Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 30-3

Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên mọi vùng lãnh thổ. Hàn Quốc cách ly mọi trường hợp nhập cảnh. Một bộ trưởng Tài chính cấp bang của Đức tự sát vì áp lực COVID-19.

Tính đến 6 giờ 30 sáng 30-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 33.210 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 707.734 ca nhiễm.

Như vậy, so với ngày 29-3, số ca tử vong tăng 1.298 người, số ca nhiễm tăng 27.281 người. Hiện đại dịch đã lan ra 199 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 146.618 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 266 người so với ngày 29-3.

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thủ đô Berlin, Đức ngày 12-3. Ảnh: DW

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thủ đô Berlin, Đức ngày 12-3. Ảnh: DW

Một bộ trưởng Tài chính cấp bang của Đức tự sát vì áp lực COVID-19

Tờ The Straits Times dẫn nguồn hãng tin AFP ngày 29-3 (giờ địa phương) tuyên bố Bộ trưởng Tài chính của bang Hesse (Đức) - ông Thomas Schaefer đã tử vong gần một đường ray tàu điện khu vực giữa hai TP Frankfurt và Mainz.

Điều tra ban đầu cho thấy nhiều khả năng quan chức trên đã tự sát.

Theo AFP, TP Frankfurt thuộc bang Hesse là trung tâm tài chính hàng đầu của Đức với hầu hết các tập đoàn và tổ chức lớn đặt trụ sở ở đây, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tính đến năm 2020 ông Thomas Schaefer đã giữ chức bộ trưởng Tài chính bang này được 10 năm.

Hãng tin AP nhận định cái chết của ông Schaefer là sự bột phát của việc liên tục phải chịu áp lực từ phía người dân lẫn chính quyền liên bang trong giai đoạn hiện nay, do phải lãnh đạo một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Với nhiều thành công trong suốt sự nghiệp của mình, ông Schaefer từng được dự đoán sẽ trở thành thủ hiến bang Hesse nếu thủ hiến đương nhiệm Volker Bouffier quyết định không tái tranh cử vào năm 2023.

Tính đến sáng 30-3 (giờ Việt Nam), Đức ghi nhận 58.247 trường hợp lây nhiễm COVID-19, 455 ca tử vong.

Hàn Quốc siết chặt biện pháp cách ly

Trong cuộc họp ngày 29-3, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4 (giờ địa phương), tất cả mọi người, không kể quốc tịch, khi nhập cảnh vào nước này đều phải cách ly bắt buộc hai tuần.

"Nếu những người bị cách ly không có chỗ ở, họ sẽ được chuyển đến cách ly ở những địa điểm do chính phủ chỉ định và chi trả. Tôi sẽ hành động. Chúng ta sẽ cách ly bắt buộc những người nước ngoài đến thăm ngắn hạn để ngăn chặn một cách hiệu quả việc nhập cảnh vì những mục đích không quan trọng như là đi du lịch" - ông Chung nhấn mạnh, theo hãng tin Yonhap.

Đây là biện pháp mạnh tay nhất mà chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng với người nhập cảnh.

Trước đó, ngay trong đỉnh dịch tại Hàn Quốc vào tháng 2, nước này cũng chỉ áp dụng các biện pháp nhập cảnh đặc biệt: Bao gồm làm thủ tục ở một cửa riêng, đo nhiệt độ, khai báo y tế, ghi nhận số điện thoại người nhập cảnh, yêu cầu họ thông báo về tình hình sức khỏe hằng ngày và giữ liên lạc với cơ quan chức năng.

Tính đến sáng 30-3 (giờ Việt Nam), Hàn Quốc ghi nhận 9.583 ca nhiễm COVID-19 và 152 người tử vong.

Anh thiết lập tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ lãnh thổ

Đài BBC cho biết họp báo ngày 29-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh - ông Robert Jenrick tuyên bố toàn bộ nước Anh được đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ trong thời bình.

Bộ trưởng Jenrick nhấn mạnh các trung tâm điều phối chiến lược đã được thành lập trên khắp cả nước và chính phủ Anh sẽ không dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt hiện nay trong vài tuần tới.

Cũng tại cuộc họp báo, một quan chức y tế tên Jenny Harries cảnh báo nguy cơ nước Anh sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch COVID-19 lần thứ hai nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa, vốn được xem xét lại sau mỗi ba tuần và cho rằng người dân Anh có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới sáu tháng.

Bà Harries cho biết hiện giờ còn quá sớm để biết liệu Anh có đạt được kết quả mong muốn là hạ thấp đỉnh dịch lây lan ở Anh hay không. Do vậy, việc ngay lập tức dỡ bỏ mọi lệnh phong tỏa, trở về cuộc sống bình thường sẽ vô cùng nguy hiểm.

Bà cho rằng trong thời gian sáu tháng tới, chính phủ sẽ đánh giá tình hình sau mỗi ba tuần và đưa ra những điều chỉnh phù hợp đối với các biện pháp giãn cách xã hội, từng bước đưa nước Anh trở lại hoạt động bình thường.

Tính đến sáng 30-3 (giờ Việt Nam), Anh ghi nhận 17.763 ca nhiễm COVID-19, 1.231 người tử vong.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dai-dich-covid19-tinh-den-sang-303-901046.html