Tĩnh Gia - Thanh Hóa: Phấn đấu trở thành huyện công nghiệp hiện đại
Trong những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tĩnh Gia đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với nhiều kỳ vọng mới về một tương lai tươi sáng hơn.
Hội nghị đối thoại công tác GPMB với nhân dân xã Mai Lâm.
Những năm trước đây, do điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, thời tiết… Tĩnh Gia luôn nằm trong số những huyện nghèo của tỉnh, đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, nhất là từ khi Khu Kinh tế Nghi Sơn được thành lập và đi vào hoạt động đã tạo động lực lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Bên cạnh đó, phải kể đến những nỗ lực nắm bắt thời cơ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Kể từ ngày Khu Kinh tế Nghi Sơn đi vào hoạt động, nhất là trong 5 năm từ năm 2010 đến nay, Huyện ủy, chính quyền Tĩnh Gia đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phục vụ cho các dự án lớn như nhà máy lọc hóa dầu, nhiệt điện, xi măng… Cùng với đó là nhiệm vụ phát triển kinh tế, tái định cư, sắp xếp, chuyển đổi nghề tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Trước hết, về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 30,79%, tăng so với 2006 - 2010 tới 7,79%, thu nhập bình quân đầu người đến 2015 đạt 5.233 USD, tăng 3,5 lần 2010. Quy mô nền kinh tế thuộc nhóm phát triển nhanh của tỉnh.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, giá trị gia tăng bình quân hàng năm 4,77%, giá trị bình quân 1ha canh tác 66 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt đạt bình quân hàng năm 55.668 tấn. Công tác dồn điền đổi thửa được đẩy mạnh đã tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển mạnh. Đến nay toàn huyện có 17 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đặc biệt, kinh tế thủy sản tăng tốc cả về quy mô, chế biến, nuôi trồng và dịch vụ. Kết cấu hạ tầng, kỹ thuật nghề biển được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tổng số phương tiện khai thác có 2.306 chiếc với tổng công suất 137.861CV, tăng 65.665CV so với 2010. Sản lượng khai thác, nuôi trồng hàng năm đạt 28.000 tấn, vượt 7.000 tấn so với 2010. Thu mua, chế biến đạt 80.000 tấn/năm, tăng 30.000 tấn so với 5 năm trước, giá trị hải sản xuất khẩu hàng năm đạt trên 15 triệu USD. Về kinh doanh dịch vụ, hiện toàn huyện có 45 Cty, doanh nghiệp, 448 tổ hợp, cơ sở chế biến thủy hải sản, tổng sản phẩm chế biến đạt 10.000 tấn/năm. Trong nuôi trồng đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp VIETGAP tại các xã Hải Châu, Thanh Thủy, Hải An, Tân Dân, Nghi Sơn… với sản lượng, chất lượng ngày càng tăng.
Cùng với nông, ngư nghiệp. Ngành công nghiệp, xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc với giá trị gia tăng hàng năm tới 33,29%. Trong đó, đóng vai trò chủ lực là các ngành sản xuất xi măng, dăm gỗ xuất khẩu, vật liệu xây dựng… với nhiều dự án được triển khai, nhiều nhà máy đi vào hoạt động như các nhà máy xi măng Công Thanh, Nghi Sơn, nhiệt điện, giầy ANNORA, dăm gỗ, cảng Nghi Sơn, gạch Tuy nen, bia Trường Lâm… Ngoài ra, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cũng có sự tăng tốc đáng kể với giá trị bình quân đạt 3.494 tỷ đồng, tăng 2 lần so với 2010. Đến nay, toàn huyện có 1.100 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho hàng vạn lao động.
Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, lĩnh vực dịch vụ thương mại đã phát triển nhanh về quy mô, loại hình, giá trị gia tăng bình quân hàng năm 8,34%, tổng mức bán lẻ hàng hóa quân bình đạt 2.320 tỷ đồng/năm, tăng 1,4 lần năm 2010. Hoạt động xuất khẩu đến 2015 đạt 171,54 triệu USD. Về phát triển doanh nghiệp, đến nay toàn huyện có 233 doanh nghiệp, 51 HTX dịch vụ, 8 HTX và 3.500 hộ kinh doanh cá thể, tập trung trong các lĩnh vực thương mại, vận tải xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, thu mua, chế biến thủy sản… Nhờ đó, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Cụ thể năm 2015, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 2,91%, công nghiệp, xây dựng 95,2%… Sự phát triển về kinh tế đã tác động rõ rệt đến đời sống, thu nhập của người dân, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9%, giảm tới 15,02% so với 5 năm trước.
Cùng với phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Thời gian qua, Tĩnh Gia cũng đã tập trung thực hiện thắng lợi các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm khác như chương trình quản lý quy hoạch, GPMB xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế biển; chương trình phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, có thể nói chương trình GPMB, phục vụ các dự án của KKTNS là nhiệm vụ chính trị quan trọng số một đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện nhà.
Nói về công tác GPMB, trong những năm qua, Tĩnh Gia đã trở thành một “đại công trường” xây dựng với hàng loạt dự án lớn được triển khai, nhất là thời điểm chuẩn bị khởi động dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Để thực hiện đúng tiến độ GPMB theo “lệnh” của Trung ương và tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, UBND đã huy động tổng lực toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mở chiến dịch “nước rút” GPMB. Thời gian cao điểm, gần như tất cả các phòng, ban của Huyện ủy, ủy ban đều vắng tanh vì cán bộ, cả lãnh đạo và chuyên viên, nhân viên đều xuống cơ sở làm nhiệm vụ. Có người đã “nằm vùng” gần như cả tháng trời dưới nhà dân, thực hiện đến hàng nghìn cuộc đối thoại, cả trên hội nghị cũng như “đối thoại tại gia” với bà con, nhờ kiên trì vận động, tuyên truyền, giải thích, đối chiếu giữa thực tế về nguồn gốc đất mà các hộ đang sử dụng với các quy định, chính sách của Nhà nước về xác định nguồn gốc đất, áp giá đền bù, hỗ trợ... Dần dần “mưa dầm thấm lâu”, sau khi thông suốt, hầu hết người dân đã nhận thức ra vấn đề, tự nguyện tháo dỡ nhà, công trình kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực cao độ của các cấp, ngành, đoàn thể và sự hy sinh quyền lợi riêng tư vì lợi ích chung của nhân dân. Đến năm 2015, toàn huyện đã thu hồi 2.986ha đất, gồm 318ha đất ở, 2.010ha đất nông nghiệp và 568ha đất khác, phục vụ cho 120 dự án với 3.915 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó đã bàn giao 1.361ha đất, 100km đường giao thông, đê kè, tổng số tiền bồi thường đã chi trả trên 3.704 tỷ đồng, sắp xếp tái định cư cho 1.900 hộ dân… Theo tâm sự của một cán bộ làm công tác GPMB, muốn để dân hiểu, dân tin, dân đồng thuận, cán bộ phải đặt mình vào địa vị người dân, thật sự công tâm, khách quan và coi quyền lợi của họ như của chính mình.
Nhìn lại chặng đường đã qua, nhất là giai đoạn 2010 - 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tĩnh Gia có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được. Những thành quả ấy sẽ tạo đà cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Tĩnh Gia trở thành huyện công nghiệp hiện đại và đô thị trung tâm vùng nam Thanh, bắc Nghệ vào năm 2020.
PV
Theo
Link gốc: