Tinh giản biên chế: Đòi hỏi mới khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh Thái Nguyên đã giảm 4.700 biên chế các khối, đạt 10,6% so với biên chế Trung ương giao, tiết kiệm chi trên 34 tỷ đồng mỗi năm.

Cán bộ, công chức phường Châu Sơn (TP. Sông Công) giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân tại bộ phận một cửa.

Cán bộ, công chức phường Châu Sơn (TP. Sông Công) giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân tại bộ phận một cửa.

Thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc. Kết quả đã giảm 18 đầu mối trực thuộc, giảm 34 lãnh đạo cấp phòng và tương đương, thuộc các cơ quan Đảng cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, Tỉnh ủy đã thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, Văn phòng Tỉnh ủy đã xây dựng quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô công phục vụ công tác trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; quy chế quản lý tài chính, tài sản, chi tiêu nội bộ trong các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; quy chế quản lý công sở và thực hiện văn hóa công sở cơ quan Tỉnh ủy; thực hiện việc đánh giá, bàn giao xe ô tô, bàn giao toàn bộ tài sản trên sổ sách; chuyển 10 nhân viên lái xe từ các ban xây dựng Đảng về Văn phòng Tỉnh ủy.

Đối với các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND 9 huyện, thành phố cũng đã quyết liệt trong công tác này. Kết quả đã giảm 177 đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh.

Các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tổ chức rà soát về chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp giảm 20 đầu mối, tổ chức lại 3 ban quản lý dự án thuộc tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

Hai xã Kim Sơn và Kim Phượng (Định Hóa) đã sáp nhập. Hiện nay, bộ máy mới đang hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hai xã Kim Sơn và Kim Phượng (Định Hóa) đã sáp nhập. Hiện nay, bộ máy mới đang hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh đã giảm 105 đơn vị và thực hiện chuyển đổi 23 đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên đối với 1.148 người.

Riêng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, xóm, tổ dân phố được tỉnh thực hiện trong 3 đợt và giảm được 3 xã, 696 xóm, tổ dân phố. Qua đó góp phần tiết kiệm chi ngân sách hỗ trợ chế độ cho người hoạt động không chuyên trách khoảng 15 tỷ đồng.

Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh Thái Nguyên đã giảm 4.700 biên chế các khối, đạt 10,6% so với biên chế Trung ương giao, tiết kiệm chi trên 34 tỷ đồng mỗi năm.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Tuy nhiên, khi tổ chức đánh giá quá trình thực hiện Đề án 09, các đơn vị, địa phương cũng chỉ rõ một số vấn đề còn hạn chế trong việc triển khai thực hiện mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh; việc sắp xếp mô hình ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp tỉnh; việc kết nạp các trưởng xóm, tổ trưởng dân phố vào Đảng; công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước...

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chỉ tập trung giảm 10% biên chế mà chưa thực hiện triệt để Đề án vị trí việc làm và xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực đối với những nhiệm vụ phát sinh, nhiệm vụ theo yêu cầu mới. Do đó dẫn đến nguy cơ thiếu hụt cán bộ trẻ, có năng lực, “đứt quãng” giữa các thế hệ cán bộ trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn đối với một số lĩnh vực, nhiệm vụ chưa có quy định cụ thể của Chính phủ và các bộ, ngành. Một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhận thức chưa thực sự đầy đủ về chính sách tinh giản biên chế, còn có sự đồng nhất giữa nghỉ hưu đúng tuổi với tinh giản biên chế; chưa mạnh dạn đề xuất với cấp có thẩm quyền điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế cho phù hợp với diễn biến, đòi hỏi mới của sự phát triển, mà chỉ bám chắc vào đề án đã xây dựng từ nhiều năm trước...

Để giải quyết những vấn đề đặt ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác này. Đồng thời, các ngành, địa phương cần liên tục rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp ở địa phương, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ...

Việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực phải đảm bảo sau sắp xếp sẽ hoạt động hiệu quả, uy tín hơn. Đây là những vấn đề lớn, cần được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh xem xét, kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để thực hiện trong thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202307/tinh-gian-bien-che-doi-hoi-moi-khi-sap-xep-to-chuc-bo-may-8557653/