Tinh gọn bộ máy: Cần Thơ sắp xếp còn 32 đơn vị hành chính cấp xã
Thành phố Cần Thơ thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 16 phường và 16 xã), giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã.

Thành phố Cần Thơ phát triển dọc theo hai bên bờ sông Hậu. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Ngày 14/4, Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ đã ban hành Thông báo số 864/TB-SNV về việc cung cấp thông tin sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Cụ thể, về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với 80 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ để thành lập 32 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 16 phường và 16 xã), giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương với tỷ lệ giảm là 60%.
Theo đó, phường Tân An sáp nhập với phường Thới Bình, phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều) lấy tên là phường Ninh Kiều, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều. Phường An Hòa sáp nhập với phường Cái Khế (quận Ninh Kiều) và một phần diện tích tự nhiên 1,83km², quy mô dân số 330 người của phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) lấy tên là phường Cái Khế, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường An Hòa.
Phường Hưng Lợi sáp nhập với phường An Khánh (quận Ninh Kiều) lấy tên là phường Tân An, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Hưng Lợi. Phường An Bình (quận Ninh Kiều) sáp nhập với xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) lấy tên là phường An Bình, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường An Bình.
Phường Bình Thủy sáp nhập với phường An Thới, phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy) lấy tên là phường Bình Thủy, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Bình Thủy. Phường Long Tuyền sáp nhập với phường Long Hòa (quận Bình Thủy) lấy tên là phường Long Tuyền, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Long Tuyền.
Phường Trà An sáp nhập với phường Thới An Đông, phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) lấy tên là phường Thới An Đông, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Thới An Đông. Phường Lê Bình sáp nhập với phường Ba Láng, phường Hưng Thạnh, phường Thường Thạnh (quận Cái Răng) lấy tên là phường Cái Răng, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Quận ủy-Ủy ban Nhân dân quận Cái Răng (cũ).
Phường Phú Thứ sáp nhập với phường Tân Phú, phường Hưng Phú (quận Cái Răng) lấy tên là phường Hưng Phú, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Cái Răng (mới). Phường Thới Long sáp nhập với phường Long Hưng (quận Ô Môn), phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt) lấy tên là phường Thới Long, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Long Hưng.
Phường Phước Thới sáp nhập với phường Trường Lạc (quận Ô Môn) lấy tên là phường Phước Thới, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Phước Thới. Phường Thới An sáp nhập với phường Châu Văn Liêm, phường Thới Hòa (quận Ô Môn), xã Thới Thạnh (huyện Thới Lai) lấy tên là phường Ô Môn, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn.
Phường Thạnh Hòa sáp nhập với phường Trung Nhút (quận Thốt Nốt), xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) lấy tên là phường Trung Nhứt, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Thạnh Hòa. Phường Thốt Nốt sáp nhập với phường Thuận An, phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt) lấy tên là phường Thốt Nốt, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Quận ủy Thốt Nốt.
Phường Trung Kiên sáp nhập với phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) lấy tên là phường Thuận Hưng, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Thốt Nốt; thành lập phường Tân Lộc trên cơ sở giữ nguyên trạng phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt), trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Tân Lộc.

Đường tỉnh 923 (tên gọi mới của Lộ Vòng Cung) trên địa bàn xã Tân Thới, huyện Phong Điền vừa được nâng cấp, cải tạo. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Xã Nhơn Nghĩa sáp nhập với xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền) lấy tên là xã Nhơn Ái, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nhơn Nghĩa. Thị trấn Phong Điền sáp nhập với xã Tân Thới, xã Giai Xuân (huyện Phong Điền) lấy tên là xã Phong Điền, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Huyện ủy Phong Điền; thành lập xã Trường Long trên cơ sở giữ nguyên trạng xã Trường Long (huyện Phong Điền), trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Trường Long; thành lập xã Thạnh Phú trên cơ sở giữ nguyên trạng xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ) lấy tên là xã Thạnh Phú, trung tâm chính trị -hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Phú; thành lập xã Thới Hưng trên cơ sở giữ nguyên trạng (huyện Cờ Đỏ) lấy tên là xã Thới Hưng, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở UBND xã Thới Hưng.
Thị trấn Cờ Đỏ sáp nhập với xã Thới Đông, xã Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ) lấy tên là xã Cờ Đỏ, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Huyện ủy Cờ Đỏ. Xã Đông Hiệp sáp nhập với xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ), xã Xuân Thắng (huyện Thới Lai) lấy tên là xã Đông Hiệp, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đông Hiệp. Xã Trung Hưng sáp nhập với xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) lấy tên là xã Trung Hưng, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Trung Hưng.
Thị trấn Thới Lai sáp nhập với xã Thới Tân, xã Trường Thắng (huyện Thới Lai) lấy tên là xã Thới Lai, trung tâm chính trị hành chính đặt tại trụ sở Huyện ủy Thới Lai. Xã Đông Thuận sáp nhập với xã Đông Bình (huyện Thới Lai) lấy tên là xã Đông Thuận, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Đông Thuận. Xã Trường Xuân sáp nhập với xã Trường Xuân A, xã Trường Xuân B (huyện Thới Lai) lấy tên là xã Trường Xuân, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Trường Xuân.
Xã Định Môn sáp nhập với xã Tân Thạnh, xã Trường Thành (huyện Thới Lai) lấy tên là xã Định Môn, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Định Môn. Thị trấn Vĩnh Thạnh sáp nhập với xã Thạnh Mỹ, xã Thạnh Lộc (huyện Vĩnh Thạnh) lấy tên là xã Vĩnh Thạnh, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh. Xã Thạnh An sáp nhập với xã Thạnh Quới, xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh) lấy tên là xã Thạnh Quới, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Quới.
Xã Vĩnh Trinh sáp nhập với xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Thạnh) lấy tên là xã Vĩnh Trinh, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Trinh. Thị trấn Thạnh An sáp nhập với xã Thạnh Thắng, xã Thạnh Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) lấy tên là xã Thạnh An, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân thị trấn Thạnh An./.