Tình đơn phương làm nên nhạc phẩm đệ nhất thất tình
Yêu đơn phương một nữ ca sĩ, nhưng rồi người đẹp đi lấy chồng, để lại bao tiếc nuối trong lòng nhạc sĩ Đỗ Lễ (1941 - 1997). Ôm mối tình khổ đau này, nhạc sĩ làm nên nhạc phẩm đệ nhất thất tình - 'Sang ngang', với những lời ca não tình, sướt mướt…
Mối tình làm nên “Sang ngang”
Ca khúc “Sang ngang” bắt nguồn từ giọng hát của ca sĩ Lệ Thanh. Sự nghiệp ca hát của Lệ Thanh tuy chỉ trong khoảng 10 năm (1955 - 1965), nhưng đã chinh phục trọn vẹn cảm tình của khán giả đương thời. Cách trình bày bản nhạc của Lệ Thanh rất đặc biệt. Đó là không hát liên tục một câu mà thường chia câu hát ra làm hai đoạn để ngừng và láy ở giữa câu, rồi mới tiếp tục hát cho đến hết câu. Cô còn láy qua láy lại tiếng cuối của câu hát, tạo nên cảm giác mới lạ cho nhạc phẩm được trình bày. Đã vậy, cô ưa chẻ từng câu hát, chỗ không phải ngừng thì lại ngừng.
Chơi ngẫu hứng như thế nên nhiều khi ý nhạc sai lệch hẳn đi. Các nhạc sĩ nhăn nhó, nhưng khán giả cứ vỗ tay rần rần. Dạo ấy, Lệ Thanh ưa hát các nhạc phẩm như: “Tiễn em” (thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy), “Chiều mưa biên giới”, “Sắc hoa màu nhớ” (Nguyễn Văn Đông), “Gặp nhau”, “Tà áo cưới” (Hoàng Thi Thơ), “Tà áo xanh” (Đoàn Chuẩn - Từ Linh)...
Tuy nổi tiếng nhưng cuộc đời ca hát của Lệ Thanh lại rất ngoan hiền, không chút điều tiếng. Cô ăn mặc giản dị, tránh né đám đông tối đa, không thích chụp ảnh và ghét tuyên bố vung vít trên mặt báo. Tuy là ca sĩ nhưng trong mắt khán giả, hình ảnh Lệ Thanh như một nữ sinh ngây thơ, khả ái.
Trong số các khán giả ái mộ Lệ Thanh, có một chàng nhạc sĩ trẻ, dáng dấp thư sinh. Đó là nhạc sĩ Đỗ Lễ. Năm 10 tuổi, Đỗ Lễ tự học nhạc và tập tành sáng tác năm 15 tuổi. Tuy thế, đến thời điểm “trồng cây si” ca sĩ Lệ Thanh, Đỗ Lễ vẫn chưa có nhạc phẩm nào thật sự nổi tiếng.
Thời còn phòng trà Anh Vũ, Kim Sơn, Hòa Bình ở Sài Gòn, đêm nào Lệ Thanh hát cũng có mặt Đỗ Lễ. Lệ Thanh đứng trên sân khấu, mỉm cười chung chung, vô định, nhưng Đỗ Lễ thấy như nàng cười với riêng mình, nàng hát riêng cho mình nghe.
Với tâm hồn đa cảm và bén nhạy yêu thương, Đỗ Lễ đã để hết lòng mình mở rộng đón tiếng hát Lệ Thanh đi sâu vào cõi thầm kín nhất của tình si. Từ tiếng hát chất chứa nỗi lòng tan tác bởi chia ly của người nữ ca sĩ tài hoa này đã dẫn Đỗ Lễ vào bến si mê. Yêu giọng ca yêu cả con người.
Thật sự lúc ấy, nói về tài nghệ và danh phận, Đỗ Lễ chỉ là một bóng mờ so với tầm vóc của Lệ Thanh. Yêu một chiều là nỗi trái ngang thường trực của tình đời. Đỗ Lễ là một lẻ bóng trong yêu đương, nhưng vẫn đắm đuối hình bóng ấy làm chất liệu cho kiếp sống đam mê.
Rồi, chàng nhạc sĩ sáng tác rất nhiều nhạc khúc theo nhịp điệu slow, vừa ca ngợi tình yêu vừa than thở cho thân phận một người muốn leo cành bưởi hái hoa. Nhưng cành bưởi thì xa, hoa thì lung linh khiêu gợi, mà bàn tay chàng thì cách xa quá, cách xa mỏi cả tầm tay với.
Sự nghiệp đang rực rỡ, khoảng năm 1965, Lệ Thanh bỗng nhiên bỏ ngang để lấy chồng, để lại nhiều nuối tiếc trong lòng khách mộ điệu. Người hụt hẫng nhất chính là Đỗ Lễ. Dù nhạc sĩ yêu Lệ Thanh bằng mối tình đơn phương nhưng cũng đau đớn, vật vã.
Nhạc phẩm “Sang ngang” ra đời trong trạng huống đó với tấm lòng tan nát, ôm mối tình của hai con đường song song không bao giờ gặp nhau. Nhạc sĩ tưởng tượng ra một đêm từ biệt với Lệ Thanh: “Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nhớ ơi…/ Mai bước sang ngang, lòng thêm nát tan, tình đã dở dang/ Thôi khóc làm gì, đã lỡ duyên thề, thương nhau làm chi/ Nỗi buồn ai hay, khi mình chia tay, xa cách nhau rồi...”. Bài hát này nhanh chóng trở nên phổ biến và đã làm cho biết bao nữ sinh rơi nước mắt.
Theo danh ca Phương Dung, “Sang ngang” là ca khúc nằm trong series 4 bài, gồm: “Sang ngang”, “Buồn”, “Tuyệt vọng”, “Lụy tình” do nhạc sĩ Đỗ Lễ sáng tác khi đang thất tình ca sĩ Lệ Thanh.
“Vì yêu quá say đắm, Đỗ Lễ như thấy nữ ca sĩ hát cho mình ông, cười với mỗi ông. Khoảng năm 1965, Lệ Thanh bỗng nhiên ngưng sự nghiệp ca hát để theo chồng, để lại bao tiếc nuối trong lòng Đỗ Lễ. Càng yêu nhiều, nam nhạc sĩ càng đau khổ bấy nhiêu”, danh ca Phương Dung cho biết.
“Nhạc sĩ của những cuộc tình dở dang”
Khoảng sau năm 1965, tại một phòng trà nhỏ nằm gần đường Đinh Tiên Hoàng, nhạc phẩm “Sang ngang” được Hoài Xuân trình bày. Lúc đó, Hoài Xuân khoảng 18 tuổi, rất xinh đẹp, có đôi mắt buồn não nuột. Nàng cất giọng ca thê lương băng giá cả màn đêm. Bản nhạc này được giới thưởng ngoạn hôm đó khen ngợi nhiệt tình. Hôm đó, Đỗ Lễ cũng có mặt. Hai tâm hồn, một hoàn cảnh, nỗi đau riêng thành mối sầu chung.
Từ đó hàng đêm, Đỗ Lễ vẫn đến các phòng trà nơi Hoài Xuân trình diễn đưa đón nàng và cuối cùng hai người tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, cuộc tình này chỉ kéo dài 6 năm khi họ có với nhau 3 mặt con.
Thời gian đau khổ này, Đỗ Lê sáng tác nhạc phẩm “Tình phụ”. Bài hát cũng đã được tuyển chọn vào vòng chung kết những nhạc phim hay tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Tokyo vào đầu thập niên 1970 và cũng là bài hát trong phim “Sóng tình” với diễn viên chính là Thẩm Thúy Hằng.
Ngoài những nhạc phẩm trên, nhạc sĩ Đỗ Lễ còn có hàng loạt những ca khúc mang hơi hướm thất tình nghe rất não lòng như: “Tan vỡ”, “Tàn phai”, “Dại khờ”, “Hận tình”, “Oan trái”, “Dang dở”, “Chuyện buồn tình yêu”, “Mùa thương cũ”, “Rồi em cũng bỏ tôi đi”…
Cố nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét: “Đỗ Lễ là nhạc sĩ của những cuộc tình dở dang. Ai từng yêu nhạc mà không âm thầm nghĩ đến Đỗ Lễ, cái lặng lẽ âm thầm ấy là sự đau thương trong tình khúc reo hờn trầm buồn đi thẳng vào cuộc đời. Từ muôn trùng, mỗi lần nghe tiếng nhạc trỗi vang là mỗi lần cảm thấy lòng bùi ngùi se sắt lại, tình bâng khuâng với dòng nước, hồn lơ lửng theo mây gió. Trong những phút tuyệt vời ấy, người ta lại thầm nghĩ tới người nghệ sĩ đã soạn thành những tình khúc dang dở của tình yêu, hình dung đến cái đẹp hào hoa tao nhã của con người nhiều lãng mạn và mộng mơ, để lòng thổn thức với thế nhân”.
Cũng theo nhạc sĩ Phạm Duy, những hình ảnh đẹp rực rỡ huy hoàng của nhạc sĩ Đỗ Lễ là người mang đầy những thơ mộng, dày đặc những đau thương và sầu khổ đã phủ kín đời anh… Những tiếng nhạc buồn như mời mọc, van xin và sự sầu khổ man mác tạo thành những ca khúc tuyệt vời là tiếng lòng thổn thức của Đỗ Lễ.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Đỗ Lễ sinh sống bằng cách mở lớp dạy nhạc. Đến năm 1994, ông qua Mỹ định cư. Tuy nhiên, do không hòa nhập được với cuộc sống nơi quê người, ông bị trầm cảm nặng. Trong một dịp trở về Việt Nam, nhạc sĩ đã tìm đến cái chết bằng cách tự tử với một liều thuốc cực độc vào ngày 24/3/1997.
Người ta tìm thấy trong căn nhà của ông hai lá thư tuyệt mệnh, một gửi cho vợ và một gửi cho một người bạn thân. “Thực mà nói, anh không có đối tượng, anh không sáng tác được, đó là tật xấu của anh. Nhưng những mối tình đẹp và trong sáng đã tạo được nhiều cảm xúc trong tác phẩm”, nhạc sĩ Đỗ Lễ viết trong thư tuyệt mệnh.