Tình hình Belarus: Thủ lĩnh đối lập có thể đối thoại với Tổng thống Nga, Moscow tin Minsk giữ lời, Mỹ đình chỉ trừng phạt

Ngày 1/10, Điện Elysee cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng, thủ lĩnh đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya để ngỏ khả năng đối thoại với ông Putin.

Thủ lĩnh đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya để ngỏ khả năng đối thoại với Tổng thống Nga về tình hình Belarus. (Nguồn: Washington Examiner)

Thủ lĩnh đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya để ngỏ khả năng đối thoại với Tổng thống Nga về tình hình Belarus. (Nguồn: Washington Examiner)

Trong khi đó, ngày 30/9, trong cuộc phỏng vấn với TASS, khi trả lời câu hỏi liệu Nga có lo ngại việc Belarus ngày càng ít nhắc đến việc sửa đổi hiến pháp hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow không nghĩ rằng Minsk sẽ rút lại tuyên bố về sửa đổi hiến pháp.

"Tôi nghĩ rằng không ai là không giữ lời hứa của mình. Ít nhất là tôi chưa từng thấy điều đó", bà Zakharova nói.

Bà Zakharova nhấn mạnh, việc can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus và chỉ ra cho người dân của đất nước này những gì cần phải làm là điều không thể chấp nhận được.

"Có rất nhiều điều đang diễn ra trong những ngày gần đây liên quan tới Belarus, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải để cho nhân dân Belarus, quốc gia Belarus, tự mình vượt qua giai đoạn khá khó khăn này, tự lựa chọn và đưa ra quyết định", người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga cho hay.

Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đề xuất sửa đổi hiến pháp nhằm phân bổ lại quyền lực của chính quyền các cấp và giảm một phần quyền lực "xuống".

Cùng ngày, theo một số nguồn tin, Mỹ đã đình chỉ việc tham gia cùng Anh và Canada áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus với hy vọng Liên minh châu Âu (EU) có thể vượt qua tranh cãi nội bộ, mở đường cho các biện pháp trừng phạt phối hợp giữa Mỹ và EU.

Trước đó vào tháng 8, EU đã tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 9/8 và vi phạm nhân quyền, nhưng đảo Cyprus, một trong những thành viên nhỏ nhất của EU, đã ngăn chặn quyết định này.

Cyprus khẳng định sẽ không đồng ý với các lệnh trừng phạt Belarus trừ khi EU cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề tranh chấp khoan dầu và khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Tuần trước, Anh, Canada và Mỹ đã lên kế hoạch phối hợp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân người Belarus. Tuy nhiên, sau đó chỉ có London và Ottawa tiến hành vào ngày 29/9.

Ngày 30/9, ba nguồn tin giấu tên cho biết, Washington đã kiềm chế vì họ tin rằng, EU có thể đạt được sự đồng thuận tại cuộc họp Hội đồng châu Âu sắp tới. Gói biện pháp trừng phạt của Mỹ dành cho Belarus về cơ bản đã sẵn sàng, nhưng chưa có thời gian thông báo cụ thể.

Bộ Ngoại giao Mỹ không trực tiếp giải thích lý do không tham gia cùng Anh và Canada trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng họ hoan nghênh hai nước này làm như vậy, đồng thời cho biết, họ đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu để thúc đẩy trách nhiệm giải trình về những người liên quan đến các vụ đàn áp ở Belarus.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-belarus-thu-linh-doi-lap-co-the-doi-thoai-voi-tong-thong-nga-moscow-tin-minsk-giu-loi-my-dinh-chi-trung-phat-125096.html