Tinh giản chương trình học do dịch Covid-19: Giảm kịch khung
Bộ GD&ĐT giảm kịch khung chương trình phổ thông của học kỳ 2 với nguyên tắc phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu.
Kịch khung chương trình
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, Bộ ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ 2 năm học 2019-2020 đối với các cấp phổ thông, phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 và đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Chương trình được tinh giản theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản và nền tảng cho học sinh để các em đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau; đảm bảo thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn trong cùng khối lớp và cấp học. Tất cả các môn học ở cấp THCS, THPT đều có hướng dẫn rất cụ thể.
Hướng dẫn cũng tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, những nội dung không dạy, không làm, không thực hiện được đề cập trong hướng dẫn là những nội dung thực hành, thí nghiệm mà học sinh không có điều kiện đến trường thực hiện; nội dung mang tính luyện tập nâng cao mà kỹ năng của các bài đó có thể hình thành ở các bài học khác; nội dung mang tính mở rộng, vận dụng vào thực tiễn… được hướng dẫn không dạy hoặc không thực hiện trong học kỳ 2 năm học này.
Trong đó, Bộ có tính toán đến việc học sinh vẫn còn cơ hội để học và trải nghiệm ở những bài và cấp học sau theo chương trình các môn. Do chương trình hiện hành (2006) được thiết kế theo cấu trúc đồng tâm nâng cao dần (xoáy ốc) nên nhiều chủ đề, nội dung kiến thức được lặp lại ở mức độ cao hơn.
"Hướng dẫn điều chỉnh của Bộ là đã giảm kịch khung trong điều kiện có thể và không thể tinh giản được nữa khi nguyên tắc là phải đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu của chương trình", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh.
Đảm bảo hoàn thành chương trình
Vụ trưởng cũng cho biết, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học trong học kì II, bảo đảm hoàn thành chương trình cấp THCS, THPT phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ sở giáo dục.
Các cơ sở giáo dục ưu tiên thời gian tối đa để dạy các môn bắt buộc và tổ chức dạy các môn tự chọn một cách phù hợp; tăng cường hình thức dạy học từ xa (qua internet, truyền hình).
Vào thời gian đầu của năm học 2020-2021 hoặc những thời điểm thích hợp trong năm học, cần tính toán thời gian ôn tập, bổ sung nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện chương trình của năm học mới.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, trong điều kiện học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh dạy học từ xa các nội dung chương trình của học kỳ 2. Các bài giảng để dạy qua internet, truyền hình sẽ phải căn cứ vào hướng dẫn tinh giản trên để xây dựng.
Quá trình xây dựng hướng dẫn tinh giản, Bộ GD&ĐT có tính toán về thời lượng nội dung kiến thức giảm tải để đảm bảo thực hiện được trong khoảng thời gian còn lại của chương trình; bao gồm cả phần học từ xa và phần tiếp tục khi học sinh được trở lại trường.
Trước đó, công văn của Bộ GD&ĐT lưu ý, giáo viên khi dạy chương trình của học kỳ 2 không kiểm tra, đánh giá đối với những kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh của Bộ yêu cầu “không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học”.
Video: Học sinh học trực tuyến trong giai đoạn phải nghỉ vì Covid-19
Mục tiêu tinh giản chương trình là đảm bảo đủ thời gian dạy học trong tình hình rất khó khăn của năm nay, do đó chỉ thực hiện cho học kỳ 2 của năm học này. Sang năm tới, Bộ sẽ có hướng dẫn để các trường khi xây dựng kế hoạch dạy có thể củng cố, bổ sung những phần kiến thức cần thiết nhưng buộc phải tinh giản của năm học này.