Tinh giản môn học ở bậc Tiểu học giúp thầy và trò dễ dạy, dễ học
Chương trình tinh giản ở bậc tiểu học, với môn Toán đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng mà lại giảm tải được áp lực cho giáo viên và cả học sinh. Trong khi môn tiếng Việt thì giáo viên sẽ chủ động hơn trong việc dạy theo chủ đề, không bị tách thành các tiết nhỏ.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học bậc Tiểu học, các cơ sở giáo dục tiến hành nghiên cứu để áp dụng. Các thầy cô của hệ thống giáo dục Học Mãi đã có những đánh giá bước đầu về những thay đổi này.
Theo đó, cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh, giáo viên Toán, cho rằng, tinh thần điều chỉnh đang được áp dụng theo tinh thần thu gọn chương trình mà vẫn đảm bảo đúng – đủ kiến thức, phát huy được khả năng tự học, tính tự giác của học sinh. Nội dung điều chỉnh là hợp lý, đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng mà lại giảm tải được áp lực cho giáo viên và cả học sinh. Lớp 5 là lớp cuối cấp nên ít có sự điều chỉnh về lượng bài tập so với các lớp còn lại.
Chương trình tinh giản ở bậc tiểu học được đánh giá là tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tổ chức dạy học (ảnh T.L).
Với chương trình tinh giảm mà Bộ GD&ĐT đã công bố, các con cần tự giác, chủ động hơn trong việc học của mình. Những nội dung mà thầy cô giảm tải không dạy như chương trình chính khóa không có nghĩa là không cần học và lược hoàn toàn ra khỏi chương trình học của mình. Ngược lại, bản thân cần phải tự xây dựng cho mình một kế hoạch học tập hợp lí, làm sao tự học được toàn bộ kiến thức. Các con có thể tham khảo các chương trình học qua truyền hình, học trực tuyến, và vẫn phải tự bản thân thực hành lại thông qua việc hoàn thành các bài tập để bù đắp cho các tiết luyện tập và luyện tập chung. Học sinh cần tự luyện tập bài nhiều hơn; Cần tổng hợp kiến thức theo chủ điểm; Cần tự ôn lại bài đã học mỗi ngày để tránh quên kiến thức.
Trong khi đó, cô Trần Thu Hoa, giáo viên môn Tiếng Việt chia sẻ, nội dung giảm tải môn Tiếng Việt khối Tiểu học giúp giáo viên chủ động hơn trong việc dạy theo chủ đề, học sinh dễ ghi nhớ. Các nội dung kiến thức trọng tâm vẫn giữ nguyên, học sinh vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng hiện hành.
Về dung lượng kiến thức, số lượng nội dung lược bỏ hoàn toàn không nhiều chủ yếu hướng đến gộp các bài dạy cùng chủ đề, nhiều phần kiến thức học sinh tự thực hành ở nhà để rèn tinh thần tự giác học bài. Với những nội dung tinh giản này hầu như sẽ không có ảnh hưởng nhiều về mặt kiến thức, ngược lại, giáo viên sẽ chủ động hơn trong việc dạy theo chủ đề, không bị tách thành các tiết nhỏ. Học sinh cũng sẽ dễ dàng ghi nhớ kiến thức, cách làm những bài chính tả được dạy gộp vừa giúp tiết kiệm thời gian vừa giúp học sinh đơn giản hóa những nội dung kiến thức đã học.
Về mức độ kiến thức, cơ bản các nội dung kiến thức trọng tâm trong chương trình vẫn giữ nguyên nên học sinh vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng hiện hành. Kiến thức được dạy gộp theo chủ đề là cách xử lí tương đối hợp lí nhằm phát triển năng lực của người dạy và người học trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Học sinh cần chủ động với những phần kiến thức tự học ở nhà. Đây là cơ hội để cả giáo viên và học sinh học cách thích nghi và thay đổi. Tình hình học tập hiện tại yêu cầu học sinh cần chủ động, tự giác tìm hiểu các nội dung tự học. Học sinh cần có một thời khóa biểu và lịch học hợp lí, cân đối.