Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng tài sản các tổ chức tín dụng đạt 12,93 triệu tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhờ triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo Đề án 'cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020' (Đề án 1058) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng tài sản đạt 12,93 triệu tỷ đồng, tăng 52,1% so với cuối năm 2016. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 8/2020, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 1.007,7 nghìn tỷ đồng, tăng 69,4% so với cuối năm 2016.
Được biết, đối với các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ (ngân hàng thương mại nhà nước, không bao gồm 3 ngân hàng thương mại mua bắt buộc) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ việc triển khai giải pháp cơ cấu lại của các ngân hàng thương mại nhà nước, kịp thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động để khắc phục các tồn tại, yếu kém.
Đến cuối tháng 8/2020, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 145,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,1% toàn hệ thống, tăng 6,3% so với cuối năm 2016; tổng tài sản đạt 5.334,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,3% toàn hệ thống, tăng 40,2% so với cuối năm 2016.
Các ngân hàng thương mại cổ phần đều tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Đến tháng 8/2020, vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần đạt 290,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,1% toàn hệ thống, tăng 44,4% so với cuối năm 2016; tổng tài sản đạt 5.467,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,3% toàn hệ thống, tăng 59,7% so với cuối năm 2016.
Đến cuối tháng 7/2020, tổng nguồn vốn của toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh, thành phố là 138,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2019; trong đó, tổng nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế đạt 121,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2019.
Vốn điều lệ đạt 5 nghìn tỷ đồng tăng 6,9% so với năm 2019. Tổng dư nợ đạt 99,6 nghìn tỷ đồng giảm 0,7% so với năm 2019; trong đó cho vay ngắn hạn đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, cho vay trung và dài hạn đạt 26,5 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh (chênh lệch thu-chi lũy kế) toàn hệ thống đạt 904 tỷ đồng.
Đối với tài chính vi mô, hiện toàn hệ thống có 4 tổ chức tổ chức vi mô (Tình Thương, M7, Thanh Hóa và CEP) có trụ sở chính tại 3 địa bàn tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thanh Hóa; mạng lưới hoạt động tại 62 chi nhánh thuộc 23 tỉnh, thành phố trên cả nước: Hoạt động của tổ chức tổ chức vi mô trong thời gian qua đã có những hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và hạn chế tín dụng đen.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức tài chính vi mô (Ban hành Thông tư số 19/2019/TT-NHNN ngày 05/11/2019 về mạng lưới hoạt động của tổ chức tổ chức vi mô; tiến hành rà soát, đánh giá, tổng kết 2 năm việc thực hiện Quyết định 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của chương trình, dự án tổ chức vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi chính phủ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp thực tiễn) để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho các chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động lành mạnh, hiệu quả.
Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức tín dụng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, trong đó đến hết năm 2019, 18 tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng trước thời hạn tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN; hoàn thành chỉ tiêu 12-15 tổ chức tín dụng đạt chuẩn Basel II về an toàn vốn vào năm 2020. Còn một số tổ chức tín dụng đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.
Được biết, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để một số các TCTD đang gặp khó khăn về tài chính, cơ cấu lại danh mục tài sản chưa thực hiện được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 01/01/2020 xây dựng lộ trình phù hợp (nhưng không quá thời hạn 03 năm) để thực hiện theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.