Tính đúng, tính đủ giá viện phí để vận hành hoạt động của bệnh viện công có hiệu quả

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công hiện nay vẫn chưa được tính đúng, tính đủ, mới tính 4/7 cấu phần khiến cho nhiều bệnh viện hoạt động khó khăn. Bộ Y tế bắt đầu triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh cho các bệnh viện, theo hướng tính đúng, tính đủ 7 yếu tố làm nên giá viện phí, chuẩn bị thực hiện giá viện phí mới vào năm 2024.

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc tính đúng, tính đủ mang lại những lợi ích gì cho người bệnh và cho bệnh viện? Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT về giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, vậy tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh có bị chồng chéo hay không? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên (PV): Bộ Y tế triển khai xây dựng định mức kỹ thuật dịch vụ khám, chữa bệnh cho các bệnh viện theo hướng tính đúng, tính đủ 7 yếu tố làm nên giá viện phí, chuẩn bị thực hiện giá viện phí mới theo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Vậy 7 yếu tố này bao gồm những gì, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Những năm qua, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 18.244 kỹ thuật với trên 1.300 hướng dẫn chẩn đoán điều trị và trên 7.500 quy trình kỹ thuật, đồng thời ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá các dịch vụ kỹ thuật.

PGS.TS Đào Xuân Cơ.

PGS.TS Đào Xuân Cơ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã phát sinh những bất cập cần khắc phục, nên Bộ Y tế đã cập nhật quy trình kỹ thuật, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp, phục vụ cho tính giá viện phí đúng và đủ.

Chi phí được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh bao gồm 7 yếu tố: Chi tiền lương, phụ cấp; thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế; điện, nước, xử lý chất thải; bảo trì duy tu cơ sở hạ tầng; chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; sửa chữa lớn tài sản cố định; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học và chi phí quản lý. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các bệnh viện mới tính 4/7 cấu phần, các chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, sửa chữa lớn, khấu hao tài sản cố định, bảo trì duy tu tài sản và chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý chưa được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh.

Chẳng hạn như Bệnh viện Bạch Mai, giá dịch vụ y tế mới tính 4/7 yếu tố, hầu hết các dịch vụ tại bệnh viện đang thu theo mức của BHYT xây dựng cách đây gần 20 năm nên đã lỗi thời. Ví dụ, với dịch vụ siêu âm hiện nay tại bệnh viện có giá 49.500 đồng, nhưng các cơ sở khác xây dựng cơ cấu giá tính đủ các yếu tố họ thu từ 200.000-300.000 đồng…

Để các bệnh viện công lập duy trì và phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh được tốt, vấn đề tất yếu phải tính đúng, tính đủ giá viện phí, từ đó các bệnh viện mới có điều kiện phát triển phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh và ngày càng giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; đồng thời, từng bước tự chủ về tài chính, phát triển chuyên môn kỹ thuật, nhất là các kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

PV: Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế giao nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho hơn 5.000 kỹ thuật ở 14 chuyên khoa đầu ngành trong thời gian gấp rút 2 tháng. Vậy, bệnh viện đã triển khai như thế nào và có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Danh mục dịch vụ của Bộ Y tế đang có hơn 18.000 kỹ thuật, nhưng thực tế, nhiều dịch vụ bị trùng, do đó, Bộ Y tế sẽ phải xây dựng lại, còn khoảng hơn 9.000 kỹ thuật. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng hơn 5.000 kỹ thuật thuộc 14 chuyên khoa đầu ngành.

Bệnh viện Bạch Mai được cấp nguồn tài chính trị giá 1.000 tỷ đồng để phục vụ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Bệnh viện Bạch Mai được cấp nguồn tài chính trị giá 1.000 tỷ đồng để phục vụ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Đây là khối lượng công việc rất lớn, cần phải hoàn thành gấp rút trong chưa đầy 2 tháng. Bệnh viện đã bắt tay vào thực hiện công việc này vì đây là cơ sở để Bộ Y tế tham chiếu, làm cơ sở tính đúng, tính đủ giá viện phí. Đầu tiên, chúng tôi phải xây dựng danh mục kỹ thuật, xây dựng quy trình kỹ thuật chuyên môn, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Từ đó, mới có cơ sở để áp giá theo định mức đó.

Thí dụ, chúng tôi phải tính toán một ca phẫu thuật ruột thừa cần bao nhiêu nhân lực: bác sĩ mổ chính, bác sĩ phụ, bác sĩ gây mê, phẫu thuật trong thời gian bao lâu, sử dụng thuốc, vật tư dùng trong cuộc mổ, sử dụng máy nội soi loại gì… để ra được định mức kinh tế kỹ thuật. Từ định mức kinh tế kỹ thuật đó, chúng tôi mới tính ra giá của kỹ thuật là bao nhiêu.

Khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực, vấn đề tính đúng, tính đủ là cần thiết để duy trì hoạt động của bệnh viện. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, các bệnh viện đang nỗ lực thực hiện. Nhiều bệnh viện cũng đang bắt tay vào xây dựng định mức, Bộ Y tế căn cứ vào đó quyết định định mức chung. Hiện tại, Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai đến 31/8/2023 xong lộ trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, bệnh viện đang chỉ đạo các đơn vị chuyên khoa, chuyên ngành tập trung xây dựng.

Trước ngày 31/12/2023, ngành y tế phải hoàn thiện xây dựng định mức này. Với khối lượng công việc rất lớn, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho 5.000 kỹ thuật, chiếm hơn một nửa trong tổng số hơn 9.000 danh mục kỹ thuật Bộ ban hành đợt này, tuy nhiên Bệnh viện cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành công việc được Bộ Y tế giao.

PV: Vậy, tính đúng, tính đủ giá viện phí, người dân và bệnh viện được hưởng lợi gì, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện có đủ chi phí vận hành và tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; có chi phí cho đào tạo chuyên môn để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh. Khi đó, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ đa dạng, có chất lượng cao ngay tại địa phương. Điều này sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Để vận hành bệnh viện thì tính đúng, tính đủ là cần thiết, nhưng không có nghĩa tất cả người dân đến khám, chữa bệnh phải thu đúng, thu đủ. Hiện tại, quỹ BHYT chưa thể chi trả 100% viện phí cho toàn bộ người dân đến khám, chữa bệnh do mức đóng BHYT còn thấp. Do vậy, thực hiện theo Thông tư 13 mới ban hành của Bộ Y tế, sẽ phân luồng khám, chữa bệnh theo yêu cầu và khám, chữa bệnh BHYT.

Người bệnh có điều kiện về kinh tế hoàn toàn có thể chi đúng, chi đủ viện phí các dịch vụ kỹ thuật được hưởng. Những người bệnh còn lại, những người hưởng BHYT, người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số… thì nhà nước và bệnh viện phải làm nhiệm vụ an sinh xã hội, nhà nước phải đầu tư nguồn lực cho Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhiệm vụ.

Bệnh viện sẽ dùng nguồn lực từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để cải thiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ công nhân viên yên tâm công tác, vừa phục vụ người có điều kiện, vừa phục vụ người chưa có điều kiện. Đây là việc hết sức nhân văn. Bên cạnh đó, bệnh viện có thể tái đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, tái đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ chung cho mọi người dân chứ không chỉ phục vụ người giàu. Như vậy, rõ ràng nếu việc này được triển khai, ngành y tế sẽ có điều kiện để phát triển chuyên môn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; người bệnh sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ y tế ngày càng cải thiện, hạn chế đi nước ngoài chữa bệnh.

PV: Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13 về khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu, giá giường bệnh cao nhất là 4 triệu đồng, giá khám giáo sư 500 nghìn đồng, nhiều người lo ngại nếu trường hợp quá tải bệnh viện, họ sẽ không có khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh dịch vụ? Vấn đề này Bệnh viện Bạch Mai giải quyết ra sao, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Người bệnh đến Bệnh viện Bạch Mai có nguyện vọng đăng ký khám theo yêu cầu thì mới thực hiện khám theo yêu cầu. Còn những người bệnh không có nhu cầu khám theo yêu cầu, sẽ được phân luồng khám thông thường theo giá quy định hiện hành. Bệnh viện không lạm dụng, không ép buộc bệnh nhân phải đăng ký khám theo yêu cầu. Bệnh viện Bạch Mai tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của Thông tư, duy trì không quá 20% giường theo yêu cầu; dành 80% số giường còn lại để phục vụ cho những người bệnh BHYT và người không có nguyện vọng khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện Bạch Mai cam kết sẽ thực hiện các giải pháp để đảm bảo công tác chuyên môn và chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho người dân.

PV: Thông tư 13 ra đời, Bệnh viện Bạch Mai xây dựng giá khám, chữa bệnh dịch vụ như thế nào, có giường theo giá tối đa 4 triệu đồng hay không?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Bộ Y tế ban hành Thông tư 13 về khung giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu, là cơ sở hành lang pháp lý quan trọng để bệnh viện công lập dựa vào đó ban hành xây dựng giá khám, chữa bệnh, giá kỹ thuật theo yêu cầu của người bệnh trên từng bệnh viện. Thông tư lần này là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá khám, chữa bệnh.

Thông tư hết sức mở cho các bệnh viện vì không quy định cố định giá mà có dải giá để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình, nhu cầu của người bệnh xây dựng giá cho phù hợp với từng bệnh viện, từng điều kiện cơ sở vật chất. Đây là tiền đề cho chúng tôi thực hiện tính đúng, tính đủ giá khám, chữa bệnh nhưng chỉ áp dụng với đối tượng và người dân tự nguyện đăng ký khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Trong thông tư ghi rõ, lãnh đạo các bệnh viện chỉ được phép sử dụng các chuyên gia y tế, bác sĩ giỏi dành tối đa 30% thời lượng cho khám, chữa bệnh theo yêu cầu, 70% thời lượng còn lại sẽ phục vụ khám, chữa bệnh cho tất cả người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Thêm nữa, thông tư ghi rõ số giường khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ được phép thực hiện dưới 20%. Bệnh viện Bạch Mai đang rà soát kỹ về điều kiện, tiêu chuẩn giường theo yêu cầu; phải theo định mức, yêu cầu các khoa không được vượt quá 20% giường bệnh theo yêu cầu. Đây là điểm các bệnh viện cần bám sát Thông tư, nếu thực hiện quá chỉ tiêu cho phép, người bệnh không có điều kiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ thiệt thòi. Do vậy đòi hỏi ban lãnh đạo bệnh viện phải sát sao việc này.

Thực tế, tại Bệnh viện Bạch Mai trong nhiều năm qua, hầu hết giá khám cũng như giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu thực hiện theo giá BHYT, nếu có giá khám theo yêu cầu thì thu với giá thấp. Ví dụ, giá khám của GS, PGS thực thu 150 nghìn đồng; giá khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 là 120 nghìn đồng; giá khám của thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 là 70 nghìn đồng và chỉ thu ở một bộ phận người dân đăng ký tự nguyện khám theo yêu cầu.

Tuy nhiên, lần này dải giá được Bộ Y tế cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt thì giá khám tối đa có thể đến 500 nghìn đồng, chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ thực hiện theo quy định, chúng tôi không áp dụng đồng loạt giá khám cao để người dân có quyền lựa chọn theo dải giá và có nhiều sự lựa chọn dành cho người dân đến khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai. Với giá giường bệnh, Bộ Y tế cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt, tối đa 4 triệu/ngày, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng, có thể Bệnh viện Bạch Mai cũng có giá giường đó và các mức thấp hơn, nhưng chất lượng và dịch vụ phải tương xứng để đảm bảo cho người bệnh có nhu cầu.

PV: Việc ban hành Thông tư 13 và Thông tư 14 về hướng dẫn giá gói thầu mua sắm, chủ đầu tư được lựa chọn giá cao, có hiệu quả thế nào trong tình hình khó khăn về mua sắm, đấu thầu và tính giá viện phí hiện nay, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Trong khi chưa thực hiện được việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh; khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mua sắm linh kiện thay thế… thì việc Bộ Y tế ban hành song song hai Thông tư này làm cho cán bộ nhân viên ngành y tế rất phấn khởi.

Hai Thông tư giúp cho bệnh viện sớm mua được thiết bị y tế để phục vụ người bệnh tốt nhất. Thứ 2, việc ban hành giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu, tạo cơ hội cho bệnh viện có nguồn lực tài chính để cải thiện chế độ đãi ngộ, động viên cán bộ công nhân viên bệnh viện an tâm công tác, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Ba nữa, thực hiện được chủ trương chính sách của Đảng là tăng cường công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân và phục vụ sức khỏe cho người dân. Thu hút được nguồn lực xã hội và xã hội hóa trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Bệnh viện có thể ký hợp tác công-tư, liên doanh – liên hết với các cơ sở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài để khám, chữa bệnh cho người dân trong nước tốt hơn.

Đây là điểm mới tạo điều kiện cho các bệnh viện, vừa mời các chuyên gia nước ngoài đến bệnh viện khám bệnh, hội chẩn, điều trị cho người dân, vừa đồng thời học được các kinh nghiệm, các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để phục vụ người bệnh tốt hơn. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc tiết kiệm nguồn lực về tài chính rất lớn mà nhiều người dân hiện tại vẫn đang phải đi nước ngoài khám, chữa bệnh. Đây là điểm mới của Thông tư 13 khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Ngay sau khi 2 Thông tư được ban hành, Bệnh viện Bạch Mai đã lên kế hoạch mua sắm các thiết bị khẩn cấp cho các đơn vị trong bệnh viện. Chính phủ và Quốc hội đã xem xét phê duyệt và cấp cho bệnh viện nguồn tài chính trị giá 1.000 tỷ đồng để phục vụ mua sắm. Trước mắt, bệnh viện mua các thiết bị cần thiết để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

Trần Hằng (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/tinh-dung-tinh-du-gia-vien-phi-de-van-hanh-hoat-dong-cua-benh-vien-cong-co-hieu-qua-i699673/