Tính hai mặt của 'ngay và luôn'

Câu cửa miệng 'ngay và luôn' của những người trẻ bây giờ là câu nói vui nhưng mang trong nó một nhu cầu của nhịp sống mới khẩn trương, dứt khoát trong mọi lựa chọn.

Nói là tính thời đại thì có vẻ to tát nhưng rõ ràng thói lề mề chậm chạp, đợi chờ “trông trời trông đất trông mây” của người nông dân Việt Nam truyền thống phải thay đổi để bắt nhịp với thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế thị trường.

“Cái thằng, (cái con) giời đày ở nhà mà cũng cứ vội vội vàng vàng, ăn chưa buông bát buông đũa đã lại đi”. Trong nhiều mái nhà, các bậc ông bà cha mẹ hay phải thương mà trách con cái như thế. Ở những gia đình trẻ thì 5 giờ sáng đứa bé đã bị bố mẹ bế thốc dậy, mắt nhắm mắt mở vừa mếu máo vừa ăn cho nhanh để phải đưa đến nhà trẻ. Ở trong gia đình hay các công ty, xí nghiệp, cơ quan bây giờ những người trẻ là học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên, trợ lý hay những CEO phải cắp theo ổ bánh mì đi học, đến công trường, cơ quan, lên máy bay chạy theo học hành, công việc lâu nay đã là chuyện phổ biến. Nhiều bạn trẻ khác mạnh dạn khởi nghiệp và sớm thành công...

Chẳng lạ lắm đâu, ngày xưa các cụ đã dạy “Việc hôm nay chớ để ngày mai”, “Thời gian không chờ đợi ai”; trong kinh doanh, buôn bán thì “Thời gian là tiền bạc”, đến cả việc riêng cũng “Lấy vợ phải lấy liền tay”... Nhưng thời nay, sự khẩn trương quyết đoán còn phải cao hơn thế trong mọi việc. Nhanh, rõ ràng, rành mạch trong tư duy, trong đưa ra quyết định và hành động. Kinh tế thị trường, kinh tế số, xã hội số được mở đường và thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, bởi tốc độ thông tin, tốc độ và thuận lợi đủ đường của dịch vụ nên nhịp điệu cuộc sống mọi mặt đều hối hả, chậm là tụt hậu, lỡ cơ hội.

Vậy nhưng “ngay và luôn” lại còn thấy hiển hiện trong nhiều sinh hoạt hằng ngày của xã hội tiêu thụ. “Không thể trì hoãn được cái sự sung sướng” nên phải mua ngay hàng khuyến mãi, hàng thời trang, phải đến ngay điểm hẹn với bạn bè, phải thưởng thức ngay thứ đồ ăn khoái khẩu, phải gọi ship ngay hàng... “Ngay và luôn” thái quá nên dẫn đến những hệ lụy suy nghĩ và hành động hấp tấp, vội vàng, nôn nóng. Không suy tính trước sau trong lựa chọn hay không kiên tâm theo đuổi lựa chọn nên chẳng thể làm được việc gì, ngành nghề gì đến nơi đến chốn. Ganh đua theo khuynh hướng, theo phong trào đã dẫn đến thất bát, hỏng việc. Hiện tượng “nhảy việc”, hay “sống thử”, “sống gấp”, "sống thoáng", “thay người yêu như thay áo”, rồi sớm lập gia đình, cưới vội dẫn đến sớm ly hôn. Bao chuyện lỡ làng cứ thế xảy ra, chưa kể thói tật tranh cướp thời gian làm, giàu nhanh, giàu xổi bất chấp mà vi phạm pháp luật, luật lệ giao thông, gây ra tai nạn, làm hại người khác...

Vì thế, cùng với “ngay và luôn” lại phải cần “sống chậm”, “muốn nhanh cứ phải từ từ”. Nghịch lý ư? Không, cuộc sống luôn đa chiều, đa dạng, trong nhanh có chậm và trong chậm có nhanh. Tuổi trẻ là dám nghĩ, dám làm cái mới, dám mạo hiểm và dám chấp nhận rủi ro, thất bại. Có sự cân bằng giữa nhanh và chậm trên điểm tựa kiên gan hướng đến mục đích sống thì thái độ “ngay và luôn” của con người nói chung và nhất là những người trẻ tuổi sẽ đi tới thành công. Thái độ sống ấy giúp xã hội vượt qua sự trì trệ, thói thụ động, chờ thời để đưa đất nước bứt phá đi lên.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tinh-hai-mat-cua-ngay-va-luon-657555