Tình đồng bào cứu trợ thiên tai

Đồng hành cùng nhóm cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, chúng tôi được chứng kiến tình đồng bào sâu sắc, lòng nhân ái rộng lớn của người dân khắp mọi miền tổ quốc hướng về nơi người dân gặp hoạn nạn…

Người dân ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nhận quà cứu trợ .

Người dân ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nhận quà cứu trợ .

Hòa chung tinh thần tương thân tương ái của cả nước, tuần vừa qua, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy với sự tham gia đóng góp của toàn thể lãnh đạo, phóng viên, nhân viên đã tổ chức đi cứu trợ tại một số địa phương miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, nhiều phóng viên cũng tích cực tham gia các đoàn cứu trợ khác.

HÀNG CỨU TRỢ VÀO ĐƯỢC ĐÚNG NƠI BÀ CON BỊ NẠN

Đoàn công tác thiện nguyện Tạp chí Kinh tế Việt Nam vừa trở về từ Yên Bái. Đồng hành cùng đoàn thiện nguyện có các doanh nghiệp như: Tập đoàn nông nghiệp Tân Long, Công ty thực phẩm LC Food, Công ty CP Sao Thái Dương. Hàng trăm phần quà đã được trao tận tay người dân bị thiệt hại nặng nề. Những giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt người dân khi nhận món quà và khoản tiền nhỏ chia sẻ với bà con 3 xã Tân Lĩnh, Mai Sơn và Tân Phượng thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Hàng trăm phần quà đã được trao tận tay người dân bị thiệt hại nặng nề.

Hàng trăm phần quà đã được trao tận tay người dân bị thiệt hại nặng nề.

Đoàn đã tận mắt chứng kiến hàng nghìn điểm sạt lở dọc đường đi, tàn phá và làm tê liệt hệ thống giao thông độc đạo đến địa phương. Đất bùn từ “trên trời” tràn xuống vùi lấp từng thửa ruộng đang độ thu hoạch…

Quà được trao tận tay người dân bị thiệt hại nặng nề, nhiều giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt của người dân khi nhận món quà và khoản tiền nhỏ chia sẻ đau thương từ các tấm lòng hảo tâm.

Quà được trao tận tay người dân bị thiệt hại nặng nề, nhiều giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt của người dân khi nhận món quà và khoản tiền nhỏ chia sẻ đau thương từ các tấm lòng hảo tâm.

Hàng ngàn xe hàng ứng cứu trước mắt đã và đang tiếp tục đổ lên các tỉnh phía Bắc. Sau những bất cập trong công tác tiếp nhận và phân phối ban đầu thì hiện giờ mọi việc thuận lợi hơn. Các kết nối từ địa phương đến các đoàn ngày một hiệu quả, hàng được đưa vào các vùng sâu hơn, dân nhận được kịp thời hơn.

Các kết nối từ địa phương đến các đoàn ngày một hiệu quả, hàng được đưa vào các vùng sâu hơn, dân nhận được kịp thời hơn.

Các kết nối từ địa phương đến các đoàn ngày một hiệu quả, hàng được đưa vào các vùng sâu hơn, dân nhận được kịp thời hơn.

Vượt trăm cây số đường sạt lở, chuyến xe chở 3 tấn hàng thiết yếu của đoàn đã tập kết tại sân UBND xã Tân Phượng, huyện Lục Yên , tỉnh Yên Bái, xã vùng sâu chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do nạn sạt lở, lũ quét. Cùng nhiều đoàn khác, các suất quà đã được trao tận tay từng hộ dân dưới sự hỗ trợ của chính quyền và công an xã. Cùng với những món quà theo suất, hàng trăm kiện quần áo, giày dép cũ, đồ dùng gia đình cũ… đều được bà con đón nhận. Những thùng đồ gia dụng được san sẻ với bà con trong những lúc thiếu thốn như thế này.

Cùng với những món quà theo suất, hàng trăm kiện quần áo, giày dép cũ, đồ dùng gia đình cũ… chi sẻ với bà con vùng bị thiệt hại.

Cùng với những món quà theo suất, hàng trăm kiện quần áo, giày dép cũ, đồ dùng gia đình cũ… chi sẻ với bà con vùng bị thiệt hại.

"Bà con thiếu nhiều nhu yếu phẩm sau thiên tai là điều trước mắt. Sau đây sẽ là gom nhặt những gì còn lại để dựng lại căn nhà, mua lại con trâu con lợn, giống má… để tiếp tục sống và bám làng bám bản. Cần lắm những đồng tiền mặt trao tay, cần lắm, cần lắm", bà Nguyễn Ngọc Diệp, Chủ tịch Công đoàn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, cho biết.

NHIỀU CHUYẾN HÀNG CỨU TRỢ ĐƯỢC VẬN CHUYỂN MIỄN PHÍ ĐẾN CÁC VÙNG SÂU, VÙNG XA

Tại kho giao hàng ở sân bay Nội bài, từ khi xảy ra bão số 3 đến nay, các hãng hàng không nhận vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí. Lượng hàng do các đơn vị, tổ chức, cá nhân cứu trợ gửi quá lớn, nên các hãng bay không thể sắp xếp hàng vào các chuyến bay theo thời gian mà người gửi mong muốn.

Nhiều người dân ở Lảo Cai bị mất nhà cửa. Ảnh Chu Khôi

Nhiều người dân ở Lảo Cai bị mất nhà cửa. Ảnh Chu Khôi

Liên tiếp các chuyến bay vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí hạ cánh, hàng được chuyển tới kho để giao cho bên nhận. Chị Nguyễn Thị Phượng, nhà ở quận Tây Hồ, đang nhận hàng và bốc hàng lên xe, cho biết trong suốt gần 2 tuần qua, ngày nào chị cũng nhận 2-3 chuyến hàng từ sân bay Nội Bài. “Nhiều trường hợp mình không biết người gửi hàng cứu trợ là ai. Cứ liên tục nhận được thông báo của hãng bay, rằng hàng gửi đến, yêu cầu ra nhận”.

Gia đình chị Phượng chuyên kinh doanh vận chuyển hàng hóa, nhà chỉ có một xe tải cỡ nhỏ, tải trọng 2 tấn, nhận chở hàng từ Hà Nội đi các tỉnh. Sau khi bão số 3 hoành hành, gây nhiều thương vong và thiệt hại cho đồng bào miền Bắc, trên trang Facebook đồng hương Thái Nguyên (quê của chị Phượng), một số người sống tại miền Nam rủ nhau ra Bắc đi cứu trợ. Thế là Phượng tham gia, đón các bạn cùng nhau góp tiền, mua hàng đưa lên phát cho bà con. Sau chuyến đi ấy, chị chụp ảnh đăng trên Facebook.

Chị Nguyễn Thị Phượng đang nhận hàng cứu trợ. Ảnh Chu Khôi.

Chị Nguyễn Thị Phượng đang nhận hàng cứu trợ. Ảnh Chu Khôi.

Bất ngờ ngay sau đó, có người nhắn tin, đề nghị chị nhận hàng và vận chuyển đi cứu trợ. Nhà hảo tâm gửi hàng qua hàng không nên chị Phượng sử dụng xe tải của mình vào kho hàng tại sân bay Nội Bài nhận hàng, rồi vận chuyển đi đến các địa điểm bị thiệt hại nặng do thiên tai tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn… để phát quà đến người dân. Tất cả các hoạt động này, chị đều tự nguyện, không lấy tiền công, toàn bộ chi phí xăng dầu cho xe đều do chị tự bỏ tiền chi trả.

“Không hiểu bằng cách nào đó, bỗng dưng nhiều ở người miền Nam biết đến mình. Họ liên tiếp gửi hàng cứu trợ ra. Mình không ngờ, chỉ nhờ những tấm ảnh đăng trên Facebook cá nhân mà có sức lan tỏa đến thế”, chị Phượng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết trong suốt 2 tuần qua, ngày nào cũng nhận từ 5-15 tấn hàng cứu trợ, rồi chuyển đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh Chu Khôi.

Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết trong suốt 2 tuần qua, ngày nào cũng nhận từ 5-15 tấn hàng cứu trợ, rồi chuyển đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh Chu Khôi.

Các chuyến hàng cứu trợ gửi qua đường hàng không đến chị Phượng ngày càng nhiều. Xe tải trọng 2 tấn của gia đình, mỗi chuyến chất 3 tấn hàng, mỗi ngày vận chuyển được 2 chuyến đi lên miền núi phía Bắc. Có nhiều ngày, lượng hàng nhận lên đến 10-15 tấn, có ngày nhận 15 tấn gạo. Có một nhà hảo tâm gửi hàng cho một bếp ăn 0 đồng Lào Cai, ngày nào họ cũng gửi hơn 100 kiện gồm, gạo, mắm, thực phẩm…

Xe của gia đình chị Phượng không thể vận chuyển hết nên chị phải nhờ các xe tải khác vận chuyển miễn phí từ sân bay đến các điểm cứu trợ. Nhiều xe vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh miền núi về Hà Nội, ở chiều ngược lên miền núi, xe thường không chở hàng, nên họ sẵn sảng vận chuyển hàng cứu trợ mà không lấy tiền cước phí.

Tại kho giao nhận hàng, nhiều lao động chuyên bốc vác hàng từ kho lên các xe tải. Ai nấy đều bốc vác hàng hóa rất nhiệt tình, nhưng khi tìm hiểu, chúng tôi ngỡ ngàng khi những ngày này, tất cả những người “cửu vạn” ở đây đều làm việc nguyện, không nhận tiền công.

TÌNH NGƯỜI NƠI “BẾP ĂN 0 ĐỒNG”

Một trong những địa điểm chúng tôi đến là “Bếp ăn 0 đồng” tại thành phố Yên Bái. Gọi là bếp ăn, nhưng thực ra đây là một con ngõ nhỏ - ngõ 332, đường Đinh Tiên Hoàng. Suốt chiều dài khoảng 100 m, các bếp nấu được đặt san sát.

Được biết, những ngày bão số 3 ập đến, rất nhiều phường, xã ở thành phố Yên Bái ngập sâu trong nước, nhưng riêng con ngõ này nhờ thế đất cao nên không bị ngập.

“Chủ bếp” là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Hùng - thương binh mất cả hai chân và bà Đỗ Thị Nhâm. Theo lời kể của bà Nhâm, đêm mồng 8, sáng 9/9, nước đổ về, khiến đường phố xung quanh bị ngập sâu. Các làng ngoại thành gần đó ngập chìm, nước dâng lên đến mái nhà.

Từ nhà bà nhìn xuống làng, nhiều người dân phải đứng trên nóc nhà, chờ người đến cứu. Hàng chục người dân được bộ đội và công an cứu hộ, đưa tạm lên con ngõ này. Bà nấu cơm, mời những người dân được cứu nạn và lực lượng cứu nạn đến ăn. Bữa đầu nấu hơn 60 suất ăn.

Những ngày sau đó, số lượng người dân được cứu hộ và sơ tán lên đây ngày càng nhiều, nhu cầu suất ăn tăng lên, bà nấu đảm bảo đủ phát miễn phí cho những người dân gặp nạn.

Rất nhiều người tình nguyện phục vụ nấu ăn tại "bếp ăn 0 đồng" của bà Nhâm. Ảnh Chu Khôi.

Rất nhiều người tình nguyện phục vụ nấu ăn tại "bếp ăn 0 đồng" của bà Nhâm. Ảnh Chu Khôi.

Sau 2 ngày, toàn bộ gạo, thực phẩm dự trữ của gia đình “hết sạch”, trong khi người cần được cấp phát bữa ăn miễn phí lên đến 5.000-6.000 người. May thay, nhiều người ở gần đó cùng mang bếp, nồi, xong, chảo… ra ngõ để cùng gia đình bà Nhâm nấu ăn cứu trợ. Hàng trăm người từ các tỉnh miền xuôi đem hàng lên cứu trợ, đã tình nguyện ở lại khu vực “bếp ăn 0 đồng” này để góp công, góp lương thực, thực phẩm để cùng nấu ăn cứu trợ đồng bào gặp nạn. Lực lượng quân đội cũng điều 20 nhân viên đầu bếp đến hỗ trợ, đem máy thái thịt, máy thái rau đến cho mượn.

“Bình quân mỗi bữa nấu 4 tạ gạo, 150 kg thịt, 5 tạ rau… được 5.000 suất ăn. Các lực lượng cứu hộ - chống lụt bão đến ăn, họ nhận các suất ăn đem đi phân phát đến các điểm người dân sơ tán, họ cũng dùng thuyền chở các hộp suất ăn đến phát cho những người dân mắc ở giữa “biển nước”, chưa thoát ra ngoài được”, bà Đỗ Thị Nhâm cho hay.

Nhiều người tình nguyện thái rau tại "bếp ăn 0 đồng" của bà Nhâm. Ảnh Chu Khôi.

Nhiều người tình nguyện thái rau tại "bếp ăn 0 đồng" của bà Nhâm. Ảnh Chu Khôi.

Tối 19/9, chúng tôi đến bếp ăn tại đây, gặp khoảng 150 người đang liên hoan để sáng hôm sau trở về địa phương. Họ là những người từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… lên đây cứu trợ rồi ở lại cùng nấu cơm phục vụ tại đây trong gần 2 tuần qua. Nay, nước đã rút, người dân trở lại hoạt động bình thường, nên họ sẽ rời đi. Sáng 20/9, chúng tôi quay trở lại bếp ăn này, vẫn còn hơn 50 người đang phục vụ việc nấu ăn cứu trợ.

Bà Đỗ Thị Nhâm, người mặc áo xanh. Ảnh Chu Khôi.

Bà Đỗ Thị Nhâm, người mặc áo xanh. Ảnh Chu Khôi.

“Gạo, thực phẩm do các nhà hảo tâm gửi đến. Ai ủng hộ tiền, tôi đều ghi chép lại, đã chi mua những thực phẩm nào, cũng đều ghi rõ ràng, để tới đây sẽ báo cáo lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nợ tiền mua thịt ở chợ khoảng 30 triệu đồng. Phần lớn người dân sơ tán đã được trở về nhà, các lực lượng bộ đội, công an đã rút. Hôm nay chỉ còn phải nấu khoảng 200-300 suất ăn, chủ yếu phục vụ các cháu làm vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả bão lũ”, bà Đỗ Thị Nhâm chia sẻ.

Đoàn phát quà cứu trợ tới bà con xã Khánh Yên Hạ. Ảnh Chu Khôi.

Đoàn phát quà cứu trợ tới bà con xã Khánh Yên Hạ. Ảnh Chu Khôi.

Rời Yên Bái, đoàn chúng tôi lên huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đồng chí La Tiến Thuật, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện Văn Bàn, tận tình dẫn đoàn đến các xã Liêm Phú, Khánh Yên Hạ, Chiềng ken, để phát quà cứu trợ đến từng người dân. Kết quả, Đại đức Thích Bổn Trí đã phát 500 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng đến người dân huyện Văn Bàn.

Đoàn phát quà cứu trợ tới bà con xã Liêm Phú.

Đoàn phát quà cứu trợ tới bà con xã Liêm Phú.

Ông La Tiến Thuật cho biết cơn bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản của người dân huyện Văn Bàn. Mưa lũ đã làm chia cắt, cô lập nhiều khu vực dân cư, làm 2 người chết, 238 ngôi nhà bị thiệt hại; 383ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hệ thống điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc… bị hư hỏng nặng nề. Huyện Văn Bàn đã nhận hơn 90 tấn hàng cứu trợ, đã cùng với các nhà hảo tâm phân phát đến khoảng 3.000 hộ dân bị thiệt hại do bão số 3 trên địa bàn huyện.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tinh-dong-bao-cuu-tro-thien-tai.htm