Tính hai mặt của việc treo thưởng cho con
Vì muốn con có động lực học, nhiều cha mẹ thường treo thưởng cho con. Tuy nhiên, để con có ý thức học thật sự thì việc tạo động lực bên trong mới có giá trị. Bởi khi đó, con sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc đó.
Mỗi khi con chuẩn bị bước vào kỳ thi, anh Đoàn Dũng (Hưng Yên) cũng động viên con học bằng việc treo thưởng cho con: "Nếu kỳ này con được danh hiệu Học sinh giỏi, bố sẽ thưởng con chiếc điện thoại iPhone. Nếu con thi được 8 điểm Toán trở lên, bố sẽ thưởng con 1 đôi giày con thích". Cô con gái thấy những món quà giá trị như vậy thì rất thích. Con liền đặt ra mục tiêu phải chăm chỉ hơn để nhận được phần thưởng từ bố.
Thấy việc treo thưởng của mình khiến con hào hứng, chịu khó học hơn nên anh Dũng tích cực áp dụng hình thức này mỗi khi muốn con làm việc gì đó. Thế nhưng, anh Dũng không biết rằng, việc treo thưởng chỉ khiến con có động lực với những việc trong khả năng của con, khi con thật khao khát món quà đó. Còn với những việc khó hơn, hoặc để duy trì sự chăm chỉ học của con thì việc treo thưởng ấy cũng vô nghĩa.
Cách anh Dũng làm với con chính là tạo động lực bên ngoài cho con. Động lực bên ngoài được cho là có trong công việc khi một người mong đợi nhận được phần thưởng cho công việc khó khăn của mình. Đó có thể là điểm số tốt hơn hoặc lời khen ngợi từ giáo viên ở trường, món quà yêu thích hoặc chỉ là sự chấp thuận và khen ngợi từ người khác.
Việc tạo động lực bên ngoài cũng có giá trị với đứa trẻ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), việc tạo động lực bên trong trẻ là rất quan trọng. Động lực bên trong có thể được hiểu là cảm giác vui vẻ, cảm giác đạt được khi hoàn thành công việc. Động lực bên trong sẽ giúp trẻ kiên trì, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn cũng như phát triển tiềm năng của mỗi đứa trẻ. Nó không như cách tạo động lực "giả" từ bên ngoài như dụ dỗ, hứa hẹn cho trẻ điều gì đó.
Để tạo động lực bên trong cho con, cha mẹ cần thay đổi cách khích lệ để thúc đẩy tư duy phát triển của trẻ. Một cách dễ dàng khi làm điều này đó là khen ngợi nỗ lực và các chiến lược mà con đang sử dụng để giải quyết vấn đề thay vì khả năng có sẵn của con. Đơn cử, lời khích lệ "mẹ rất ấn tượng khi con khéo léo rút khối gỗ ở góc nhỏ này" sẽ thúc đẩy tư duy phát triển trong trẻ hơn là chỉ khen "con mẹ giỏi quá!".
Cha mẹ cần luôn khuyến khích trẻ làm những điều trẻ yêu thích như khen ngợi khi con vẽ tranh. Không vì vẽ là "môn phụ" trên lớp mà cha mẹ ép con học môn khác và nói "vẽ phí thời gian". Khi trẻ làm điều con thích và được khích lệ, một loại hormone hạnh phúc là dopamine sẽ được tiết ra đều đặn. Nó như một nguồn năng lượng mới cho não bộ và giúp não bộ trẻ luôn trong trạng thái hoạt động hiệu quả.
Cha mẹ nên hỗ trợ trẻ phát triển năng lực. "Con đã rất nỗ lực cho bài kiểm tra khoa học này. Bố tự hào về con kể cả khi con không đạt được điểm số mà con muốn. Bố tin cả con và bố đều biết rõ rằng, con đang tiến bộ hơn và đang tiến gần hơn đến mục tiêu của mình". Hãy nhớ rằng, cha mẹ không thể phát triển năng lực thay con và bất kì nỗ lực nào nhằm mục đích đó sẽ chỉ làm suy yếu động lực của con trẻ.