Tính hai mặt của Methadone
Tuy có nhiều lợi ích nhưng việc mang Methadone về nhà có thể xảy ra nhiều rủi ro, cần quan tâm để bảo đảm an toàn đối với người bệnh và người nhà, nhất là đối tượng trẻ em.
Từ tháng 4 này, Bộ Y tế đã quyết định triển khai thí điểm chương trình cấp thuốc Methadone tại nhà cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Hải Phòng, Điện Biên, Lai Châu, với thời gian trong 2 năm 2021-2022. Dự kiến sau đó trên cơ sở ở những địa phương đã thí điểm, Bộ Y tế sẽ đánh giá rút kinh nghiệm và mở rộng triển khai trong toàn quốc. Đây được coi là bước tiến mới trong công tác điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, phù hợp với tình hình thực tế. Trên thế giới cũng đã có nhiều nước thực hiện chương trình này.
Nghiện ma túy nói chung và các chất dạng thuốc phiện nói riêng hiện được coi là bệnh mạn tính, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nước ta thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone từ năm 2008, theo hình thức uống tập trung tại các cơ sở y tế, nhưng qua rà soát có khoảng 50% số người bỏ điều trị. Nguyên nhân chủ yếu do việc phải đến cơ sở cấp thuốc uống hằng ngày làm nhiều người nản chí, nhất là đối với công nhân, lao động trong các nhà máy bởi họ không bố trí được thời gian thường xuyên đi điều trị tại cơ sở y tế, làm ảnh hưởng đến công việc cũng như mọi mặt đời sống.
Tại Hải Dương, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện được triển khai từ năm 2010. Hiện toàn tỉnh có khoảng 730 người điều trị tại 9 cơ sở y tế. Con số này được cho là chưa tương xứng với thực tế số người nghiện các chất dạng thuốc phiện cần phải cai ở tỉnh ta. Không những vậy, từ năm 2018 trở lại đây, số người ở tỉnh ta bỏ điều trị luôn ở mức hàng trăm người mỗi năm, vừa gây lãng phí nguồn ngân sách vừa lãng phí cơ hội đối với các bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện. Trước thông tin trong thời gian tới có thể được mang Methadone về nhà, nhiều người nghiện tỏ ra rất phấn khởi, kỳ vọng. Nếu triển khai chương trình này, các cơ sở y tế cũng giảm bớt gánh nặng về nhân lực, vật lực, bố trí cho bệnh nhân uống thuốc hằng ngày.
Lợi ích là vậy nhưng mang Methadone về nhà có thể xảy ra nhiều rủi ro, cần quan tâm để bảo đảm an toàn đối với người bệnh và người nhà, nhất là đối tượng trẻ em. Methadone có thể gây nguy hiểm dẫn đến tử vong cho người sử dụng nhầm với liều lượng quá mức cho phép. Việc kiểm soát người bệnh khi uống Methadone tại nhà cũng gặp nhiều khó khăn. Họ có thể không uống đúng liều lượng hoặc sử dụng Methadone như một mặt hàng trao đổi. Thậm chí có người lo lắng rằng người bệnh có thể sử dụng Methadone theo những hình thức khác như chia nhỏ hoặc tăng liều lượng uống hằng ngày, thậm chí là tiêm trực tiếp để tạo cảm giác khác. Tất cả những hành vi này đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân hoặc làm cho việc điều trị Methadone vô tác dụng.
Lo lắng này không phải không có căn cứ. Thực tế ở Hải Dương dù triển khai uống ở cơ sở y tế nhưng trước đây từng xảy ra trường hợp người bệnh giấu nhân viên y tế không uống hết liều lượng Methadone theo quy định, sau đó mang ra ngoài bán và đã bị bắt giữ. Do đó, các cơ sở y tế triển khai cho uống Methadone đã phải thắt chặt hơn trong việc giám sát, quản lý bệnh nhân đến uống.
Ngay từ bây giờ, ngành chức năng cần xem xét kỹ mọi tình huống có thể xảy ra nếu Hải Dương được thực hiện chương trình này. Từ đó lên phương án sẵn để loại bỏ những rủi ro không đáng có.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/tinh-hai-mat-cua-methadone-165282