Tình hình COVID-19 ngày 18/10: Số ca nhiễm mới giảm nhẹ; Thủ tướng tặng Bằng khen cho lực lượng y tế tuyến đầu
Ngày 18/10, số ca nhiễm mới COVID-19 trong nước tiếp tục giảm, 33 tỉnh thành công bố mức độ dịch. Thông tin nổi bật về COVID-19 trong ngày là sự kiện Thủ tướng tặng Bằng khen cho lực lượng y tế xông pha tuyến đầu phòng chống dịch, và thông tin về kế hoạch tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em.
Giảm 16 ca bệnh ghi nhận trong nước, 33 tỉnh thành công bố mức độ dịch
Tính từ 17 giờ ngày 17/10 đến 17 giờ ngày 18/10, Việt Nam ghi nhận 3.168 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 45 tỉnh, thành phố; số ca giảm nhẹ so với ngày trước đó.
Trong số các ca nhiễm mới, có 9 ca nhập cảnh và 3.159 ca ghi nhận trong nước (giảm 16 ca so với ngày trước đó) tại 45 tỉnh, thành phố (có 1.261 ca trong cộng đồng).
Như vậy từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 867.221 ca nhiễm, đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 862.531 ca, trong đó có 790.163 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong ngày 18/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.136 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.543 ca.
Trong ngày ghi nhận 75 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (51), Bình Dương (14), Đồng Nai (3), Sóc Trăng (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1), Đà Nẵng (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), An Giang (1). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.269 ca
Cũng trong ngày 18/10, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các địa phương, đã có 33 tỉnh, thành phố xác định, công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Tặng Bằng khen cho 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc
Ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt trực tuyến với lực lượng y tế tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng cũng tặng bằng khen cho 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành Y tế, Quân đội và Công an trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đợt dịch lần thứ 4.
Phát biểu tại buổi gặp mặt biểu dương tôn vinh các thầy thuốc tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trải qua 4 đợt dịch, ngành y tế đã hết sức khẩn trương, tham mưu kịp thời nhiều giải pháp, huy động và chi viện mọi nguồn lực chống dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư này. Ngành y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khỏe của người dân. Người thầy thuốc đã khẳng định và phát huy được các đức tính “Nhân, Trí, Dũng” trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19”.
Theo thống kê, trong đợt dịch thứ 4, cả nước đã huy động gần 30 nghìn lượt thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến Trung ương và địa phương cùng với hàng trăm nghìn lực lượng y tế tại các tỉnh thành có dịch bùng phát và hàng triệu chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên tại các điểm nóng dịch COVID-19… để kịp thời cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai những biện pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình dịch, trong đó có những biện pháp chưa từng có tiền lệ.
Đặc biệt, trong thời gian ngắn kỷ lục, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương thiết lập 14 trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch; phối hợp với lực lượng quân y triển khai hơn 500 trạm y tế lưu động để kịp thời chăm sóc và cấp cứu các ca nhiễm trong cộng đồng, cung cấp các gói thuốc và dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như các gói an sinh cho người dân trong điều kiện tăng cường giãn cách xã hội.
Thông tin về kế hoạch tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Ngày 18/10, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: Hiện Hà Nội đang rà soát các đối tượng trẻ em đăng ký tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các phường, xã. Tuy nhiên việc tiêm chủng cụ thể như thế nào thì vẫn chờ có vaccine mới có thể có kế hoạch cụ thể. Hiện chưa biết khi nào nguồn vaccine về, có hay không, dùng vaccine nào. Khi nào có vaccine thì Thành phố mới có thể cụ thể hóa kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em”.
Về độ tuổi tiêm chủng cho trẻ em của Hà Nội, theo ông Khổng Minh Tuấn, điều này cũng phụ thuộc vào nguồn vaccine, tùy thuộc số lượng sẽ tiêm cho các đối tượng trẻ từ 17 tuổi, rồi xuống 16 tuổi, 15 tuổi theo nguyên tắc hạ dần độ tuổi.
“Đặc biệt, với trẻ em, bắt buộc phải có bố mẹ đồng ý và ký vào giấy mới được tiêm chủng”, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.
Theo đó, hiện toàn Thành phố Hà Nội có chưa tới 1 triệu trẻ ở độ tuổi từ từ 12 – 17 tuổi. Vì vậy, việc triển khai tiêm không quá khó khăn. Mọi công tác tiêm chủng để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ của Hà Nội đã sẵn sàng. Nếu tiêm trong thời điểm trẻ đến trường thì Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học và sau đó tiêm vét tại xã, phường. Nếu tiêm trong thời điểm học sinh chưa đến trường, thì sẽ tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng như vừa qua.
Hiện Bộ Y tế đã có kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Dự kiến từ cuối tháng 10, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, ưu tiên cho trẻ từ 12- 17 tuổi tiêm trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: Từ 3-11 tuổi; 12- 15 tuổi; 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, chiều 18/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố khẳng định: TP Hồ Chí Minh hiện chưa có kế hoạch nào về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
“Hiện chưa có kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em ở TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi chỉ mới có tờ trình của Sở Y tế cho UBND Thành phố. Sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn như tiêm vaccine loại nào, thời gian tiêm, tiêm như thế nào… thì Sở Y tế sẽ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình và từ đó UBND Thành phố sẽ ban hành kế hoạch tiêm cho trẻ em đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ông Phạm Đức Hải nói.
Theo tờ trình của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 về việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, Sở Y tế đề xuất thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 22/10 cho tất cả trẻ từ 12 đến 17 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và học sinh đang đi học từ lớp 6 đến lớp 12, với số lượng dự kiến khoảng 780.000 trẻ.
TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và tại các điểm tiêm lưu động, trường học trên địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức với loại vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.