Tình hình COVID-19 sáng 1/7: Gần 10,6 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh tại trường học ở Tembisa, Ekurhuleni, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 7 giờ sáng 1/7, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 10.574.073 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó đã có đến 513.139 người tử vong.

Mỹ vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới với 2.726.736 trường hợp, tiếp đến là Brazil 1.408.485 ca.

Trước tình hình hiện tại, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Carissa Etienne bày tỏ quan ngại rằng các quốc gia, các bang hay các thành phố nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 có thể sẽ bị "nhấn chìm" bởi những ca nhiễm bệnh mới.

Bà Carissa Etienne cho rằng số người thiệt mạng vì COVID-19 tại khu vực Mỹ Latin có thể lên tới 438.000 người nếu các biện pháp phòng dịch không được duy trì. Theo bà Carissa Etienne, chỉ riêng tại Mỹ, bang Washington và New York ghi nhận các ca nhiễm mới và số ca tử vong thấp nhưng 27 bang khác lại có diễn biến trái chiều.

Trước đó, ngày 30/6, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), nhận định số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở Mỹ có thể lên tới 100.000 trường hợp mỗi ngày nếu như quốc gia này không thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp khác.

Trong một phát biểu, ông Fauci cho biết: “Hiện chúng ta có hơn 40.000 trường hợp mỗi ngày. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu con số đó lên tới một trăm ngàn ca mỗi ngày nếu như không có sự thay đổi và vì vậy tôi rất lo ngại”.

Nhận định trên của ông Fauci được đưa ra trong bối cảnh một số bang của Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tăng kỷ lục trong ngày khi mở cửa trở lại và nới lỏng giãn cách xã hội.

Mỹ vẫn đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 với 2.684.266 ca nhiễm và 128.857 ca tử vong. Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam.

Nguyên nhân khiến số ca tăng cao trở lại cộng đồng là do tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tình hình dịch bệnh lây lan đã buộc nhiều thống đốc bang phải tái áp đặt các biện pháp như đóng cửa quán bar và nhà hàng, trong đó có bang New Jersey, Arizona và California.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại một số điểm nóng về dịch bệnh tại các khu vực châu Phi và Trung Đông.

Bộ Y tế Nam Phi ngày 30/6 thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này đã tăng lên tới hơn 150.000 người, trong đó có 2.657 ca tử vong.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 6.945 ca mắc COVID-19 và 128 ca tử vong. Trong tổng số 151.209 ca mắc bệnh, 73.500 ca đã hồi phục và xuất viện, chiếm tỉ lệ 48,6%.

Theo thống kê, tỉnh Western Cape, nơi có thành phố du lịch toàn cầu Cape Town, có số ca mắc COVID-19 cao nhất với 62.481 ca, trong đó có 1.895 ca tử vong. Tiếp sau đó là tỉnh Gauteng với thủ đô Pretoria và TP Johannesburg có 42.881 ca mắc và 216 ca tử vong.

Liên quan đến độ tuổi, những người mắc COVID-19 trong độ tuổi từ 60-69 tuổi có tỉ lệ tử vong cao nhất với 26%, tiếp theo đó là 50-59 tuổi với 23%, 70-79 tuổi với 18% và 40-49 tuổi với 12%.

Cùng ngày, Bộ Y tế Ai Cập thông báo nước này phát hiện thêm 1.557 ca mắc, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Bắc Phi này lên 68.311 ca.

Ai Cập cũng ghi nhận thêm 81 bệnh nhân tử vong do COVID-19, theo đó tổng số ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này ở Ai Cập đã lên đến 2.953 người. Hiện trung bình mỗi ngày Ai Cập ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới.

Trước đó, người đứng đầu Ủy ban khoa học chống dịch COVID-19 thuộc Bộ Y tế Ai Cập, Tiến sĩ Hossam Hosni cho biết trong vòng hai tuần tới Ai Cập sẽ công bố một loại thuốc điều trị COVID-19 hiệu quả.

Theo ông Hosni, Ai Cập là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có thể tự sản xuất thuốc điều trị COVID-19 trong nước.

Tại Gabon, Chính phủ nước này tuyên bố sẽ mở cửa trở lại các chuyến bay quốc tế kể từ 1/7, dù tình hình dịch bệnh tại quốc gia Trung Phi này vẫn diễn biến phức tạp.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Libreville, Thủ tướng Gabon Julien Nkoghe Bekale cho biết Chính phủ đã thực hiện giai đoạn một nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, sẽ mở lại không phận dành cho các đường bay quốc tế kể từ 1/7 với giới hạn mỗi hãng hàng không thực hiện 2 chuyến/tuần.

Chính phủ Gabon cũng cho phép nối lại các hoạt động giao thông trên toàn lãnh thổ. Khung giờ giới nghiêm từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau được áp dụng trên toàn quốc từ cuối tháng Tư vừa qua nay sẽ được nới lỏng xuống từ 20 giờ đến 5 giờ.

Nhà chức trách cũng cho phép mở lại các nhà hàng và khách sạn trên cả nước, tuy nhiên các quán bar và câu lạc bộ đêm sẽ vẫn đóng cửa. Theo Thủ tướng Bekale, Chính phủ Gabon cố gắng vừa đảm bảo tình trạng khẩn cấp y tế vừa khôi phục kinh tế và xã hội.

Tính đến chiều 30/6, Gabon ghi nhận tổng cộng 5.394 ca mắc COVID-19 và 42 ca tử vong. Hiện một số quốc gia châu Phi đã thông báo nối lại các chuyến bay quốc tế trong tuần này, trong đó có Senegal, Bờ Biển Ngà và Liberia.

Oman cùng ngày đã ghi nhận thêm 1.010 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 40.070 ca. Số ca tử vong tại Oman tăng thêm bảy ca lên 176 ca. Trong khi đó, số ca phục hồi và xuất viện tăng lên 23.425 ca sau khi thêm 1.003 bệnh nhân được chữa khỏi.

Cũng trong ngày 30/6, Bộ Y tế Israel xác nhận thêm 803 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 25.244 ca. Đây là số ca mắc trong một ngày cao nhất ở Israel kể từ khi dịch bùng phát tại nước này hồi tháng 3 vừa qua. Số ca tử vong tăng từ 319 lên 320 ca, trong khi số ca bệnh nặng tăng lên 52 ca. Số ca phục hồi tăng lên 17.341 ca sau khi thêm 123 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh và xuất viện.

Bộ Y tế Palestine công bố thêm 322 ca mắc và hai ca tử vong tại Bờ Tây, nâng tổng số ca mắc tại vùng lãnh thổ này lên 2.765 ca, trong đó có 10 ca không qua khỏi.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/241690/tinh-hinh-covid-19-sang-1-7--gan-10-6-trieu-ca-nhiem-sars-cov-2.html