Tình hình COVID-19 ngày 28/2: Thêm 94.385 ca mắc mới; ban hành một số văn bản liên quan F0 điều trị tại nhà
Ngày 28/2, những thông tin đáng chú ý về tình hình COVID-19 được quan tâm là: Số ca mắc mới tiếp tục tăng vọt; phân bổ khẩn 401.000 viên thuốc Molnupiravir; một số quy định liên quan tới các ca F0 điều trị tại nhà như quản lý rác thải, cấp giấy chứng nhận hưởng BHXH..
Tiếp tục tăng số ca bệnh trong ngày
Từ 16 giờ ngày 27/2 đến 16 giờ ngày 28/2, Việt Nam ghi nhận 94.385 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội tiếp tục tăng cao với 12.850 ca mắc trong ngày.
Trong số các ca nhiễm mới, có 9 ca nhập cảnh và 94.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 7.410 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 66.227 ca trong cộng đồng). Hà Nội tiếp tục tăng số ca nhiễm mới trong ngày, lên tới 12.850.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.443.485 ca nhiễm. Tindh từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.436.124 ca, trong đó có 2.436.134 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 27.039 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.438.951 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.473 ca. Từ 17 giờ 30 ngày 27/2 đến 17 giờ30 ngày 28/2, cả nước ghi nhận 108 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.252 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.
Hà Nội phân bổ khẩn 401.000 viên thuốc Molnupiravir
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn gửi các Trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Hà Đông về việc phân bổ 401.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg điều trị COVID-19.
Có 6 Trung tâm y tế các quận, huyện: Cầu Giấy, Đan Phượng, Mỹ Đức, Hoài Đức, Ba Vì, Tây Hồ và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội được phân bổ 10.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (4.000 viên); Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (3.000 viên); Bệnh viện Thanh Nhàn (2.000 viên), Bệnh viện Phổi (2.000 viên);16 Trung tâm y tế quận, huyện còn lại mỗi nơi nhận 20.000 viên.
Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200mg và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; thực hiện việc cấp phát cho các đơn vị tham gia Chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị giám đốc các đơn vị theo danh sách phân bổ thuốc Molnupiravir khẩn trương tiếp nhận thuốc, triển khai cấp phát cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà, tránh việc để bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng làm tăng áp lực lên các cơ sở y tế và cán bộ y tế. Đồng thời, các đơn vị cập nhật ngay dữ liệu điều trị lên hệ thống đúng các quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế.
Quản lý chặt chất thải từ các F0 điều trị tại nhà
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà.
Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà.
Cụ thể: Xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trưởng hợp F0 đang quản lý tại nhà trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị phải hướng dẫn việc phân loại chất thải.
Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm.
Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".
Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.
Các địa phương tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các F0 được quản lý tại nhà để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp do địa phương lựa chọn để xử lý theo quy định.
Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 rườm rà, mất thời gian
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có Báo cáo gửi Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 về một số lĩnh vực liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, đáng chú ý là việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) còn rườm rà, mất thời gian.
Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Pháp luật, tại một số địa phương, nhiều người lao động (NLĐ) mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn khi xin Giấy chứng nhận (GCN) nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.
Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 đề nghị Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, có cách thức thông tin, truyền thông đầy đủ, kịp thời để ổn định tư tưởng, tạo niềm tin cho người dân về chiến lược phòng chống dịch bệnh trong thời gian sắp tới. Các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc khai báo sớm khi mắc COVID-19 với y tế địa phương theo đúng quy định và không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của cơ quan y tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng chống dịch COVID-19 như thuốc điều trị, kít xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Cùng với đó, để đảm bảo quyền lợi, giải quyết kịp thời chế độ BHXH của NLĐ mắc COVID-19 tại nhà nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề chưa được quy định trong các văn bản luật hoặc cần thực hiện khác với quy định của luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
Bộ Y tế thông tin về tăng thời hạn sử dụng vaccine Abdala phòng COVID-19
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá độ ổn định liên quan đến hạn dùng của vaccine được bổ sung, các cơ quan chuyên môn đã xem xét thẩm định; Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1299/QLD-KD về việc đồng ý tăng hạn dùng của vaccine Abdala từ 6 tháng lên 9 tháng ở điều kiện bảo quản 2- 8 độ C.
Bộ Y tế khẳng định việc tăng hạn dùng đối với vaccine Abdala không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine.
Trước đó, ngày 8/10/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định số 4749/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vaccine Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, hạn dùng theo hướng dẫn sử dụng là 6 tháng ở điều kiện bảo quản 2 - 8 độ C.
Cũng như các vaccine phòng COVID-19 khác, vaccine Abdala được nghiên cứu và phê duyệt theo hình thức cuốn chiếu, nghĩa là phê duyệt cho những phần đã hoàn thiện trong khi nhà sản xuất vẫn tiếp tục nghiên cứu bổ sung.