Tính đột phá và giá trị của 2 công trình đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025

Làm chủ công nghệ, tính bền vững, triển khai thực tế… cùng giá trị nhân văn sâu sắc là những từ ngữ không hề quá lời khi nhắc tới 2 công trình vừa đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hai công trình được vinh danh năm nay tuy ở hai lĩnh vực khác nhau (một công trình gắn với vùng cao, nông nghiệp và dân sinh, một công trình gắn với công nghiệp, năng lượng và công nghệ cao) nhưng đều chung một mẫu số là phục vụ đất nước bằng tri thức và sáng tạo của người Việt Nam.

Công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi – giải pháp cho vùng núi cao thiếu nước

Các tác giả của công trình này là PGS-TSKH Vũ Cao Minh (Viện Các khoa học Trái đất); TS Vũ Văn Bằng (Viện Công nghệ nước và môi trường, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và kỹ sư Nguyễn Chí Tôn (Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang).

PGS-TSKH Vũ Cao Minh phát biểu tại lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 - Ảnh: BTC

PGS-TSKH Vũ Cao Minh phát biểu tại lễ trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 - Ảnh: BTC

Theo PGS-TSKH Vũ Cao Minh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới ở các vùng núi cao luôn là bài toán nan giải nhiều thập kỷ qua. Địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc dẫn nước, khoan giếng hay xây hồ chứa truyền thống gặp nhiều khó khăn, chi phí cao và thiếu tính bền vững.

Trong bối cảnh đó, nhóm tác giả đã phát triển một công nghệ độc đáo – hồ treo thu trữ nước vách núi – sử dụng chính địa hình dốc cao để thu gom và tích trữ nước mưa trong mùa ẩm, cung cấp nước cho sinh hoạt và canh tác trong mùa khô.

PGS-TSKH Vũ Cao Minh cho biết trải qua khoảng 1 năm khảo sát, qua học tập kinh nghiệm của đồng bào địa phương, cũng như phân tích số liệu, nhóm tác giả mới xác định được nguồn nước phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư của người dân vùng cao.

Đây có thể coi là công trình kết tinh từ tâm huyết và thực tiễn gắn bó với đồng bào vùng cao. Công nghệ hồ treo vách núi được thiết kế và triển khai nhằm thu và trữ nước mưa tại các khu vực địa hình hiểm trở, nơi thiếu nước sinh hoạt và sản xuất kéo dài.

Với cấu trúc đặc biệt, tiết kiệm chi phí và phù hợp địa hình núi đá, giải pháp này giúp ổn định đời sống người dân, phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời góp phần gìn giữ văn hóa và sinh kế của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

2 công trình đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay đều được đánh giá là có tính ứng dụng cao - Ảnh: BTC

2 công trình đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay đều được đánh giá là có tính ứng dụng cao - Ảnh: BTC

Hội đồng giải thưởng nhận định công trình này đã tận dụng địa hình tự nhiên, không cần bơm hoặc dẫn nước phức tạp; kết cấu đơn giản, chi phí đầu tư thấp, dễ triển khai tại vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, hồ treo thu trữ nước vách núi có tính bền vững với môi trường, phù hợp với điều kiện địa chất núi đá.

Giải pháp đã được triển khai thực tế tại nhiều xã vùng cao của tỉnh Hà Giang,giúp hàng nghìn hộ dân có nước sạch, tăng vụ sản xuất nông nghiệp và giữ chân dân cư tại chỗ, góp phần vào giảm nghèo và phát triển bền vững.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, công trình còn được đánh giá là mang tới giá trị nhân văn sâu sắc khi gắn nghiên cứu với phục vụ cộng đồng, hướng tới đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số - những người vốn thiệt thòi về điều kiện sống và tiếp cận dịch vụ cơ bản.

“Trước nhu cầu về nước sinh hoạt và chăn nuôi ngày một tăng cao và trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tôi mong rằng các lãnh đạo sẽ luôn quan tâm tới những công nghệ tăng cường nước cho hồ nước trên vùng cao…”, PGS Vũ Cao Minh chia sẻ.

Mặc dù bản thân đã cao tuổi, song PGS Vũ Cao Minh bày tỏ sự sẵn sàng đồng hành cùng các bạn trẻ, cùng cán bộ địa phương làm tốt hơn nữa công tác đưa nước về cho đồng bào vùng cao, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, để người dân vùng cao được hưởng điều kiện tốt hơn.

Nhóm tác giả đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 - Ảnh: BTC

Nhóm tác giả đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 - Ảnh: BTC

Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế – Làm chủ công nghệ, nâng tầm công nghiệp Việt

Đây là công trình thứ hai được vinh danh, đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025. Nhóm tác giả của công trình là những kỹ sư đến từCông ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu, gồm kỹ sư Phạm Đình Thắng (chủ nhiệm đề tài) cùng các cộng sự là kỹ sư Đoàn Kỳ Bá và kỹ sư Bùi Văn Đam.

Theo kỹ sư Phạm Đình Thắng, công trình là thành quả của sự kiên trì nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ lõi, tạo ra các sản phẩm điện đạt chuẩn quốc tế, được ứng dụng rộng rãi.

Ông Thắng cho biết trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về thiết bị điện, đặc biệt là tủ điện trung thếphục vụ các nhà máy, khu công nghiệp, hệ thống điện quốc gia là rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, chi phí cao và khó kiểm soát về kỹ thuật, đặc biệt khi vận hành trong môi trường khí hậu nồm ẩm của Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống tủ điện trung thế đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Hội đồng giải thưởng đánh giá đây là công trình có tính đổi mới sáng tạo trong công nghiệp, đi từ nghiên cứu đến sản xuất hàng loạt quy mô lớn; góp phần nội địa hóa thiết bị công nghệ cao, giảm chi phí đầu tư và phụ thuộc nước ngoài; nâng cao năng lực sản xuất, thiết kế và kiểm định của doanh nghiệp Việt…

Việc làm chủ công nghệ tủ điện trung thế còn tạo đà cho phát triển các sản phẩm công nghệ phụ trợ, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững tại Việt Nam.

Là một doanh nghiệp tư nhân trưởng thành từ tinh thần đổi mới, ông Thắng tin tưởng rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò trụ cột trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn mới.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tinh-dot-pha-va-gia-tri-cua-2-cong-trinh-dat-giai-thuong-tran-dai-nghia-2025-232684.html