ trở thành lực lượng lao động chính. Thế hệ này rất cởi mởi, thích sự linh hoạt, mong muốn thể hiện cá tính. Họ đề cao đời sống tinh thần, nên doanh nghiệp sẽ cần tạo ra những cái trải nghiệm về tinh thần, về sức khỏe, về sự cân bằng, và càng ngày tính cá nhân hóa càng được chú ý.
Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận và chuyển dịch hiệu quả với những xu hướng này, và điều quan trọng là con người phải làm chủ công nghệ, thay vì bị phụ thuộc và trở thành nô lệ cho chúng.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!